"Đòn bẩy" từ xã hội hóa giáo dục

(Baonghean) - Gần 60% các trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia là một con số ấn tượng của ngành giáo dục Nghệ An trong nhiệm kỳ qua. Tỷ lệ này cao gần gấp đôi so với trung bình chung của cả nước và đứng thứ 2 trong khu vực... Đóng góp vào thành công này, có vai trò quan trọng của công tác xã hội hóa.

Đầu năm học mới, chúng tôi có chuyến đi vào xã Yên Na (Tương Dương). Từ sáng sớm đã thấy hàng trăm phụ huynh mang theo tre, nứa dựng lại nhà bếp, sửa lại nhà để xe cho giáo viên, học sinh. Lên với các huyện vùng cao, đã quá quen thuộc với  những hình ảnh như: đồ chơi ngộ nghĩnh, dân dã được sáng tạo từ bàn tay của phụ huynh; bà con đóng góp ngày công tu sửa lại sân đá bóng cho học sinh, làm đồ dùng học tập như ở Trường Tiểu học Châu Hội 1 (Quỳ Châu), Trường Mầm non Yên Hợp (Quỳ Hợp)... Xã hội hóa còn là cách mà nhiều tổ chức, nhiều cộng đồng mạng đứng ra kêu gọi, ủng hộ. Nhờ vậy, năm học mới này, điểm trường tiểu học ở bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong đã có dãy phòng học khang trang, học sinh của của Trường THCS Na Ngoi (Kỳ Sơn) năm học này cũng đã có thêm 2 dãy nhà nội trú được đưa vào sử dụng.
Bữa ăn của học sinh Trường PT Dân tộc bán trú THCS Hội - Nga (Quỳ Châu).
Bữa ăn của học sinh Trường PT Dân tộc bán trú THCS Hội - Nga (Quỳ Châu).
5 năm qua, tổng kinh phí huy động được từ sự ủng hộ của nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức, các dự án nước ngoài cho giáo dục và đào tạo lên đến 1.395,8 tỷ đồng. Hiệu quả rõ rệt nhất là số lượng trường chuẩn gia tăng. Năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 565 trường chuẩn quốc gia thì đến cuối nhiệm kỳ con số này đã tăng thêm 340 trường, nâng tỷ lệ trường chuẩn của cả tỉnh lên 905 trường, đạt xấp xỉ 60%, nằm trong những tỉnh có tỷ lệ cao nhất cả nước và đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung bộ (tỷ lệ chung của cả nước là 37,74%). Bên cạnh đó, so với năm học 2010 - 2011, số lượng phòng học kiên cố của năm học 2014 - 2015 đã tăng lên vượt bậc với gần 3.000 phòng so với đầu nhiệm kỳ. Đây là kết quả đáng phấn khởi, cho thấy sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội. 
Để có được kết quả này, thời gian qua, nhiều địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Trường Mầm non Sao Mai (Quỳ Hợp) dù đã được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2005, nhưng sau nhiều năm cơ sở vật chất nhà trường đã xuống cấp, nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại chưa đáp ứng với yêu cầu giáo dục. Để khắc phục tình trạng này, hàng năm nhà trường làm tốt công tác xã hội hóa, vận động phụ huynh đóng góp ngày công, vật liệu và kinh phí để  xây dựng một số công trình lớn như:  Làm sân khấu ngoài trời, lát sân chơi bằng gạch block, xây cổng trường, xây tường rào, mua hệ thống máy lọc nước, tủ cơm. Bên cạnh đó, trường còn tiết kiệm các nguồn kinh phí để trang bị ti vi cho các lớp, nhóm trẻ, vận động lòng hảo tâm của phụ huynh ủng hộ bằng hiện vật... để trẻ được chơi các trò chơi hiện đại, khoa học.
Ở huyện miền núi Quỳ Châu, để có được tỷ lệ gần 80% trường đạt chuẩn quốc gia (đứng thứ 2 cả tỉnh và đứng đầu các huyện miền núi), huyện đã có nhiều giải pháp thiết thực như: Tham mưu tổ chức lồng ghép tốt các chương trình, dự án trên địa bàn để xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng phù hợp tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ phòng học kiên cố trên địa bàn huyện đạt 77%, tăng 9,6% so với đầu nhiệm kỳ). Đối với nguồn kinh phí sự nghiệp Phòng Giáo dục - Đào tạo phối hợp tốt với Phòng Tài chính - Kế hoạch để phân khai kinh phí công khai về tận các nhà trường trên cơ sở nhu cầu của các trường, đầu tư tập trung không dàn trải, lãng phí, gây tốn kém; đồng thời theo dõi quản lý việc đầu tư mua sắm trang thiết bị hàng năm, ưu tiên đầu tư thiết bị dạy học, sách giáo khoa, nhất là thiết bị để đưa công nghệ thông tin vào trường học, thực hiện việc nối mạng tin học trong toàn ngành. 
Ở huyện Nghĩa Đàn, xã hội hóa thực sự là một giải pháp tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Mỗi địa phương, mỗi trường có những cách làm riêng, hiệu quả như: Trường THPT Cờ Đỏ thành lập Ban Liên lạc cựu học sinh, tổ chức gặp mặt học sinh thành đạt ở miền Nam để kêu gọi, hỗ trợ. Trường Tiểu học Nghĩa Thọ vận động phụ huynh trồng tặng cây xanh, trang trí lớp học. 
Tại huyện Quế Phong, đến thời điểm năm 2011, cơ sở vật chất các nhà trường không đáp ứng nhu cầu ăn, ở của học sinh: phòng học tạm, thiếu các điều kiện phục vụ học tập tối thiểu, tỷ lệ học sinh bỏ học cao. Sau khi mạnh dạn triển khai Đề án “Nhà bán trú dân nuôi”, huyện đã tập trung vốn từ các chương trình, dự án ưu tiên cho xây dựng nhà bán trú, các công trình phụ, mua sắm đồ dùng và các trang thiết bị khác phục vụ công tác bán trú.  Đồng thời, kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp ủng hộ mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động bán trú cho học sinh. Nhờ cách làm này, - hiện nay 11/11 trường đã có nhà bán trú và tổ chức bếp ăn tập thể cho học sinh. Qua đó, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học từ  4,4% xuống chỉ còn 0,4%. 
Đánh giá về hiệu quả của công tác xã hội hóa, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Nghệ An là một tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả trong công tác xã hội hóa giáo dục. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện thúc đẩy học tập, góp phần quan trọng trong việc khuyến học, khuyến tài  mà thúc đẩy việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trên toàn tỉnh. Đây cũng chính là yếu tố để bảo đảm chất lượng giáo dục, là giải pháp cơ bản nhất, tập trung nhất để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bền vững.
Bài, ảnh: Mỹ Hà

Tin mới