Thêm một người Việt đến Nam Cực tham gia hành trình chống biến đổi khí hậu

Vào tháng 3.2016, Nguyễn Thị Thùy Vân, chuyên viên bộ phận Tư vấn Tài chính của Deloitte Việt Nam, đã tham gia hành trình “Leadership on the Edge” của Tổ chức 2041 xuất phát từ thành phố cực Nam của thế giới Ushuaia đến châu Nam Cực.

Thùy Vân và ông Robert Swan OBE - người đầu tiên đi bộ đến 2 cực của trái đất, Đại sứ thiện chí của LHQ về thanh niên, người sáng lập tổ chức 2041
Thùy Vân và ông Robert Swan OBE - người đầu tiên đi bộ đến 2 cực của trái đất, Đại sứ thiện chí của LHQ về thanh niên, người sáng lập Tổ chức 2041.

 Thùy Vân đi cùng với 140 thành viên tiêu biểu khác được tuyển chọn từ hàng ngàn hồ sơ đến từ khắp các quốc gia trên thế giới

Được sáng lập bởi ngài Robert Swan, đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc, đồng thời cũng là người đầu tiên trong lịch sử đi bộ đến 2 cực của trái đất vào những năm 1980, Tổ chức 2041 là một đơn vị đã vận động không mệt mỏi trong suốt 13 năm qua kể từ khi thành lập năm 2003 để nâng cao nhận thức của thế hệ lãnh đạo tương lai về các vấn đề biến đổi khí hậu, tầm quan trọng của bảo vệ châu Nam Cực trong bảo vệ khí hậu toàn cầu.
Trong hành trình, Vân đã được gặp gỡ, làm quen, hoạt động tập thể với các bạn bè quốc tế xuất sắc và cùng chí hướng. Các chuyên gia cũng được mời đến hành trình để các thành viên hành trình được học và trao đổi về các kỹ năng lãnh đạo, các kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu, và đặc biệt là được nghe trực tiếp Robert Swan kể về hành trình đi đến 2 cực trái đất của ông cùng những bài học quý giá ông nhận ra về bản thân mình cũng như về những người xung quanh, về trách nhiệm và sứ mệnh của ông đối với Nam Cực và thế giới nói chung. Các thành viên cũng có cơ hội chia sẻ với nhau những dự án mà họ đang theo đuổi. Có thành viên cảm hứng từ Hành trình “Leadership on the Edge” này đã tổ chức Hành trình đi lên các ngôi làng hẻo lánh trên dãy núi Himalaya để mang ánh sáng đến cho họ bằng những tấm pin mặt trời mà đoàn hành trình sẽ giúp lắp đặt. Có thành viên lại lập một dự án để chia sẻ câu chuyện về các nguồn nước trên thế giới để nâng cao nhận thức của người về bảo vệ nguồn nước uống.
Các tác động của biến đổi khí hậu càng tỏ rõ sự nguy hại trên diện rộng. Những năm gần đây, số lượng các siêu bão nhiệt đới tăng lên con số bao động ở tất cả các vùng đại dương trên thế giới là một trong những ví dụ rõ ràng nhất (*). Một trong những nguyên nhân chính của sự xuất hiện các siêu bão này là do thay đổi khí hậu; và cùng với hiện tượng nước biển dâng. Tương lai của các quốc gia nhiệt đới có đường bờ biển trong đó có Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Thùy Vân ở Nam Cực - Ảnh: Tổ chức 2041 cung cấp
Thùy Vân ở Nam Cực - Ảnh: Tổ chức 2041 cung cấp
Việt Nam với đường bờ biển dài và vùng đồng bằng sông Cửu Long trũng thấp được dự đoán là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 2 trên thế giới do nước biển dâng. Theo đó, người dân ở khu vực này (chiếm 26% dân số, tương đương với 23 triệu dân Việt Nam) sẽ chịu tác động trực tiếp. Theo các mô hình dự đoán về nước biển dâng, trong khoảng 100 năm nữa, nước biển sẽ dâng từ 1 m đến 7 m và sẽ dâng ở tốc độ ngày càng nhanh hơn. Ở tình huống nước biển dâng 1 m, chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 7 triệu dân phải di dời, và ở 2 m, con số đó sẽ tăng lên gấp đôi (**).
Băng phủ Nam Cực chiếm đến 70% nguồn nước ngọt trên toàn thế giới. Khoa học đã tính toán là nếu toàn bộ băng Nam Cực tan, nước biển sẽ dâng lên 61 m. “Nam Cực có ảnh hưởng lớn đến vấn đề nước biển dâng. Do đó, hành trình đến Nam Cực tuy xa nhưng lại là vấn đề rất gần gũi, thiết thực với Việt Nam. Kể từ 2009 khi 6 người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực trong hành trình chống biến đổi khí hậu cùng với tổ chức 2041, Việt Nam chưa có thêm một đại diện nào tham gia hành trình này, do đó tôi rất tự hào là một trong số ít cá nhân Việt Nam được lên tàu Ocean Endeavor tham gia hành trình năm 2016 đến vùng đất hoang dã cuối cùng của thế giới” - Vân chia sẻ.
Vân nhận được sự ủng hộ lớn từ đơn vị công tác, Deloitte khu vực Đông Nam Á và Deloitte Việt Nam, để thực hiện hành trình này. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của ngài Robert Swan là “Hiểm họa lớn nhất đối với hành tinh của chúng ta là sự tin tưởng rằng một ai đó khác sẽ hành động bảo vệ nó”; Deloitte, mặc dù là một doanh nghiệp trong lĩnh vực kiểm toán và tư vấn, luôn tin rằng việc tham gia vào hành động toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu là cần thiết và quan trọng. Nó không chỉ là một hoạt động có ý nghĩa cộng đồng lớn trong cam kết thực hiện Trách nhiệm xã hội (CSR) của Deloitte mà còn là một bước thiết thực để Deloitte, thông qua chia sẻ của Vân sau hành trình, giúp toàn thể các thành viên trong công ty cũng như cộng đồng xã hội, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của biến đổi khí hậu, những giải pháp và hành động, những xu hướng kinh doanh thân thiện với môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững. Năm 2016 là năm Deloitte Việt Nam kỷ niệm 25 năm thành lập (13.5.1991 – 13.5.2016) và việc hỗ trợ Vân thực hiện Hành trình Nam Cực ““Leadership on the Edge” là một điểm nhấn ý nghĩa, góp phần làm phong phú thêm chuỗi hoạt động Trách nhiệm xã hội của Deloitte Việt Nam trong suốt 1/4 thế kỷ qua.
(*) Vào tháng 11 năm 2013, bão Haiyan trở thành cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào đất liền mạnh nhất trong lịch sử ghi nhận được khi nó tàn phá Philippines với sức gió duy trì 305 km/giờ. Chỉ mới tháng 10 đây, cơn bão Patricia ở Đông Thái Bình Dương trở thành 1 trong những cơn bão nhiệt đới ghi nhận được khi nó đạt đến áp lực bề mặt tối thiểu là 872mb (thứ 2 trong lịch sử) với sức gió duy trì là 345 km/giờ (thứ nhất trong lịch sử). Và gần đây nhất, tháng 2.2016, bão nhiệt đới Winston đã quần thảo quốc gia đảo Fiji nằm ở nam Thái Bình Dương khi nó đi qua quần đảo với sức gió duy trì gần 300 km/giờ, đưa nó trở thành cơn bão Nam bán cầu mạnh nhất được ghi nhận và cơn bão đổ bộ đất liền mạnh thứ 2 tính toàn cầu. (Earth Story)
(**) Theo Columbia University Center for International Earth Science Information Network, the UN Refugee Agency
Theo Thanh Niên

Tin mới