Gần Tết, phố núi Kỳ Sơn vắng bóng đào đá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đến ngày 16 tháng Chạp, phố núi Kỳ Sơn vẫn vắng bóng đào Tết. Nguyên nhân được cho là năm nay phần lớn cây đào ở các địa phương đang non và một số nơi giữ vườn đào để phát triển du lịch... 

bna-dao-2-4297.jpg
Trên trục đường từ xã Mường Lống về thị trấn Mường Xén, thỉnh thoảng có tốp thanh niên vận chuyển đào đi bán. Ảnh: X.Hoàng

Phố núi vắng bóng đào Tết

Những năm trước đây, từ ngày 10 tháng Chạp, khu vực thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) đã nhộn nhịp cảnh mua, bán đào đá giữa người dân và thương lái. Tuy nhiên, năm nay khác lạ, cho đến ngày 16 tháng Chạp, phố núi này vẫn vắng bóng đào Tết.

Ngược tuyến đường từ thị trấn Mường Xén lên các xã Phà Đánh, Huồi Tụ để đến với thủ phủ đào đá Mường Lống… thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một vài điểm bán đào, nhưng số lượng rất ít.

Nhiều nhất vẫn là khu vực trung tâm xã Mường Lống với vài điểm bán đào, nhưng mỗi điểm chỉ trên dưới 10 cành. Theo người bán đào cho biết, khi nào có số lượng nhiều thì thương lái mới lên thu mua.

bna-dao-1-6264.jpg
Người dân huyện Kỳ Sơn vận chuyển đào đá đi bán, nhưng số lượng ít. Ảnh: Q.An

Anh Lý Quốc Sỹ ở bản Trung Tâm, xã Mường Lống cho biết, gia đình anh có hơn 300 gốc đào trồng trong nương rẫy và vườn nhà. Năm nay đào nở muộn hơn các năm, nên đến sáng 15 tháng Chạp mới bắt đầu mượn người cắt đào để bán. Nhưng chọn đi chọn lại cũng chỉ cắt được 10 cây đào ưng ý.

"Đào đẹp là phải nhiều năm tuổi, thân cây rêu mốc, nụ nhiều và ra đúng dịp. Tuy nhiên, do các năm trước bán nhiều, nên năm nay tỷ lệ cây đào non chiếm phần lớn, nên không muốn bán. Tuy nhiên, nếu thị trường tiêu thụ tốt thì gia đình sẽ thu hoạch khoảng 150 gốc đào, ngược lại thị trường khó tiêu thụ thì để lại", anh Lý Quốc Sỹ cho hay.

bna-dao-5-3247.jpg
Anh Lý Quốc Sỹ ở bản Trung Tâm, xã Mường Lống cho biết, trong ngày 15 tháng Chạp, anh cắt 10 cây đào, trong đó, cây to nhất bán tại chỗ có giá 5 triệu đồng. Ảnh: X.Hoàng

Ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: Toàn xã có khoảng 10 ha đào được trồng ở các bản: Mường Lống 1, Mường Lống 2, Sa Lầy, Thăm Lực… và bản Trung Tâm. Năm nay, do đào ra nụ muộn hơn các năm, nên bà con thu hoạch muộn, tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 15 tháng Chạp, bà con tiến hành chọn những cây đào đẹp để cắt, bán cho khách.

bna-dao-6-4532.jpg
Khu vực trung tâm xã Mường Lống đã có những cành đào bán cho thương lái trong sáng 15 tháng Chạp. Ảnh: Q.An

Đào trồng ở đây là đào đá, lâu năm nên già đào, nụ to, lộc biếc, thân rêu mốc… được thị trường ưa chuộng trong dịp Tết. Do đó, đào là nguồn thu nhập đáng kể đối với người dân nơi đây, thống kê của các năm trước cho thấy, dịp Tết bà con thu về trên dưới 2 tỷ đồng từ bán đào.

"Trên địa bàn xã có nhiều vườn đào và mơ đẹp, thu hút khách du lịch tham quan. Vì vậy, xã cũng đã tuyên truyền, vận động bà con chăm sóc và bảo vệ vườn đào đẹp để phát triển du lịch. Do đó, dịp Tết năm nay nhiều hộ dân không chặt đào để bán. Một nguyên nhân nữa là, do năm nay nhuận 2 tháng Hai, nên một số cây đào đã ra hoa sớm, số còn lại chưa ra nụ, nên người dân chặt muộn", ông Và Chá Xà cho hay.

bna-dao-4-4247.jpg
Những vườn đào được người dân xã Mường Lống trồng, vào mùa Xuân sẽ khoe sắc, thu hút khách du lịch. Ảnh: X.Hoàng

Chính vì thế, khu vực thị trấn Mường Xén đến sáng 16 tháng Chạp vẫn chưa hề có đào Tết bán. Theo một số thương lái từ thành phố Vinh lên mua đào cho hay, các năm trước từ ngày 10 tháng Chạp, bà con đã vận chuyển đào từ các nơi về đây bán nhộn nhịp, nhưng năm nay vắng vẻ.

Hạn chế chặt đào để làm du lịch

Đào đá Kỳ Sơn được bà con trồng nhiều trên các nương rẫy và vườn nhà. Tìm hiểu nguyên nhân vì sao năm nay bà con bán đào muộn, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng, nguyên nhân là do huyện đã tuyên truyền, vận động bà con hạn chế chặt đào để làm du lịch, nhất là các xã Mường Lống, Na Ngoi... Những năm gần đây, khách du lịch đến Kỳ Sơn ngày càng nhiều, trong đó, điểm đến là những vườn đào, vườn mận vào mùa Xuân, ở các xã cũng có chủ trương phát triển du lịch sinh thái, du lịch vườn, nhằm khai thác tiềm năng sẵn có.

Mặt khác, do các năm trước bà con khai thác đào bán Tết quá nhiều, nên năm nay chủ yếu là đào nhỏ.

bna-dao-7-2594.jpg
Khu vực thường bán đào Tết hàng năm của thị trấn Mường Xén đến ngày 16 tháng Chạp này vẫn chưa có đào bán. Ảnh: Q.An

"Một nguyên nhân nữa là, do năm nay lượng xe vận tải trọng tải lớn chở quặng từ Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn về nhiều, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Vì thế, huyện cũng đã tuyên truyền người dân không nên vận chuyển đào đi bán bán để tránh rủi ro xảy ra tai nạn. Đặc biệt là khu vực thị trấn Mường Xén, nơi tập trung nhiều người qua lại, nếu người bán đào nhộn nhịp như năm trước thì không đảm bảo an toàn giao thông", ông Thò Bá Rê chia sẻ.

Đào đá Kỳ Sơn đã được người dân miền xuôi ưa chuộng để chưng Tết, đón Xuân. Vì vậy, những năm trước, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có nguồn thu nhập đáng kể từ bán đào. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, nên dịp Tết năm nay nguồn thu từ bán đào sẽ giảm, thị trường đào đá bán Tết ở thành phố Vinh sẽ không nhiều như trước./.

Tin mới