“Dòng người đi trong thương nhớ ”...

(Baonghean) - Gần hai ngày qua, hàng trăm bàn thờ thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được lập ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Tất cả đều chật kín dòng người vào dâng hương, dâng hoa tưởng niệm vị Đại tướng vĩ đại của dân tộc. Tất cả cùng nắm chặt tay nhau vượt qua nỗi đau thương, mất mát…
Bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lập từ chiều 10/10 theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng  để cán bộ, chiến sĩ và người dân vào thắp hương kính viếng Đại tướng. Trước giờ thắp hương tưởng niệm, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh cùng các cơ quan, ban ngành đã có mặt tại trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thống nhất phương án lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong toàn tỉnh. Theo đó, bàn thờ ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ là nơi tổ chức Lễ viếng và tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp phục vụ người dân và các cơ quan, sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Tại các huyện, thành, thị sẽ có những bàn thờ ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thành, thị hoặc tại Hội trường của cơ quan Đảng, chính quyền hoặc khối dân. Tại cấp cơ sở, xã, phường, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Hội Cựu chiến binh tổ chức lập bàn thờ phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương. Ngay sau khi bàn thờ được lập, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, UBMTTQ do đồng chí Trần Hồng Châu - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã vào dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đứng trước bàn thờ và di ảnh của vị Đại tướng huyền thoại, ai cũng lặng người, không cầm được nước mắt. Tiếp đó, các cơ quan, ban ngành và người dân Thành phố Vinh đã cùng nhau đến trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được viếng Đại tướng lần cuối.
Mờ sáng 11/10, cán bộ, chiến sĩ và hàng trăm người dân địa phương xúc động khi chứng kiến hình ảnh cụ ông 94 tuổi bước đi không vững, được người thân dìu lên trước bàn thờ để thắp hương viếng Đại tướng. Tiếp đó, hàng chục cựu chiến binh Điện Biên phủ Thành phố Vinh chầm chậm mang vòng hoa vàng đính giải băng đen vào nhìn người Anh Cả của mình lần cuối. Hầu hết các cụ đã ở tuổi gần đất xa trời, người nhiều tuổi nhất năm nay 93 tuổi, người ít cũng gần 90, đứng trước di ảnh của vị Đại tướng huyền thoại, nước mắt các cụ chảy ròng… Chiều 11/10, đoạn đường Lê Hồng Phong qua trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có lúc tắc nghẽn bởi dòng người vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại bàn thờ chung.
Dòng người vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Dòng người vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Lóng ngóng dắt chiếc xe đạp cà cũ vào khu vực gửi xe, cựu chiến binh Ngô Xuân Vinh (75 tuổi) ở xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp cố gắng chen chân vào xếp hàng để được vào thắp hương viếng Đại tướng. Đôi tai điếc đặc vì sức ép của đạn bom, nhưng khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, ông trằn trọc mất ăn, mất ngủ. Biết tin ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lập bàn thờ để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đến viếng, ông Vinh quyết định bắt xe khách từ Quỳ Hợp về Vinh viếng Đại tướng. Không quen đường, xe đạp lại cọc cạch nên đến cuối buổi chiều, ông Vinh mới đạp xe đến được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Nhìn tấm bảng đen trắng thông báo lễ viếng ở ngoài cổng, ông không cầm được nước mắt… “Là một cựu chiến binh từng vào sinh ra tử ở chiến trường, nghe tin anh Văn mất, lòng tôi đau như xát muối”, ông Vinh tâm sự. Nghe người cựu binh già nói chuyện, chị Phạm Thị Hồng Thắng đang đứng xếp hàng, cũng không cầm được nước mắt. Chiều nay, chị và cậu con trai Võ Trung Đức (3 tuổi) cùng với bố chồng là ông Võ Sỹ Tám (72 tuổi) đi thắp hương cho Đại tướng. Chị cho biết, thế hệ của cha ông chị đã vào sinh ra tử cùng Đại tướng trên chiến trường để có hòa bình như ngày hôm nay. Chị mong muốn con trai mình lớn lên sẽ hiểu được vai trò, vị trí của Đại tướng đối với lịch sử dân tộc cũng như tấm lòng của triệu người dân Việt Nam với vị Đại tướng vĩ đại. 
Trong dòng người nối hàng dài tưởng như vô tận chờ đợi đến lượt mình vào thắp hương cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sân của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, không có sự phân biệt nào về tuổi tác, về địa vị xã hội. Trong đoàn người đó, có những em bé đang bi bô tập nói, có những cụ già râu tóc bạc phơ, những học sinh tiểu học, những cô cậu sinh viên, nhiều người là nông dân, công nhân, là bác xe lai tranh thủ khi vắng khách và cũng có rất nhiều người là cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan cấp tỉnh. Càng về chiều, đoàn người xếp hàng nối dài thêm nhưng không có bất cứ một lời phàn nàn, than trách nào. Tất cả cùng nắm tay nhau, chầm chậm, chầm chậm tiến vào hội trường trong sự nghiêm trang, trật tự và xúc động… 
Đến 19h ngày 11/10, theo thống kê, đã có 190 đoàn tập thể và hàng ngàn lượt cá nhân vào viếng Đại tướng. Đây là nơi sẽ tiếp đón hàng triệu người dân Nghệ An và bầu bạn xa gần đến bày tỏ tấm lòng tiếc nuối và biết ơn sâu sắc với người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà quân sự lỗi lạc, vị Tướng kiệt xuất của thế giới. Gần một tuần nay, toàn thể dân tộc đang nắm chặt tay nhau, cùng vượt qua nỗi đau thương, mất mát, tiếp bước truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước,  đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trở thành tỉnh khá như Bác Hồ và Đại tướng hằng mong muốn.
Nguyên Khoa

Tin mới