Giá gas tăng: Người dân chuyển hướng dùng nhiên liệu khác

(Baonghean) - Mở màn tăng giá gas năm 2012 bắt đầu từ ngày 1/1, với mức tăng từ 24.000 - 25.000 đồng/bình; vài ngày sau đó (ngày 5/1) tăng thêm 8.000 đồng/bình. Đến ngày 1/2, các đại lý kinh doanh trên địa bàn Thành phố Vinh đã đồng loạt tăng giá lên 38.000 đồng/bình. Và ngày 1/3 tiếp tục tăng vọt thêm 50.000 đồng/bình. Khi giá gas đến tay người tiêu dùng mức giá trung bình khoảng 480.000 đồng/bình 12 kg...

Để giảm bớt tác động giá gas tăng của thị trường thế giới đến thị trường trong nước, Bộ Tài chính đã quyết định giảm thuế nhập khẩu gas về mức 0%, thay vì mức 5% được áp dụng trước đó. Việc điều chỉnh thuế nhập khẩu gas chính thức có hiệu lực từ ngày 2/3/2012. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn có công văn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối thực hiện ngay việc giảm giá bán gas trong nước và chỉ đạo các tổng đại lý, các đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống giảm giá tương ứng với việc giảm thuế nhập khẩu. Thời gian thực hiện cũng từ ngày 2/3.

Giá gas tăng: Người dân chuyển hướng dùng nhiên liệu khác ảnh 1


Chỉ 1 ngày sau khi Bộ Tài chính can thiệp bằng cách giảm thuế nhập khẩu, giá gas trên thị trường đã "giảm nhiệt". Kể từ ngày 4/3, Trung tâm gas Petrolimex TP Vinh- thuộc Công ty Xăng dầu Nghệ An đã có thông báo giảm giá 18.000 đồng/bình, theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 477.000 đồng/bình 12 kg, 517.000 đồng/bình 13 kg (Vào ngày 1/3, hãng này đã tăng từ 445.000 đồng lên 495.000 đồng/bình 12 kg). Ngoài ra, một thương hiệu khác như Thang Long gas, Gas ĐatViet, Đai Hai Petro... cũng lần lượt giảm 16.000 đồng/bình 12 kg (từ 480.000 xuống còn 464.000 đồng/bình 12 kg so với giá gas vừa tăng ngày 1/3). Như vậy, tính từ đầu năm đến nay (trong vòng 2 tháng), giá gas đã có 4 lần điều chỉnh tăng, 1 lần điều chỉnh giảm. Và với mức giảm từ 16.000 - 18.000 đồng/bình như hiện nay cũng chỉ mang tính hỗ trợ người tiêu dùng, vì giá gas vẫn đang cao hơn so với cuối tháng 2 khoảng 36.000 đồng/bình; so với cuối năm 2011 là 132.000 đồng/bình.


Giá gas liên tục "nhảy múa" trong những tháng đầu năm đã khiến không ít người dân "choáng váng". Và trong bối cảnh mọi thứ đều tăng giá, nhiều người nội trợ phải đắn đo tìm "lối ra" để hạn chế phần nào áp lực đối với "ngân sách" chi tiêu gia đình.

Chị Trần Thị Hồng (ở khối Tân Tiến, phường Hưng Dũng) cho biết: "Trước Tết, gia đình tôi đã cân nhắc phương án chọn bếp từ thay thế bếp gas, do nghe nhiều thông tin sử dụng gas không an toàn. Nay thấy giá gas tăng cao chúng tôi quyết định chọn bếp từ thay thế, vì tính ra chênh lệch chi phí so với dùng gas còn thấp hơn mà bảo đảm an toàn, cũng tiện lợi trong sử dụng".

Bà Nguyễn Thị Loan (cán bộ hưu trí ở xóm 16, xã Hưng Lộc, TP. Vinh) cũng chia sẻ kinh nghiệm: "Mỗi lần đổi gas lại thấy xót ruột nên nhiều khi chẳng dám chế biến món phải đun lâu. Khi nấu tôi thường vặn nhỏ lửa vừa đáy nồi, chuẩn bị sẵn sàng đồ nấu mới bật bếp... Mọi người thường không lưu ý những thứ nhỏ nhặt, nhưng chính từ việc thay đổi cách đun nấu lại là cách tiết kiệm gas tốt nhất".


Tại các khu xóm trọ tập trung, công nhân ở nhiều dãy nhà trọ cũng thay thế gas bằng cách sắm lò than tổ o­ng. Chị Nguyễn Thị Dung (công nhân thuộc Công ty cổ phần May Minh Anh - Kim Liên) cho biết: Mặc dù khu trọ nhỏ hẹp, nhưng các mặt hàng tiêu dùng đua nhau tăng giá, đồng lương vẫn "dậm chân tại chỗ", không kham nổi chi tiêu hàng ngày nên từ ra tết, dãy trọ chúng tôi đã thống nhất chung tiền, quây một góc hành lang thành một bếp chung, tậu về 3 bếp than tổ o­ng. Cách này có hơi bất tiện nhưng cũng tiết kiệm được phần nào chi phí...".


Từ nhiều năm nay, gas đã trở thành một mặt hàng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của người dân không chỉ ở thành phố mà ngay cả ở các vùng nông thôn. Chính vì vậy, việc giá gas tăng đến mức "chóng mặt" trong thời gian ngắn làm tăng thêm gánh nặng trên vai người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (xóm 5, xã Nam Cường, Nam Đàn) chia sẻ: "Mặc dù ở nông thôn, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng cách đây 2 năm, gia đình tôi cũng đã sắm bếp gas để việc đun nấu đỡ vất vả trong những ngày mùa vụ. Nhà tôi có 6 người, trung bình phải hơn 3 tháng mới dùng hết 1 bình gas 12 kg, vì nấu cám bã cho bò, lợn tôi vẫn dùng bếp củi. Nhưng từ ra Tết đến nay giá gas tăng ghê quá! Để tiết kiệm chi tiêu, tôi lại quay về dùng hoàn toàn bằng bếp củi. Khi nào giá gas giảm và ổn định như trước chúng tôi mới yên tâm dùng trở lại".


Để đối phó với việc giá gas tăng cao, không ít gia đình đã hạn chế tối đa việc dùng gas để tiết kiệm chi phí. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh gas của các nhà cung cấp, các đại lý... Theo ông Nguyễn Sỹ Tiến - chủ cửa hàng kinh doanh gas Hascom Petro (trên đường Tuệ Tĩnh- phường Hưng Dũng) thì: "Lượng tiêu thụ của cửa hàng đã giảm rõ rệt. Nhiều khách hàng mỗi khi gọi gas đều hỏi giá trước, và liên tục thắc mắc sao cao quá; trong khi nghịch lý "tăng cao, giảm ít" luôn là vấn đề khó giải thích. Các năm trung bình mỗi tháng chúng tôi tiêu thụ được trên dưới 100 bình, từ đầu năm đến nay chỉ được khoảng 40 bình, tính ra tiền lãi chưa đủ trả lương cho công nhân và tiền xăng xe đi lại...".


Có thể nói, việc giá gas tăng cao đột biến có thể phát sinh thêm nhiều vấn đề, nạn sang chiết gas lậu, gas giả sẽ càng có nhiều cơ hội để phát triển và việc buôn bán gas không đủ trọng lượng cũng như thiếu an toàn là điều rất dễ xảy ra. Để giảm bớt gánh nặng và nỗi lo của người tiêu dùng trong cuộc "bão giá" về gas, cần sự quản lý chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan có chức năng để tránh hiện tượng đầu cơ tăng giá, mua giá cao nhưng hàng kém chất lượng... dẫn đến những thiệt thòi cho người dân.

Ngọc Anh

Tin mới