Giảng viên trẻ 8X 'mê' làm nông nghiệp

(Baonghean.vn) - Sinh năm 1982, Trần Ngọc Toàn là người trẻ tuổi nhất được vinh danh tại Hội thi Giảng viên trẻ dạy giỏi Trường Đại học Vinh năm 2015 – 2016. Phần thưởng là niềm vui, cũng là động lực khích lệ để anh tiếp tục trên con đường giảng dạy, nghiên cứu của mình...

Gặp thầy giáo Trần Ngọc Toàn, cảm nhận ở anh luôn toát lên vẻ điềm đạm, chín chắn... Anh chia sẻ rằng: Mình là anh cả, phía sau còn có 3 em nên từ trước đến nay khi nào cũng lo toan, nặng gánh gia đình. Thêm nữa, môi trường sư phạm cũng khiến mình “già dặn” hơn bạn bè cùng trang lứa.

Niềm vui của thầy giáo Trần Ngọc Toàn trong ngày nhận giải Nhất giảng viên dạy giỏi
Niềm vui của thầy giáo Trần Ngọc Toàn trong ngày nhận giải Nhất giảng viên dạy giỏi

Trần Ngọc Toàn vốn là dân khối A. Nhưng rồi, nhờ một bài kiểm tra 15 phút môn Sinh được điểm 10 và được thầy giáo động viên, anh đã quyết định chuyển sang khối B. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ bị bệnh nặng cũng buộc anh phải lựa chọn nghề nghiệp. Và rồi anh đã chọn Sư phạm bởi đơn giản khi ấy “chỉ có trường sư phạm sinh viên mới được miễn học phí”.

Bốn năm xa nhà, cuộc sống sinh viên thật không dễ dàng bởi ngoài đi học anh phải đi làm gia sư, làm thêm để có đủ tiền trang trải. Tuy nhiên chính những ngày tháng vật lộn với mưu sinh đó lại giúp Toàn trưởng thành và chính chắn hơn. Sự chăm chỉ của cậu sinh viên nghèo cuối cùng cũng đã được chứng minh khi vừa tốt nghiệp, anh được Trường Đại học Vinh chọn giữ lại để đào tạo, bồi dưỡng. Sau này, anh cũng được tạo điều kiện để học lên cao học và làm nghiên cứu sinh.

Thầy Toàn (giữa, áo trắng) cùng bà con xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn đi thực tế về cây bo bo
Thầy Toàn (giữa, áo trắng) cùng bà con xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn khảo sát về cây bo bo.

Gắn bó với công việc giảng dạy gần 10 năm, “chọn nghề” và được “nghề chọn mình” nên dù đang là một giảng viên trẻ nhưng Trần Ngọc Toàn rất đam mê với nghề. Bản thân anh cũng xác định, để là một thầy giáo giỏi thì trước tiên chuyên môn phải chắc. Bên cạnh đó, phải gắn bó với nghề, không ngại khó, ngại khổ.

Đặc thù của một giảng viên ở Khoa Nông – Lâm – Ngư cũng không đơn thuần như các khoa, phòng khác. Vì vậy, ngoài giảng dạy ở lớp, thời gian còn lại anh tập trung vào nghiên cứu và tham gia vào các dự án. Điều đặc biệt, các dự án của anh chủ yếu lại tập trung vào các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa và thường gắn bó trực tiếp với đời sống của người nông dân.

Trong đó, có nhiều dự án đã được thử nghiệm thành công và đi vào sản xuất như dự án trồng rau sạch ở bản Phòng xã Thạch Giám, huyện Tương Dương; dự án bảo tồn và phát triển cây bo bo ở Kỳ Sơn; thực hiện dự án cấp tỉnh về điều tra và đề xuất biện pháp bảo vệ và xử lý các hệ sinh thái nhạy cảm trên địa bàn; dự án bảo tồn nguồn gen cây cam có giá trị; nghiên cứu tự bảo vệ của cây trồng trước tác động của sâu hại…

Bên cạnh đó anh còn phối hợp với các địa phương để giảng dạy các chương trình khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật. Anh cũng chia sẻ: Mình xuất thân từ nông thôn nên bản thân luôn muốn làm được những việc có ích giúp người dân thoát nghèo.

Tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho người dân xã
Thầy Toàn (ngoài cùng bên phải) tại lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho người dân huyện Quế Phong về phát triển cây bản địa.

Trở lại với cuộc thi Giáo viên dạy giỏi của Trường Đại học Vinh. Do đây là năm đầu tiên tổ chức nên bản thân anh và các đồng nghiệp trước khi tham gia cuộc thi rất lo lắng. Nhưng bằng những trải nghiệm thực tế, sự say mê nghề nghiệp và trách nhiệm với nghề, anh đã có được những bài giảng hấp dẫn, thuyết phục được học sinh và đồng nghiệp ghi nhận.

Ở Khoa Nông – Lâm – Ngư, thầy Toàn cũng được nhiều học sinh quý trọng. Đây cũng là khoa mà tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường tìm kiếm được việc làm đạt trên 90%. Bản thân thầy Toàn và các giảng viên trong khoa thì  luôn khuyến khích, tạo điều kiện để  sinh viên cùng phối hợp  thực hiện các dự án.

Một trong những dự án thành công đó là phối hợp với Công ty Oleco ở Hà Nội để đưa sinh viên sang thực tập và làm việc theo chương trình hợp tác nông nghiệp sạch ở Israel. Từ năm 2009 đến nay trên 200 sinh viên của khoa đã được làm việc tại nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới