'Đường đi' để xin ra khỏi hộ nghèo của phụ nữ bản biên giới ở Kỳ Sơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Nhờ bố trí hợp lý nguồn vốn đầu tư cho chăn nuôi, lựa chọn loại vật nuôi phù hợp, nhiều hộ phụ nữ nghèo ở huyện biên giới Kỳ Sơn nay đã vươn lên thoát nghèo, khấm khá. Điển hình như cách làm kinh tế của chị Moong Thị Hiền ở xã Keng Đu.

Keng Đu là xã biên giới xa nhất huyện Kỳ Sơn, cách thị trấn Mường Xén hơn 70 km. Đường sá xa xôi, nên mỗi khi cần mua sắm, buôn bán hàng hóa, người dân xã Keng Đu đều phải lặn lội quãng đường dài. Cũng vì thế, việc phát triển kinh tế càng thêm khó khăn. Vài năm trở lại đây, quãng đường từ thị trấn huyện lỵ Mường Xén đến trung tâm xã vùng xa Keng Đu đã được đầu tư khá thuận lợi, khuyến khích bà con tích cực sản xuất.

bna_PN kỳ sơn..png
Chị Moong Thị Hiền đầu tư chăn nuôi giống gà bản địa cho thu nhập ổn định. Ảnh: Vũ Huyền

Gia đình chị Moong Thị Hiền (SN 1993), là một trong những hộ nghèo của xã Keng Đu. Chị Hiền cùng chồng, 2 con nhỏ và bố mẹ già yếu sống tại bản Huồi Phuôn 2.

Chồng chị Hiền hiện là cán bộ hợp đồng làm việc tại Ban Quản lý rừng phòng hộ, chị Hiền không có việc làm ổn định nên nhiều năm liền gia cảnh khó khăn chồng chất. Cộng thêm việc chăm sóc bố mẹ già yếu không còn khả năng lao động, rồi chăm lo cho người em chồng đang học đại học, nên gánh nặng kinh tế càng đè nặng lên đôi vai của hai vợ chồng chị Hiền.

Không đầu hàng trước khó khăn, cùng với sự khích lệ, hỗ trợ của Hội Phụ nữ huyện, xã, chị Moong Thị Hiền mạnh dạn vay ngân hàng 20 triệu đồng để đầu tư mua con giống chăn nuôi.

bna_PN kỳ sơn.png
Ngoài nuôi gà thịt, chị Hiền còn đầu tư máy ấp trứng để nhân giống, bán gà giống. Ảnh: Vũ Huyền

Chị Vũ Thị Huyền - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Sơn cho biết, ban đầu chị Moong Thị Hiền dùng 20 triệu đồng mua 2 con bò để chăn nuôi. Sau hơn 1 năm bò sinh sản, bán con bê phần “tiền lời” chị Hiền dùng mua thêm lợn, gà để nuôi.

Dần dà, với sự chăm chỉ, chịu khó tìm nguồn thức ăn chăm chút cho đàn vật nuôi gà, lợn, bò phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt, mang lại cho gia đình chị Hiền nguồn thu nhập không chỉ cải thiện đời sống, mà còn mua thêm được 2 – 4 yến cá giống/năm để đa dạng hóa đối tượng chăn nuôi.

Sau một thời gian thử nghiệm chăn nuôi bò, gà, cá, lợn, chị Hiền nhận thấy gà là vật nuôi thích nghi tốt với điều kiện địa phương, cho giá trị kinh tế cao và ổn định hơn, nên chị quyết định tập trung gây dựng đàn gà, mở rộng quy mô. Chị đầu tư mua thêm máy ấp trứng, gia cố chuồng trại chắc chắn và lắp thêm đèn điện thắp sáng và sưởi ấm.

bna_ Hội LHPN huyện Kỳ Sơn hỗ trợ mô hình sinh kế bò sinh sản cho hội viên phụ nữ nghèo.jpeg
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn tiếp nhận bò giống từ Hội LHPN Nam Đàn hỗ trợ mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo. Ảnh tư liệu

Nhờ vậy, từ vài chục con gà, chỉ chưa đầy 1 năm, hiện nay, đàn gà của gia đình chị Hiền đã có khoảng 400 con với đủ các “lứa tuổi”, vừa bán gà thịt, vừa bán trứng gà và ấp nở gà con để duy trì thường xuyên số lượng đàn 200 - 300 con.

Lãnh đạo xã Keng Đu cho biết, ở đây hầu như hộ gia đình nào cũng chăn nuôi gà, song chỉ nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình, hiếm có hộ đầu tư nuôi số lượng lớn làm hàng hóa như gia đình chị Moong Thị Hiền. Ngoài chăn nuôi, vợ chồng chị còn trồng rất nhiều cây ăn quả như bưởi, ổi, mít và chăn nuôi, trồng trọt chủ yếu theo hướng hữu cơ với nguồn thức ăn xanh có sẵn ở địa phương. Cũng vì vậy, sản phẩm chăn nuôi từ gà, lợn của hộ gia đình chị Hiền được người tiêu dùng tín nhiệm, hầu như không đủ để bán ngay trong bản, trong xã.

Với quyết tâm, năng động, mạnh dạn, từ hộ đói nghèo, nay gia đình chị Moong Thị Hiền đã có của ăn, của để, đủ chăm lo cho 2 con, bố mẹ già và em trai ăn học. Đồng thời, còn sửa sang được nhà cửa khang trang hơn, mua sắm được xe máy, các vật dụng trong nhà.

“Mỗi năm em tiết kiệm thêm được 20-50 triệu đồng để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế. Cuối năm 2023, em dự định sẽ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo” – chị Moong Thị Hiền vui vẻ cho biết.

Chị vũ Thị Huyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện Kỳ Sơn nhiều chị em đã mạnh dạn vươn lên phát triển kinh tế, vay vốn đầu tư cơ sở chuồng trại, nhà cửa, cây, con giống, nguyên, vật liệu theo yêu cầu từng mô hình. Bên cạnh đó, các tổ chức hội cũng tích cực hỗ trợ, ban đầu đã có 18 mô hình phát huy hiệu quả tích cực. Ví như các mô hình: hộ chị Lỳ Y Dìa chăn nuôi trên 100 con gà đen ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống; hộ chị Ven Thị Nhưn chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo ở bản Phà Khảo, xã Phà Đánh; hộ chị Và Y Dở xây dựng trang trại chăn nuôi trâu, bò số lượng 25 con, thu nhập trên 70 triệu đồng/năm ở bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy; hộ bà Moong Mẹ Chuân chăn nuôi trâu, bò 25 con, lợn đen 15 con, cho thu nhập 70 triệu đồng/ năm ở bản Huồi Cáng I, xã Bắc Lý…

Tin mới