Hút chất xám người Nghệ xa quê cho việc phát triển giáo dục - đào tạo

(Baonghean) Ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy – Viện Nghiên cứu Phát triển giáo dục IRED, tại Hội thảo "Vai trò của Hội đồng nhân dân trong việc tạo lập cơ chế, chính sách tài chính thúc đẩy phát triển giáo dục – đào tạo".

 

Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy, sự phát triển của giáo dục quyết định đến sự phát triển của cả quốc gia. Giáo dục muốn phát triển cần có các chiến lược đúng đắn và đầu tư hiệu quả. Việt Nam hiện là một trong những nước đầu tư cho giáo dục cao, nhưng hiệu quả lại rất thấp. Tiền đổ ra rất nhiều nhưng chất lượng giáo dục kém, bằng chứng là bản thân những người làm giáo dục cũng phủ nhận nền giáo dục trong nước bằng cách gửi con em mình đi học ở nước ngoài. Do đó, toàn bộ vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện nay nằm ở chất lượng và đường lối chiến lược.


Nghệ An là tỉnh có tiềm lực về chất xám nên có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc với chính sách phát triển giáo dục và khoa học kỹ thuật có định hướng rạch ròi và có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Song song với việc phát triển các ngành công nghiệp nặng, đóng tàu, xe hơi, điện tử, hóa chất, Hàn Quốc đã tập trung đầu tư nghiên cứu các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản lẫn khoa học ứng dụng.

Gần đây, nhằm quốc tế hóa khoa học và giáo dục đại học, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư trên 600 triệu USD trong 5 năm vào một chương trình quy mô gọi là Đại học Đẳng cấp Thế giới, với bước đầu là mời 81 học giả, trong đó có 9 người đoạt giải Nobel đến giảng dạy và chỉ đạo nghiên cứu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn tại các trường đại học Hàn Quốc. Đây là bài toán rất khôn ngoan của Chính phủ Hàn Quốc, thay vì cho học sinh đi du học tốn kém bằng cách mời các giáo sưu tầm cỡ đến giảng dạy, chỉ đạo nghiên cứu, trả lượng hậu hĩnh cũng chỉ hơn 100 triệu USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng kêu gọi các khoa học gia người Hàn Quốc ở nước ngoài trở về làm việc và đồng thời cho học bổng để người nước ngoài đến Hàn Quốc học tập. Hàn Quốc đã thực hiện chính sách "quốc tế hóa" khoa học kỹ thuật Hàn Quốc và "Hàn Quốc hóa" thế giới để thúc đẩy đất nước phát triển. Nếu Nghệ An biết sử dụng đầu óc của những người xuất thân từ Nghệ An rất thành đạt ở các thành phố lớn trong nước cũng như trên thế giới thì chắc chắn sẽ tạo ra một nền giáo dục - đào tạo tốt đẹp hơn, dùng giáo dục - đào tạo làm điểm đột phá để tạo sự phát triển cho địa phương.

Minh Chi (ghi)

Tin mới