Giải pháp ngăn xung đột trong quan hệ lao động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Thực tế cho thấy, đối thoại tại nơi làm việc là giải pháp tốt nhất tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động, tránh hậu quả về tranh chấp lao động và đình công trong doanh nghiệp.

Đình công do đâu?

Đối thoại tại nơi làm việc đã được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 63, Bộ luật Lao động năm 2019: “Đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc, nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi”.

bna_đình công Diễn Châu 4.10. Ảnh Hoa lê0e00503cf4f620a879e710.jpg
Gần 6.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory ngừng việc tập thể dịp tháng 10/2023. Ảnh tư liệu: Diệu Hoa

Tại Nghệ An, trong 5 năm (2018 - 2023), các cuộc đình công có xu hướng tăng lên với 22 cuộc đình công diễn ra tại 22 doanh nghiệp, hơn 20.000 lao động tham gia. Đáng nói, các cuộc đình công đều trái luật, tự phát, không đúng trình tự thủ tục pháp luật; số lượng người lao động tham gia nhiều, kéo dài nhiều ngày, gây ngưng trệ sản xuất, thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng việc làm, thu nhập của nhiều người lao động, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Điển hình như Công ty TNHH Viet Glory đóng trên địa bàn huyện Diễn Châu, năm 2022 xảy ra ngừng việc tập thể với sự tham gia của gần 5.000 công nhân đình công 5 ngày; năm 2023 xảy ra vụ việc ngừng việc tập thể với sự tham gia của hơn 6.000 công nhân, đình công 7 ngày.

Từ các cuộc đình công, ngừng việc tập thể trên cả nước và ở Nghệ An cho thấy, chủ yếu là công nhân kiến nghị về mức lương, định mức lao động, cách ứng xử, điều kiện, môi trường làm việc, thời gian làm thêm giờ, tiền lương, tiền ăn ca và các khoản phụ cấp... Tất cả các cuộc đình công đều do tranh chấp giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động. Nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là do thiếu thông tin giữa các bên tham gia trong quan hệ lao động; người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến quyền, lợi ích của người lao động, chưa thực sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

bna_ngừng việc tập thể Hoàng Thị Loan0e7ca83921d4f78aaec5.jpg
Ngừng việc tập thể tại một công ty may trên địa bàn TP. Vinh trung tuần tháng 11/2023. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

Nhiều cuộc đình công xuất phát do tranh chấp lao động tại một xưởng sản xuất, nhưng vì không có diễn đàn để người lao động trao đổi, kiến nghị, họ bị kích động, chi phối, sau đó đình công lan rộng toàn doanh nghiệp, căng thẳng và rất phức tạp. Các doanh nghiệp để xảy ra đình công là do người chủ doanh nghiệp áp dụng quyền đưa ra những mức lương, định mức lao động, phụ cấp, các chính sách lao động theo quan điểm và cách quản lý của mình, họ cố tình hiểu sai lệch, thiếu thiện chí, thậm chí trốn tránh việc đối thoại. Họ cho rằng, đối thoại làm mất thời gian, ảnh hưởng sản xuất, công nhân hay đòi hỏi trong khi công ty đã thực hiện đầy đủ các chính sách lao động theo quy định của luật. Mặt khác, công đoàn cơ sở hạn chế về năng lực, kinh nghiệm, chưa mạnh dạn đề xuất đối thoại, do vậy, dẫn đến các cuộc xung đột, đình công, ngừng việc tập thể, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và cả người lao động.

Chìa khóa “đối thoại”

Bên cạnh những doanh nghiệp không thực hiện tốt đối thoại tại nơi làm việc, cũng có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đối thoại với hình thức cũng rất phong phú, như tổ chức hội nghị người lao động hàng năm; có giám đốc đã gặp gỡ công nhân lao động tại nhà máy khoảng 30 phút vào ngày đầu tháng để trao đổi thông tin, giải quyết những yêu cầu từ phía tập thể lao động. Nhiều doanh nghiệp thực hiện đối thoại hàng tuần với đại diện công đoàn cơ sở và các bộ phận sản xuất như: Nhà máy may Haivina Kim Liên tổ chức lấy ý kiến người lao động bằng phiếu trong bữa ăn trưa hàng tuần và họp quản lý để trao đổi 4h/tuần.

bna_ngừng việc tập thể Hoàng Thị Loanc22999a0644db213eb5c.jpg
Đối thoại giữa lao động và chủ doanh nghiệp nên được quan tâm trước khi mâu thuẫn tăng cao. Ảnh minh hoạ: Diệp Thanh

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Luxshare-ICT Nghệ An (có 9.000 lao động) - ông Đồ Kỳ Giang cho rằng: “Từ thực tế hoạt động tại doanh nghiệp, chúng tôi coi trọng việc thực hiện dân chủ, đó là đặt hòm thư góp ý tại các xưởng, các nhóm mạng thông tin nội bộ mở 24/24h, các góp ý, ý kiến của công nhân được xử lý hàng ngày. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho công đoàn cơ sở hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động và tổ chức đối thoại với đại diện các bộ phận sản xuất. Thông qua đối thoại thường xuyên tại doanh nghiệp, người sử dụng lao động mới có những quyết sách, cách quản lý đúng đắn, tạo được sự đồng thuận cao của tập thể lao động, phát huy dân chủ, góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ để người lao động làm việc nhiệt tình hơn, quản trị nhân sự lành mạnh”.

Lợi ích lâu dài của việc vận hành tốt các hình thức đối thoại xã hội thể hiện rất rõ ở tác động của nó đến mọi vấn đề của doanh nghiệp, từ chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, xây dựng văn hóa tự giác trong doanh nghiệp và quan trọng hơn là mọi bực bội của người lao động được giải tỏa kịp thời. Việc này còn giúp doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ giữa lãnh đạo doanh nghiệp và công nhân.

bna_Hội nghị NLĐ, đối thoại tại Công ty TNHH Luxshare-ICT Nghệ An. Ảnh CĐ KKT Đông Nam.png
Hội nghị người lao động, đối thoại tại Công ty TNHH Luxshare-ICT Nghệ An. Ảnh: Quốc Việt

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam cho biết: “Tại khu kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã triển khai đối thoại hàng ngày vào đầu buổi sáng (từ 10-15 phút), đối thoại định kỳ hàng tháng, 6 tháng, hàng năm… Bên cạnh gặp gỡ trực tiếp, người lao động còn có thể nhắn tin Zalo, điện thoại, email, góp ý vào hòm thư cho lãnh đạo công ty bất kỳ lúc nào để các bên hiểu nhau, chia sẻ công việc nhanh nhất và giảm thời gian soạn thảo công văn, giấy tờ và các ý kiến được giải trình rõ ràng. Đối thoại thực sự là nhu cầu thiết yếu tại nơi làm việc của doanh nghiệp”.

Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp đều cho rằng, một cơ chế đối thoại phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó có những điều chỉnh kịp thời. Đối thoại là “kênh” tham vấn thường xuyên giữa công đoàn cơ sở với doanh nghiệp và các bên liên quan. Đối thoại đã đóng vai trò quan trọng là “cầu nối” giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc giữa doanh nghiệp và người lao động.

Đối thoại tốt còn tạo động lực, khuyến khích người lao động cống hiến, đóng góp cho sản xuất, làm tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, giúp người lao động yên tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp hơn vì họ cảm thấy được tôn trọng, họ biết rằng, doanh nghiệp luôn quan tâm đến đời sống, nguyện vọng của họ. Đối thoại tại nơi làm việc thực sự là giải pháp hiệu quả nhằm ngăn ngừa tranh chấp lao động và đình công xảy ra.

Tin mới