Giấy phép lái xe sắp hết hạn bị tước khi vi phạm nồng độ cồn có được xin đổi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều người dân thắc mắc họ vi phạm nồng độ cồn bị tước giấy phép lái xe đúng vào dịp sắp hết hạn. Vậy khi hết hạn mà vẫn trong thời gian bị tước bằng, họ có xin cấp đổi được không?

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Xuyên Đông

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Xuyên Đông

Anh Hoàng Văn Tiến ở Hưng Yên hỏi: Giấy phép lái xe ôtô B2 của tôi sẽ hết hạn vào tháng 5.2024. Tuy nhiên, vừa qua tôi vi phạm nồng độ cồn bị tước 24 tháng (từ 2.2024). Vậy khi hết hạn (tháng 5.2024) tôi đi đổi giấy phép lái xe được không?

Trả lời vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, khoản 5 Điều 81 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về tước quyền sử dụng giấy phép trong lĩnh vực giao thông đường bộ như sau:

Trường hợp người có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng thời hạn sử dụng còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó ít hơn thời hạn bị tước thì người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định đối với hành vi vi phạm. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.

Do đó, việc Giấy phép lái xe sắp hết hạn vẫn có thể bị người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời hạn nhất định. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, người bị tước không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép lái xe.

Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn với xe máy:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Người vi phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6).

Mức phạt nồng độ cồn với ô tô như sau:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm c Khoản 8 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. (Điểm a Khoản 10 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).

Tin mới