Đừng để "đá ném ao bèo"

(Baonghean) - Thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường không đúng quy định, nội dung chương trình và phương pháp dạy, thậm chí một số giáo viên dạy thêm quá nhiều, ép học sinh học thêm để thu tiền, thu học phí vượt quá quy định, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý học sinh, gây dư luận không tốt trong xã hội.
 
Không chỉ thời gian nghỉ hè các bậc phụ huynh mới đổ xô đăng ký cho con đi học thêm: học ở trung tâm, rèn chữ viết tại các lò luyện chữ đẹp, học thêm tại nhà giáo viên... mà bước vào năm học, phụ huynh cũng chạy đôn, chạy đáo tìm lớp học thêm cho con. Bên cạnh tham vọng của những phụ huynh mong muốn con mình phải thông minh, tài giỏi, phải luôn đứng đầu lớp thì không ít phụ huynh khoán luôn cho cô vai trò của gia đình, đó là kiểm tra, theo dõi, giám sát việc học của học sinh ngoài giờ học ở trường.

Cũng rất nhiều phụ huynh "cực chẳng đã" phải cho con đi học thêm...  Em Chu Tuấn Tú, một học sinh THCS phường Hưng Bình, bức xúc: "Việc học thêm ở nhà thầy cô giáo trực tiếp dạy các bộ môn trên lớp đã trở thành "phong trào bắt buộc" ở trường em. Những học sinh học thêm ở nhà thầy cô đó sẽ được ưu ái hơn trong việc cho điểm, đề ra các bài kiểm tra hầu hết đã được "học tủ" ở nhà thầy... Do đó, nếu không muốn "thua bạn kém bè" thì phải học thêm ở nhà thầy cô thôi...". Cũng tương tự như thế, một phụ huynh ở Trường Tiểu học Lê Mao nói: "Mỗi tuần cháu học 9 buổi, trung bình ngày học 8 - 9 tiết, vậy nhưng tối đến vẫn phải đi học thêm ở nhà cô giáo. Thương con lắm nhưng nhiều lần cháu nước mắt ngắn nước mắt dài đòi đi học thêm ở nhà cô, vì theo cháu: Hôm nay con không làm được bài tập này, chỉ những bạn học thêm ở nhà cô mới làm được những bài nâng cao đó thôi. Cô giáo thì luôn nói cháu nào thích học thì đến học, cô không bắt buộc, nhưng cách thực hiện của cô buộc các cháu phải đến học nếu không muốn "tụt hậu" so với các bạn "được học thêm" ở nhà cô..."

Một tiết học của cô và trò Trường tiểu học Thị trấn Thanh Chương

Nhiều giáo viên luôn "cảnh báo", tuyên truyền cho phụ huynh chương trình học năm này khó lắm, nhất là với cấp tiểu học, chương trình lớp 4 rất khó nên bắt đầu từ lớp 3 phải cho cháu học thêm. Cũng có không ít giáo viên chẳng ngần ngại "quảng cáo" với phụ huynh: "Em mới mở lớp dạy thêm vào các ngày nghỉ trong tuần ở nhà. Bố, mẹ xem thời gian nào phù hợp thì đưa cháu đến học nhé...". Trong khi đó phòng học tại nhà cô cũng là điều đáng nói. Phụ huynh ở phường Hưng Dũng từng phản ánh, "cô giáo dạy lớp 5 ở Trường tiểu học Hưng Dũng 1, dạy tại nhà, trong một phòng học mái tôn dưới nhiệt độ 37-380C, một tuần 4 buổi như hình thức tra tấn, ai chịu trách nhiệm về sức khỏe cho học sinh".
 
Sở GD&ĐT chỉ đạo, đối với học sinh tiểu học ngày học 2 buổi, giáo viên hạn chế ra bài tập về nhà; khi ra bài tập về nhà, không chỉ có câu hỏi về Toán, Tiếng Việt mà có cả các bộ môn khác để học sinh có thể vừa chơi vừa học, vừa chơi vừa khám phá tự nhiên, xã hội. Nhưng thực tế, nhiều trường vẫn luôn chạy theo thành tích, ra bài về nhà nhiều, lại chỉ toàn bài tập Toán, khiến trẻ phải học đến 9, 10 giờ đêm. Trong số đó có nhiều bài khó, nhiều bài thuộc chương trình nâng cao nên phụ huynh không thể không cho con học thêm. Với sức vóc của học sinh tiểu học, chính việc học thêm đã khiến cho trẻ quá tải. Và, giáo viên đứng lớp ngày hai buổi, tối lại dạy thêm thì lấy thời gian đâu để soạn bài, tự học, tự tìm tòi nhằm nâng cao chất lượng bài giảng?
 
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc học thêm và đó là nhu cầu có thật rất chính đáng của học sinh, phụ huynh. Nhưng học sinh cấp nào, đối tượng học sinh nào cần thiết phải học thêm? Dạy thêm như thế nào là phù hợp, khoa học, đem lại hiệu quả? Để hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra thì cần một sự định hướng, phân luồng cho từng cấp học và đặc biệt cần có một quy chế quản lý chặt chẽ, rõ ràng; phải thường xuyên thanh, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những sai lệch trong dạy thêm học thêm.
 
Ngày 31/1/2007, Bộ GD&ĐT ra quy định về dạy thêm học thêm. Căn cứ quy định của Bộ, ngày 18/5/2007, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 66 về việc ban hành quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Theo quy định này, năm học 2010-2011, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh mới chỉ cấp 62 giấy phép dạy thêm cho giáo viên THCS, còn đối với tiểu học, Phòng chưa hề nhận được bất cứ hồ sơ nào đề nghị cấp phép mở lớp dạy thêm, học thêm.
 
 Rõ ràng, qui định rất chặt chẽ, cơ quan quản lý cấp phép đúng quy định, nhưng trên thực tế, các lớp dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vẫn "mọc như nấm sau mưa". Giáo viên tiểu học cứ "thản nhiên" mở lớp dạy thêm tại nhà. Nhiều giáo viên THCS, THPT không hề có giấy phép, không  đủ điều kiện, yêu cầu "cần và đủ" theo quy định vẫn mở lớp dạy thêm. Có thể nhận thấy rằng, việc dạy thêm học thêm thời gian qua đang bị thả nổi, hiệu trưởng các trường học không quản lý giáo viên dạy thêm tại nhà, nhất là việc dạy thêm trong hè. "Thời gian hè, nhà trường nghỉ nên việc quản lý là không thể" - thầy giáo Trần Văn Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hưng Bình - TP Vinh cho biết. Còn các cơ quan chức năng như UBND phường, xã Phòng Giáo dục và Đào tạo thì gần như không tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các đối tượng dạy thêm, học thêm sai quy định.
 
Để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm tràn lan, một số địa phương đã ra công văn tăng cường công tác quản lý. Tháng 4 năm 2011, Ban Quản lý dạy thêm, học thêm thuộc UBND huyện Đô Lương ban hành văn bản về việc tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện. Mới đây, ngày 24/10/2011, UBND Thành phố Vinh đã ban hành Công văn số 3812 về việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm. UBND Thành phố Vinh sẽ xử lý kỷ luật theo quy định đối với giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; lúc đó hiệu trưởng nhà trường liên đới phải chịu trách nhiệm. UBND Thành phố Vinh cũng giao UBND các phường, xã và Phòng GD&ĐT phối hợp để thực hiện tốt các yêu cầu nêu trên.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung cho biết: "Tôi rất đồng tình với chủ trương này, tuy nhiên việc chấn chỉnh trên cũng chưa triệt để, vì "nếu học sinh thực sự có nhu cầu học thêm và phụ huynh đề nghị thì hiệu trưởng phân công giáo viên dạy thêm tại trường vào ngày thứ 7 theo nguyên tắc bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém", nghĩa là vẫn tồn tại việc dạy thêm, học thêm dưới hình thức khác?"
 
Bên cạnh đó, nhiều nhà quản lý cũng hy vọng việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm buộc giáo viên quan tâm đến học sinh hơn nhằm bảo đảm  chất lượng dạy học,  sẽ góp phần giảm tình trạng học trái tuyến. Nhiều phụ huynh xin con học trái tuyến để chọn cô, chọn lớp dù lớp học lên đến 52 học sinh họ vẫn yên tâm vì con mình sẽ được cô dạy thêm ở nhà.
 
Sau quy định của Bộ GD&ĐT, của UBND tỉnh, nhiều địa phương đã có văn bản chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Công văn được triển khai và quán triệt đến tận từng trường và từng giáo viên, song nhiều người vẫn hoài nghi: liệu các cấp, các ngành liên quan có kiểm tra, xử lý từng trường hợp cụ thể hay không; tình trạng vi phạm các quy định dạy thêm, học thêm có được xử lý triệt để hay không? Hay chỉ như  "đá ném ao bèo"?

Thảo Nhi - Thanh Phúc

Tin mới