Giải pháp tạo bước đột phá ở Qùy Hợp

(Baonghean) - So với các huyện vùng miền Tây Nghệ An thì Quỳ Hợp có một số điều kiện lợi thế: Được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và quý hiếm với trữ lượng tương đối lớn để khai thác ở quy mô công nghiệp; đất đai rộng, màu mỡ thuận lợi cho việc phát triển nền nông nghiêp hàng hóa về cây công nghiệp, cây ăn quả; 2 xã là Nghĩa Xuân và Minh Hợp vừa mới được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt công nhận đạt chuẩn NTM, đền Choọng mới được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh... là những tín hiệu vui, động lực thúc đẩy để Đảng bộ và nhân dân có quyết tâm cao hơn. Để thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2020 đưa Quỳ Hợp có nền công nghiệp phát triển năng động, hiệu quả, trở thành một trong những huyện khá nhất vùng Tây Bắc Nghệ An, đòi hỏi một sự quyết tâm cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp. 
Trên lĩnh vực nông nghiệp, việc đưa hồ chứa nước Bản Mồng vào sử dụng sẽ phát huy hiệu quả trong sản xuất gắn chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Huyện cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành Nông nghiệp theo hướng tăng giá trị sản xuất chăn nuôi. Về một số sản phẩm chủ lực mà huyện có điều kiện phát triển như: đối với cây lúa ổn định diện tích, đưa các loại giống mới vào sản xuất, áp dụng các kỹ thuật sản xuất thâm canh tiến tiến để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng, phấn đấu đạt sản lượng lương thực 35.157 tấn. Cây mía đảm bảo diện tích quy hoạch, đưa các giống năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng tưới nhỏ giọt, phấn đấu đạt 377.000 tấn, phục vụ nguyên liệu cho nhà máy. Còn với cây cam, thực hiện chủ trương phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng quy trình yêu cầu về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, và xây dựng thương hiệu cam Quỳ Hợp (thuộc chỉ dẫn địa lý thương hiệu cam Vinh), phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 3.000 ha cam, sản lượng trên 27 ngàn tấn. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sẽ quy hoạch thành các vùng sản xuất theo hướng lợi thế của từng vùng, gắn với thị trường tiêu thụ và cơ sở chế biến như: vùng sản xuất mía nguyên liệu; vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và vùng rau màu. 
Mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại áp dụng kỹ thuật mới.  	Ảnh: Hữu Nghĩa
Mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại áp dụng kỹ thuật mới. Ảnh: Hữu Nghĩa
Trong chăn nuôi, chủ trương của huyện đẩy mạnh phát triển theo hướng công nghiệp, phổ biến theo hình thức trang trại, gia trại, góp phần tích cực tăng tỷ trọng nội ngành. Muốn vậy, phải tích cực thực hiện tốt vùng quy hoạch chăn nuôi cũng như các chương trình, dự án trên lĩnh vực này như: vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng chất lượng chủ yếu ở các xã vùng trong; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa gồm các xã vùng ngoài, có đường giao thông thuận lợi và vùng trồng cỏ thức ăn cho chăn nuôi gồm Tổng đội TNXP 3 và một số xã vùng ven. Về lâm nghiệp, thực hiện tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng, phát triển kinh tế rừng bền vững. Đẩy mạnh trồng rừng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ, đặc biệt là Nhà máy gỗ MDF ở Nghĩa Đàn. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ dăm, gỗ non sang khai thác gỗ lớn và điều chỉnh cơ cấu giống cây lâm nghiệp trồng rừng phòng hộ theo hướng tăng loại cây đa mục tiêu, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người trồng rừng...
Nếu nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp đảm bảo thu nhập ổn định, từng bước nâng cao đời sống cho người dân, thì công nghiệp - TTCN phải tạo được sự bứt phá để tăng trưởng nhanh, phát triển mạnh, là cơ sở quyết định thực hiện được mục tiêu Quỳ Hợp trở thành huyện khá nhất vùng Tây Bắc Nghệ An. Huyện đang và sẽ rà soát quy hoạch để đầu tư chiều sâu, hiện đại các cơ sở chế biến, nâng cao hiệu quả chế biến khoáng sản, gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường (TNMT) và an sinh xã hội; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về môi trường, lãng phí TNMT. Thời gian tới, Quỳ Hợp sẽ đề xuất với UBND tỉnh, Bộ KHCN nghiên cứu chuyển giao công nghệ chế biến quặng thiếc tinh luyện chuyên sâu, vừa tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, vừa đảm bảo yếu tố môi trường. Tổ chức Hội thảo phát triển khoáng sản bền vững, nhằm tìm kiếm các giải pháp tối ưu trong việc tận thu tài nguyên; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng đầu tư (hoặc liên kết đầu tư) dây chuyền công nghệ hiện đại, chế biến sâu các sản phẩm (như bột đá trắng siêu mịn…) nhằm tạo được giá trị gia tăng trên tấn vật liệu, cạnh  tranh với các nước trong khu vực. Tăng cường thu hút dự án vào các khu công nghiệp để sản xuất; Đề nghị Ban Quản lý KKT Đông Nam quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp sông Dinh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 3 cụm công nghiệp (Châu Lộc, 12 ha, Thọ Sơn I, 17 ha và Thọ Sơn II, 9,7 ha) và  6 khu chế biến đá tập trung, trong đó có 4 khu thuộc địa bàn xã Đồng Hợp và khu Liên Tân, xã Thọ Hợp và khu Tổng Chỏng, xã Châu Tiến. Xây dựng kết cấu hạ tầng chú trọng theo định hướng ưu tiên các công trình phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xây dựng nông thôn mới và các công trình trọng điểm. Ngoài ra, để kinh tế Quỳ Hợp thời gian tới tăng nhanh, phát triển mạnh, huyện đã xác định rõ 6 chương trình, mũi kinh tế trọng điểm: Phát triển khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển KCN, cụm CN; phát triển sản xuất lương thực; chương trình phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp gắn với chế biến nông, lâm sản; chương trình phát triển đại gia súc và phát triển hạ tầng. 
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện NQ 29- NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kỷ cương, thân thiện, tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ y tế; thu hút nguồn nhân lực bổ sung mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở và ứng dụng các tiến bộ KHKT vào chuyên môn để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Về công tác văn hóa tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng huyện điểm văn hóa, miền núi và dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”; tiếp tục chăm lo xây dựng, bảo tồn các điểm, các di tích lịch sử, văn hóa; trước mắt phối hợp với các sở, ngành chức năng để xây dựng bia dẫn tích Bãi Tập của Nghĩa quân Lê Lợi tại phía Bắc cầu Dinh (Tam Hợp), huy động các nguồn lực để khôi phục, tôn tạo đền Choọng giai đoạn sau khi đã được tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh; thực hiện quy trình, kế hoạch khôi phục chùa La (Minh Hợp)... Thực hiện đầy đủ kịp thời các chế độ, chính sách, đặc biệt là chế độ, chính sách đối với người có công và chính sách bảo trợ xã hội. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các biện pháp giảm nghèo theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3 - 4%. 
Để thực hiện được mục tiêu của Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra, giai đoạn tới, huyện tập trung đồng bộ các giải pháp chủ yếu, trong đó cần thực hiện tốt giải pháp về quy hoạch, xây dựng kế hoạch, bám sát quy hoạch của tỉnh và vùng Tây Bắc Nghệ An và quy hoạch tổng thể KT-XH của huyện để xây dựng chương trình hành động phù hợp bằng các kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể phù hợp với tình hình thực tế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, các hình thức hợp tác, xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư gắn với việc chuẩn bị mặt bằng “sạch” phục vụ nhà đầu tư. Đồng thời, chú trọng các giải pháp về thu hút, bố trí và sử dụng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác dân vận chính quyền, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước từ cấp huyện đến cơ sở...
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trên là cơ sở để Quỳ Hợp tăng tốc, bứt phá, trở thành huyện có nền kinh tế công nghiệp năng động và là một trong những huyện khá nhất khu vực Tây Bắc Nghệ An.
Võ Thị Minh Sinh
(Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới