Giải pháp để nghề tăm hương Quế Phong phát triển bền vững

(Baonghean) - Với nguồn nguyên liệu lùng dồi dào và chất lượng đảm bảo, vài năm lại đây Quế Phong đang tập trung khôi phục và phát triển nghề làm tăm hương để xuất khẩu. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, cây lùng không chỉ có được đầu ra ổn định, mang lại giá trị hàng hóa cao mà còn góp phần vào giải quyết việc làm, thu nhập cho bà con vùng sâu, vùng xa.

Đánh thức tiềm năng, thế mạnh cây lùng
Theo một số liệu khảo sát mới đây, Quế Phong hiện có khoảng 1.5000 ha lùng, trong đó không kể diện tích lùng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, lùng đang có thể khai thác chỉ còn khoảng 2.000 ha, trong đó chủ yếu ở 3 xã Đồng Văn, Thông Thụ và Tiền Phong. Với nguồn nguyên liệu phong phú như trên, cây lùng đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại các làng bản, thu nhập từ 150.000 - 200.000/ngày. Đặc biệt, HTX tăm hương Quế Sơn tại xã Quế Sơn và Công ty Lâm sản Khánh Tâm tại xã Đồng Văn giải quyết việc làm thường xuyên cho 45-50 lao động/cơ sở, thu nhập bình quân từ 3- 5 hoặc 7 triệu đồng/tháng. 
Lao động đang sơ chế lùng tại Công ty Lâm sản Khánh Tâm.
Lao động đang sơ chế lùng tại Công ty Lâm sản Khánh Tâm.
Lao động đang sơ chế lùng tại Công ty Lâm sản Khánh Tâm.
Trên thực tế, từ khi phục hồi nghề tăm hương, đầu ra cho cây lùng ngày càng ổn định. Với việc xuất khẩu mỗi năm trên 400 tấn sản phẩm tăm hương, lùng Quế Phong đã bước đầu tạo dựng được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Theo một chuyên gia lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam xuất sang Ấn Độ khoảng 10.000 tấn tăm hương và khoảng 15.000 tấn hương, đồng nghĩa với hàng ngàn ha lùng bị khai thác mỗi năm. Cả nước chỉ có 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Sơn La có lùng, trong đó Nghệ An cây lùng chủ yếu mọc ở rừng Quỳ Châu, Quế Phong là vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp. Lùng là cây rừng mọc tự nhiên, việc ươm và nhân giống rất khó hoặc nếu được thì tỷ lệ sống rất thấp. Để giữ vững vùng nguyên liệu lùng, cách tốt nhất là khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác một cách khoa học, hợp lý.  
Giải pháp để nghề tăm hương phát triển bền vững
Mặc dù diện tích lùng không còn nhiều, nhưng thu mua lùng trên địa bàn Quế Phong không chỉ các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn mà còn nhiều tư thương từ Quỳ Châu, Nghĩa Đàn đến thu mua lùng tươi để xuất bán đi các tỉnh. Chính vì vậy mặc dù lượng khai thác hàng tháng khoảng 3.500 tấn, trong đó riêng Đồng Văn khoảng 1.500 tấn, nhưng các cơ sở chế biến trên địa bàn chỉ mua được một phần. Theo thông tin chúng tôi được biết, cách đây mấy năm, tỉnh đã có văn bản hạn chế tình trạng xuất nguyên liệu lùng thô và tươi ra khỏi địa bàn, đồng thời phân vùng thu mua cho từng cơ sở chế biến tăm hương. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm nên tình trạng tranh mua, tranh bán và bán chui ra ngoài vẫn diễn ra. Nếu tình trạng này kéo dài nguyên liệu lùng cạn kiệt là khó tránh khỏi.
Kiểm tra, phơi khô nan lùng để chế biến.jpg
Kiểm tra, phơi khô nan lùng để chế biến.
Không chỉ thu hẹp diện tích, cách khai thác lùng của bà con rất lãng phí và thiếu khoa học. Thay vì khai thác theo mùa và hạn chế khai thác mùa đẻ măng thì người dân khai thác quanh năm. Vì lý do này nên dù giống lùng từ Nghệ An được đánh giá rất cao nhưng khi ra các tỉnh lại bán với giá rất rẻ mạt. Trong khi lùng các tỉnh bán gần 3 triệu đồng/tấn, thì lùng Nghệ An do chất lượng kém nên bị ép giá và chỉ từ 1,8 - 2 triệu/tấn. Bên cạnh đó, do khai thác không đúng cách, người dân chặt để lại phần gốc khoảng 1 mét nên chúng ta không chỉ lãng phí lùng mà còn gián tiếp làm hạn chế sự tái sinh do cây lùng non không có không gian để mọc mầm.
Vì lý do trên, sau gần 2 năm tiếp quản và phục hồi lại sản xuất (từ Công ty Hoàng Gia) tại xã Đồng Văn, Công ty Lâm sản Khánh Tâm đang đầu tư công nghệ đánh bóng tăm hương tại chỗ và đang có phương án sản xuất để tận dụng hết các phần trên cây lùng vào chế biến các dòng sản phẩm của mình. Tiếp đó, Công ty Lâm sản Khánh Lâm đã tiên phong trong triển khai dự án bảo tồn và phát triển cây lùng bền vững trên địa bàn Quế Phong khi mời Viện Lâm sản, Bộ NN & PTNT, UBND tỉnh và huyện Quế Phong tổ chức khảo sát, hội thảo xây dựng quy hoạch phát triển cây lùng cho địa bàn Quế Phong; đồng thời tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền cho bà con các xã mà công ty thu mua lùng biết về lợi ích, cách khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác lùng đúng cách. 
Tư thương thu mua tăm hương ở Quế Phong.
Tư thương thu mua tăm hương ở Quế Phong.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ doanh nghiệp Khánh Tâm cho hay: Hiện nhu cầu các sản phẩm tăm hương cao cấp bằng cây lùng trên thị trường thế giới rất lớn, công ty có thể mua 100 tấn lùng/ngày để sản xuất. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu đã cạn, chất lượng thấp và gặp phải một số khó khăn khách quan nên công ty chỉ mua bình quân 10 tấn lùng/ngày, đủ để sản xuất hàng ngày. Hiện tại, hàng năm công ty xuất khẩu khoảng vài trăm tấn tăm hương đi các nước. Gần đây, cùng với việc tăng công suất sản xuất tăm hương, công ty đang triển khai dự án đầu tư sản xuất viên nhiên liệu sạch, than hoạt tính, đũa, que xiên nướng. Với lĩnh vực này, công ty không chỉ tận dụng các phụ phẩm do trong quá trình chế biến tăm hương, đũa, que xiên nướng... mà còn khai thác, tận dụng được các loại gỗ nguyên liệu rừng trồng, các phế liệu, phế phẩm trong nông lâm nghiệp trên địa bàn.
Lao động đang sơ chế lùng tại Công ty Lâm sản Khánh Tâm.jpg
Lao động đang sơ chế lùng tại Công ty Lâm sản Khánh Tâm.
Với quy mô vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, sau thời gian đầu tư, nếu đủ nguyên liệu và đạt công suất thiết kế, hoạt động của công ty sẽ tạo ra doanh thu hàng chục tỷ đồng và nạp ngân sách trên dưới 20 tỷ đồng mỗi năm. Đây thực sự là một dự án điểm nhấn trong phát triển công nghiệp và TTCN Quế Phong. Không những vậy, với việc tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 200 lao động địa phương ở vùng biên giới là điều không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Để triển khai hiệu quả dự án, Công ty Lâm sản Khánh Tâm đang chủ động triển khai các phần việc của mình nhưng cũng mong các sở ngành liên quan và chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ tích cực và quyết liệt hơn. Là doanh nghiệp vào đầu tư ở địa bàn miền núi, mặc dù khó khăn nhưng công ty đã bước đầu vươn lên để phát triển sản xuất, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương; từng bước giúp địa phương khảo sát xây dựng lại quy hoạch phát triển cây lùng.
Tuy nhiên, vì nguồn lực còn hạn chế nên công ty rất mong sự hỗ trợ của địa phương các xã có cây lùng trong việc tuyên truyền người dân thay đổi nhận thức và cách khai thác lùng để bảo vệ rừng lùng được bền vững. Lùng là cây thế mạnh của địa phương nhưng không phải là nguyên liệu vô tận nên bà con cần phải biết cách khai thác hợp lý để lùng tái sinh, phát triển. Thực tế, chu kỳ sinh trưởng lùng chỉ 10 năm và khoảng 3 - 4 năm là khai thác được nên người dân và cộng đồng chủ động tính toán; nếu được quy hoạch, bảo vệ và khai thác đúng thì cây lùng không chỉ cây giảm nghèo mà còn là cây làm giàu bền vững của bà con vùng cao Quế Phong.
Nguyễn Hải

Tin mới