Các trường Cao đẳng thay đổi phương thức tuyển sinh

Nhiều trường CĐ sau cú “mất đà” trong mùa tuyển sinh 2015 vì không kịp thích nghi với những thay đổi trong phương thức tuyển sinh đã bắt đầu có những động thái thay đổi để cạnh tranh sòng phẳng với các trường ĐH trong thu hút thí sinh.
Doanh nghiệp đồng hành cùng tuyển sinh
PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) - nhận định: “Với những điều chỉnh theo hướng tăng tính chủ động trong công tác tuyển sinh và đào tạo của các trường CĐ, ĐH, cho dù là một cơ sở đào tạo có học hiệu, chúng tôi cũng không thể ung dung đợi thí sinh tự tìm hiểu rồi nộp đơn vào trường được”.
Khởi động cho mùa tuyển sinh 2016, trường CĐ Công nghệ đã ký kết hợp tác với 8 doanh nghiệp cùng nhà trường trong công tác tư vấn hướng nghiệp.
Các tình nguyện viên của trường CĐ Công nghệ đang hướng dẫn thí sinh các thủ tục nộp hồ sơ trong mùa tuyển sinh 2015
Các tình nguyện viên của trường CĐ Công nghệ đang hướng dẫn thí sinh các thủ tục nộp hồ sơ trong mùa tuyển sinh 2015.
Ngoài hỗ trợ nhà trường in quyển vở tuyển sinh, các doanh nghiệp còn cung cấp thêm thông tin về thị trường lao động. “Việc các doanh nghiệp cùng đồng hành với nhà trường trong tuyển sinh cũng là một cam kết về việc làm và chất lượng đào tạo đối với người học. Đây đều là những tập đoàn, doanh nghiệp đã ký hợp tác với nhà trường trong đào tạo thực hành, tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp.
Nhà trường cũng tăng cường công tác thực tập, kiến tập doanh nghiệp với chương trình Học kỳ doanh nghiệp để SV tiếp cận sớm và thường xuyên với môi trường sản xuất, kinh doanh thực tế.
Vấn đề còn lại là chất lượng đầu ra của SV có đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng hay không, và điều này phụ thuộc rất nhiều vào quá trình tích lũy kiến thức cũng như kỹ năng của chính các em” - PGS.TS Phan Cao Thọ nhấn mạnh.
Ông Lê Ngọc Việt - Chủ tịch HĐQT trường CĐ Phương Đông (Đà Nẵng) - cho rằng: "Không thể có hiệu quả nếu các trường CĐ vẫn tiếp tục giữ cách tiếp cận thí sinh như trước đây. Việc làm sau khi ra trường gần như là ưu tiên số một của cả phụ huynh và thí sinh. Do vậy, các trường CĐ phải có gì khác với ĐH thì mới mong thu hút được thí sinh. Và chúng tôi quan tâm đến việc kết nối với các doanh nghiệp để giải quyết bài toán đầu ra cho SV”.
Mùa tuyển sinh 2016, trường CĐ Phương Đông sẽ có tuyển sinh thêm ngành Kỹ thuật ô tô với sự liên kết với Công ty Ô tô Trường Hải.
Ngoài ra, nằm trong dự án Tuyển chọn, hợp tác và đào tạo bổ sung về chuyên môn cho nhân lực trẻ Việt Nam trở thành điều dưỡng, chăm sóc người bệnh giữa Bộ Kinh tế & Năng lượng Liên bang Đức với Bộ LĐ,TB&XH Việt Nam, trường cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo tiếng Đức với Viện Goethe Việt Nam trong đào tạo tiếng Đức cho SV ngành điều dưỡng đủ điều kiện xuất khẩu lao động tại Đức.
Tư vấn chuyên sâu
Nhiều năm làm công tác tuyển sinh, thầy Nguyễn Văn Lành – Phó trưởng Phòng Đào tạo trường CĐ Công nghệ - nhận xét: “Có những ngành học mà cơ hội việc làm và nhu cầu tuyển dụng cao nhưng ít thí sinh đăng ký học.
Nguyên nhân một phần là do thí sinh chưa được tư vấn ngành nghề, chỉ nghe tên gọi chứ thực chất không hiểu rõ về ngành nghề và nhu cầu xã hội, ví dụ như ngành Công nghệ Kỹ thuật Nhiệt, Công nghệ Hóa học, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ sinh học, Công nghệ kỹ thuật Điện tử - truyền thông, Hệ thống thông tin quản lý”.
Thí sinh mùa thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Giang Huy.
Ảnh minh họa.
Thế nhưng, cũng có những ngành thu hút được nhiều thí sinh do tên gọi tạo ra sự nhầm lẫn: ví dụ ngành Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử. Thí sinh nhầm tưởng ngành này vừa học về điện vừa là điện tử nên đăng ký nhiều vào ngành này mà không đăng ký vào ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Truyền thông.
Chính vì vậy, theo thầy Nguyễn Văn Lành, công tác tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp theo chiều sâu cần được đẩy mạnh hơn nữa ở cả trường THPT và cả từ phía các trường CĐ.
Chính vì vậy, ngoài tham gia tư vấn tuyển sinh cùng với các đơn vị, cơ quan truyền thông khác, các trường CĐ như CĐ Nghề Đà Nẵng, CĐ Thương mại, CĐ Phương Đông, CĐ Công nghệ… đều tổ chức các chương trình tư vấn chuyên sâu theo nhiều hình thức như tư vấn trực tuyến, tư vấn trực tiếp thông qua các nhóm nhỏ tại các trường THPT vừa giới thiệu về trường, vừa giải đáp thắc mắc cho học sinh về những điểm cần lưu ý trong quy chế tuyển sinh.
Thầy Nguyễn Hoàng Tứ - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường CĐ Thương mại cho biết: “Để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2016, ngoài Ban tư vấn tuyển sinh như trước đây, trường CĐ Thương mại đã lập thêm Ban Quảng bá với sự tham gia của 100 SV tình nguyện. Chúng tôi cho rằng không gì hiệu quả hơn là để cho những SV đang học tại trường giới thiệu về ngôi trường mình đang học cho những HS đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa CĐ, ĐH. Có lẽ vì vậy mà trường chúng tôi có những gia đình có 3 thế hệ đều là cựu SV của trường”.
Trường CĐ Thương mại, ngoài việc phối hợp với các Sở GD&ĐT ở các địa phương để tư vấn, còn thành lập các nhóm tư vấn sâu về ngành học, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp cũng như những dịch vụ hỗ trợ của nhà trường trong quá trình học tập của SV. “Thông qua tư vấn sâu cũng là cách nhà trường cam kết chất lượng với người học” - ông Tứ nhấn mạnh.
Thí sinh dự thi tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh chụp vào ngày 4/7/2015).
Thí sinh dự thi tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh chụp vào ngày 4/7/2015).
Những chính sách ưu đãi cho thí sinh vào trường
Không chỉ tiếp thị hình ảnh, các trường còn giới thiệu những ưu tiên đặc biệt cho các tân SV sắp đến. Những chính sách hết sức đặc biệt về học bổng, học phí, chỗ ở luôn là mối quan tâm của thí sinh trước ngưỡng cửa vào CĐ, ĐH.
Trường CĐ Công nghệ, ngoài quỹ học bổng của nhà trường với mức hỗ trợ 15 triệu đồng/học kỳ cho suất học bổng toàn phần và những chế độ ưu tiên đặc biệt như miễn phí KTX…, còn có học bổng do các doanh nghiệp cấp. Ngoài ra, những SV ngành CNTT còn có cơ hội nhận học bổng cho toàn khóa học bao gồm cả chi phí sinh hoạt và chi phí tham gia các hoạt động ngoại khóa do tổ chức PN (Passerelles Numeriques) hỗ trợ .
Trường CĐ Thương mại dành mỗi năm 1,5 tỷ đồng để cấp học bổng cho SV, chưa kể khoảng 500 triệu đồng/năm từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp.
Và trong cuộc chạy đua để tiếp cận thí sinh, các trường ĐH, CĐ, TCCN không ngừng đưa ra những chính sách ưu đãi để thu hút, những ngành học có tiềm năng trong tương lai, lẫn những ngành học “hot”…
Chính việc các trường công lập cũng nhảy vào cuộc để quảng bá hình ảnh của mình, khiến cho các trường ngoài công lập càng phải khẳng định mình không chỉ thông qua việc tiếp thị hình ảnh như trước đây, mà còn phải đảm bảo về chất lượng đào tạo, thì mới có thể trụ vững được trong cuộc đua gay gắt này. Người hưởng lợi, không ai khác, chính là các thí sinh...
Theo GD&TĐ 

Tin mới