Đường huyết mạch liên xã xuống cấp, dân 'kêu trời'

(Baonghean.vn) - Tuyến đường huyết mạch liên xã ở huyện Thanh Chương xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm qua. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuyến đường từ ngã 3 xã Thanh Liên qua Trại giam số 6 đến đường Hồ Chí Minh dài 10 km, đi qua 3 xã của huyện Thanh Chương, gồm: Thanh Liên, Thanh Mỹ, Hạnh Lâm và nối các xã tái định cư như: Thanh Sơn, Ngọc Lâm với trung tâm huyện. Sau nhiều năm sử dụng, con đường này đã xuống cấp rất nghiêm trọng.

Ổ voi, ổ gà lênh láng nước nối tiếp nhau phủ kín mặt đường không khác gì “ao làng” thu nhỏ.
Ổ voi, ổ gà lênh láng nước nối tiếp nhau phủ kín mặt đường không khác gì “ao làng” thu nhỏ.

Dọc tuyến đường nói trên không có đoạn nào lành lặn. Xuống cấp trầm trọng nhất là đoạn qua xã Thanh Mỹ. Hàng trăm ổ voi, ổ gà lênh láng nước nối tiếp nhau phủ kín mặt đường không khác gì những chiếc “ao” thu nhỏ; có nhiều đoạn đường bị cày xới trơ đá lổm nhổm rất nguy hiểm cho phương tiện qua lại. 

Suốt cả tuyến đường này không có đoạn nào lành lặn.
Suốt cả tuyến đường này không có đoạn nào lành lặn. 

Nhà nằm sát mặt đường, bà Lê Thị Hải (trú tại xóm 5, xã Thanh Mỹ) phản ánh: “Đoạn đường này xuống cấp trầm trọng nhất 3 năm nay. Chỉ cần một cơn mưa vừa là nước đã ngập lênh láng, giao thông ở đây nháo nhào, lộn xộn lắm. Còn nắng lên thì bụi mù trời, nhà tôi lúc nào cũng phải đóng kín cửa, có nhà còn đem bạt ra căng để che, tai nạn xảy ra suốt...".

Cũng theo bà Hải, vụ tai nạn thương tâm nhất mà bà không thể quên đó là trường hợp xe máy đối đầu ô tô tải khiến 1 người tử vong tại chỗ xảy ra mùa mưa năm ngoái. Các trường hợp bị thương nhẹ hoặc “bắt ếch” giữa đường thì đếm không xuể. Tại các buổi tiếp xúc cử tri năm nào bà con cũng phản ánh nhưng rồi “đâu lại vào đấy”.

Clip: Người dân phản ánh về đoạn đường trên.

Hệ thống giao thông xuống cấp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân mà còn gián tiếp kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chị Đào Thị Dung - một tiểu thương ở Xã Thanh Mỹ thở dài nói: Ngày trước, xe buýt có tuyến chạy qua đây. Nhưng vì đường sá đi lại khó khăn, xe thường xuyên bị hư hỏng lại ít khách nên họ cũng đành bỏ tuyến. Bây giờ, bà con ở đây muốn đi tỉnh buộc phải vòng xuống ngã 3 xã Thanh Liên hoặc ra đường mòn Hồ Chí Minh để bắt xe.

Chợ 32 của xã Thanh Mỹ từng là trung tâm buôn bán của nhiều xã nhưng đến nay hoạt động cũng đìu hiu một phần do đường sá đi lại khó khăn.
Chợ 32 của xã Thanh Mỹ từng là trung tâm buôn bán của nhiều xã nhưng đến nay hoạt động cũng đìu hiu một phần do đường sá đi lại khó khăn. 

Cùng đó, chợ 32 của xã Thanh Mỹ từng là trung tâm buôn bán, giao thương của nhiều xã như: Thanh Mỹ, Thanh Đức, Thanh Nho, Hạnh Lâm, Thanh Liên,… nhưng đến nay, các tiểu thương cũng đành lần lượt bỏ đi vì vắng người đến chợ.

Ông Phạm Xuân Lực - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết, những năm gần đây do đường hư hỏng nặng nên cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán chính quyền địa phương đều có hỗ trợ tiền sửa đường cho nhân dân đi lại đỡ vất vả hơn. Trong dịp Tết vừa qua, UBND huyện Thanh Chương cũng hỗ trợ 60 triệu đồng để sửa chữa. Biện pháp tu sửa thường là dùng đá dăm đổ vào những vị trí bị hư hỏng hoặc khai thông lề đường để nước chảy nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời.

Xe ô tô tải chở quá tải thường xuyên qua lại trên tuyến đường khiến tuyến đường nhanh xuống cấp hơn.
Xe ô tô tải chở quá tải thường xuyên qua lại trên tuyến đường khiến tuyến đường nhanh xuống cấp hơn.

“Tuyến đường này được xây dựng từ năm 1997, đến nay đã hơn 20 năm sử dụng nhưng không được đầu tư duy tu, bảo dưỡng đúng mức. Hơn nữa, số lượng xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng, chở keo quá tải thường xuyên qua lại đã khiến đường nhanh xuống cấp hơn” – ông Lực lý giải.

Đường xuống cấp như một lực cản phát triển kinh tế - xã hội
Đường xuống cấp như một lực cản phát triển kinh tế - xã hội

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Cường – Quyền Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Chương cho hay: “Trong thời gian tới con đường này sẽ được làm mới, nhưng huyện cũng không biết đã có vốn hay chưa vì huyện không làm chủ đầu tư".

Tin mới