Quan tâm hỗ trợ học sinh vùng khó - Bài cuối: Khắc phục hạn chế, khó khăn; thực hiện tốt các chính sách

(Baonghean) - Thực tế ở cơ sở cho thấy, về cơ bản các chính sách hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn đã được triển khai thực hiện tốt; tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ hạn chế, bất cập ở một số cơ sở, điểm trường. Vấn đề là phải nhìn thẳng vào tồn tại, nhận rõ trách nhiệm để khắc phục, giải quyết triệt để... 
Như chúng tôi đã đề cập, chuyên đề này được thực hiện khi Báo Nghệ An nhận được thông tin đa chiều phản ánh về  các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh vùng khó... Đầu tháng 6/2015, tòa soạn nhận được một lá đơn trình bày của công dân xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp). Trong đơn nêu con em đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đi học cách trường trên 4 km, nên được Nhà nước hỗ trợ gạo và tiền học bán trú; tuy nhiên, năm học 2014 - 2015, trong khi gạo hỗ trợ các em học sinh Châu Thành được nhận đầy đủ 135 kg/9 tháng/em, thì kinh phí hỗ trợ của Nhà nước mới chỉ được trường cho nhận 7 tháng, thiếu mất 2 tháng (khoảng 1.150.000 đồng/em).
Giáo viên Trường THCS Môn Sơn   (Con Cuông) đã bớt lo lắng thiếu vắng học sinh mỗi khi vào đầu năm học mới.
Giáo viên Trường THCS Môn Sơn (Con Cuông) đã bớt lo lắng thiếu vắng học sinh mỗi khi vào đầu năm học mới.
Theo xác minh, đúng là có việc Trường THCS Châu Thành "thiếu mất 2 tháng" tiền trợ cấp theo Quyết định 85 như công dân xã Châu Thành đã trình bày. Vấn đề này được lãnh đạo nhà trường lý giải do kinh phí về muộn, sát với kỳ nghỉ hè. Hơn nữa, vì trường đặt ra "mục tiêu" giữ chân các em để đầu năm học mới không xảy ra tình trạng học sinh bỏ học, nên đã chậm trả kinh phí hỗ trợ; việc này đã được đưa ra bàn trong hội nghị phụ huynh học sinh cuối năm học và phụ huynh đã đồng tình... Qua kiểm tra của Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Hợp, số kinh phí hỗ trợ các em trong 2 tháng cuối năm học 2014 - 2015, Trường THCS Châu Thành vẫn để tại Kho bạc Nhà nước Quỳ Hợp, không rút về chi dùng vào việc khác; đồng thời, thực tế đã có thông qua Hội Phụ huynh học sinh. Ông Võ Sỹ Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện chính là người đã trực tiếp kiểm tra ở Trường THCS Châu Thành, trao đổi: "Việc giữ lại tiền hỗ trợ của học sinh dù với bất cứ lý do nào thì cũng là trái với quy định, vì thế dẫn đến có những phụ huynh hiểu sai, làm đơn thư phản ánh. Đây là vấn đề các nhà trường cần nghiêm túc rút kinh nghiệm...".
Các em học sinh khu bán trú Trường PTDTBT Nậm Cắn (Kỳ Sơn).
Các em học sinh khu bán trú Trường PTDTBT Nậm Cắn (Kỳ Sơn).
Trong những chuyến đi về các trường bán trú, trường có học sinh bán trú ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, chúng tôi được nghe nhiều tâm sự của các nhà trường về những khó khăn trong thực hiện quản lý học sinh bán trú. Và hầu hết, còn những băn khoăn, lo lắng về vấn đề ăn, nghỉ cho học sinh. Từ những khó khăn về cơ sở vật chất như nhà ở, công trình vệ sinh, nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm... và cả về kinh phí để chi trả cho những nhân viên cấp dưỡng. Để có thêm kinh phí, có những trường kêu gọi được sự đóng góp của các nhà hảo tâm, của tập thể giáo viên, phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, cũng nhiều trường đề nghị chính quyền cấp xã thông qua hội phụ huynh bớt lại một ít kinh phí từ khoản hỗ trợ 460.000 đồng/tháng của các em để có tiền chi trả lương cho nhân viên cấp dưỡng. Dù rằng, hầu hết các trường đều được các phụ huynh chia sẻ khó khăn, có sự đồng tâm nhất trí, nhưng cũng còn có trường làm chưa tốt công tác tuyên truyền, chưa giải thích rõ ràng nên có những phụ huynh chưa hiểu, cho rằng có sự chưa minh bạch hay có sự bớt xén tiền ăn của con em mình. 
Phần nào cần sẻ chia với những khó khăn của các địa phương, các nhà trường khi phải đề ra những giải pháp tình thế, bất đắc dĩ như đã nói trên. Nhưng quy định là quy định, cần tuân thủ nghiêm túc; đồng thời đối với khó khăn thực tế gặp phải, cần có giải pháp hợp lý để khắc phục. Nói ra vấn đề này, nhiều lãnh đạo nhà trường tỏ rõ băn khoăn. Hiệu trưởng Trường PTDTBT Nậm Cắn, thầy Phạm Hồng Thắng cho biết, trước đây UBND huyện Kỳ Sơn có hỗ trợ cho trường kinh phí chi trả lương cho 3 nhân viên cấp dưỡng. Nhưng từ năm 2014 đến nay thì chưa thấy huyện có thông tin gì. Trường PTDTBT Nậm Cắn có 3 nhân viên cấp dưỡng, hưởng mức lương theo thỏa thuận với nhà trường là 3 triệu đồng/tháng; tính ra một năm học (gần 10 tháng), trường phải trả lương cho bộ phận cấp dưỡng là khoảng 90 triệu đồng. Tại Trường THCS Tam Hợp, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Võ Anh Tuấn đã không ngại ngần phản ánh thực trạng khó khăn của nhà trường: Để có tiền chi trả cho 2 cấp dưỡng, trường phải đề nghị chính quyền xã, hội phụ huynh thống nhất, cho phép trích một phần kinh phí hỗ trợ của các em học sinh. "Chúng tôi cũng biết làm như vậy là chưa đúng với quy định, nhưng ở thời điểm hiện tại buộc lòng phải làm như vậy. Cũng vì vậy, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở cán bộ, giáo viên, phải quản lý chăm lo cho các em được ăn nghỉ thật chu đáo để các phụ huynh không phải băn khoăn lo lắng..." - thầy Tuấn nói. 
Trong những năm qua, nhiều ban, ngành cấp tỉnh cùng theo dõi khá sát sao việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh vùng KT-XH đặc biệt khó khăn và qua kiểm tra, đã phát hiện những tồn tại cần khắc phục. Qua kiểm tra, Ban Dân tộc tỉnh đã chỉ ra một số tồn tại trong thực hiện nguồn kinh phí theo Quyết định 85 ở huyện Kỳ Sơn (từ năm 2011 - 2013), thể hiện ở việc một số trường đã không cấp đủ chế độ cho học sinh và thu một số khoản tiền không đúng quy định. Cụ thể như ở huyện Kỳ Sơn, Trường PTDTBT Mỹ Lý không cấp tiền ăn tháng 9/2013 cho 224 học sinh với tổng số tiền là 103.040.000 đồng; Trường PTDTBT Na Loi thu tiền học thêm của học sinh với tổng số tiền là 68.085.000 đồng; Trường PTDTBT Tà Cạ vận dụng tiền ăn hàng ngày của học sinh và tiền ở 4 tháng của 115 học sinh với số tiền là 81.362.000 đồng; Trường THDTBT Tây Sơn vận dụng tiền ăn hàng ngày của học sinh với số tiền là 51.313.000 đồng; Trường PTDTBT Hữu Kiệm vận dụng tiền ăn hàng ngày của học sinh và vận động học sinh đóng góp từ số tiền hỗ trợ nhà ở với số tiền 67.052.000 đồng... Dù các trường đã có báo cáo giải trình và được UBND huyện Kỳ Sơn xác nhận đúng thực tế việc sử dụng nguồn kinh phí đã vận dụng nêu trên để làm lán tạm, tu sửa nhà ký túc, mua giường sạp, chăn màn, xoong nồi, bát đũa, trả tiền công phục vụ nấu ăn cho các em,... nhưng việc vận dụng đó là trái với quy định. 
Về việc thực hiện công tác giáo dục dân tộc nói chung và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh khu vực KT-XH đặc biệt khó khăn nói riêng, hàng năm Sở GD&ĐT đều có đánh giá khá cụ thể. Theo đó, dù cơ sở vật chất và trang thiết bị cho giáo dục của các nhà trường vùng đặc thù này đã được quan tâm tăng cường, tuy nhiên còn rất nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục; riêng hệ thống 27 trường PTDTBT trên toàn tỉnh đã cần phải bổ sung 192 phòng ở nội trú; 1.193 giường nằm; 20 nhà ăn; 66 nhà vệ sinh; 37 công trình nước sạch. Về việc thực hiện các chính sách của Chính phủ, Sở GD&ĐT đánh giá các địa phương và các nhà trường cơ bản có sự quan tâm, tập trung thực hiện; có nhiều trường đã có những cách làm hay, hiệu quả, tạo hiệu ứng tốt trong phụ huynh, học sinh; các chính sách từ Quyết định 85, Quyết định 36... của Chính phủ đã thực sự mang đến những bước phát triển mang tính đột phá và đi vào vững chắc, là động lực và là điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự học của khu vực có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. 
Đánh giá của Sở GD&ĐT cũng chỉ ra những tồn tại như việc chi trả chính sách có những lúc còn chậm; một số địa phương không có kinh phí hỗ trợ nên còn những trường phải lấy bớt một phần nhỏ kinh phí hỗ trợ của các em để chi trả lương cho nhân viên nhà bếp, việc làm này đã phần nào ảnh hưởng đến khẩu phần ăn của các em; hàng năm, còn nhiều trường thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí hoạt động để trình UBND cấp huyện, báo cáo Sở GD&ĐT kịp thời nắm bắt trình cấp có thẩm quyền xem xét... Vì vậy, theo thầy Lưu Đức Thuyên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cần nhanh chóng khắc phục những điểm hạn chế để việc thực hiện chính sách của Chính phủ cho các em học sinh vùng KT-XH đặc biệt khó khăn ngày một tốt hơn. Với chính quyền cấp huyện, thầy Lưu Đức Thuyên đề nghị: Cần giao nhiệm vụ cho Phòng Tài chính phối hợp tốt với Phòng GD&ĐT để giải quyết kịp thời chính sách cho các em theo quy định đã đề ra; trong khi chưa có chính sách của Nhà nước, huyện nên có sự hỗ trợ cho các nhà trường kinh phí cho người nấu ăn cùng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất. Với ban giám hiệu các nhà trường, yêu cầu quan tâm, đảm bảo các chính sách hỗ trợ đến được với các em kịp thời, đầy đủ, đảm bảo sức khỏe cho các em để các em được học tập tốt. Tuyệt đối nghiêm cấm các cán bộ, giáo viên tổ chức các hoạt động làm ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ của các em. Với các bậc phụ huynh, thầy Lưu Đức Thuyên đề nghị, cần nhận thức đúng đắn về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với con em của mình. Qua đó, dành sự quan tâm, trách nhiệm hơn đối với việc học tập của các em...
Với những gì chúng tôi được nghe, thấy trong thực tế thực hiện các chính sách của Chính phủ đối với các em học sinh vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, có thể khẳng định rằng, miền Tây xứ Nghệ đang thay da đổi thịt, và cùng với đó, sự học của các em học sinh cũng đang ngày một nâng cao chất lượng. Và dĩ nhiên, vui nhất là thấy các em dần được chăm lo chu đáo nơi ăn, chốn ở và chất lượng từng bữa ăn...
Bài, ảnh: Nhật Lân - Phạm Bằng

Tin mới