Hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Đường sắt được công nhận di tích lịch sử Quốc gia

(Baonghean) - Sáng nay, 25/7, tại thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã diễn ra lễ đón nhận Bằng công nhận di tích Quốc gia Hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang đường sắt. 

Đến dự và phát biểu tại buổi lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Uỷ viên BTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Hữu Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, TGĐ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng lãnh đạo các sở, ban ngành và đông đảo nhân dân địa phương.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Đường trao Bằng công nhận di tích lịch sử Quốc gia Hang Hỏa tiễn và Nghĩa trang Đường sắt cho lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu.

Trong những năm đầu chống đế quốc Mỹ, ngày 27/4/1965, Bộ GTVT đã thành lập đơn vị C271, đội 27 “ba sẵn sàng” gồm 150 cán bộ, chiến sĩ và chuyển giao cho Tổng cục Đường sắt để bảo vệ tuyến đường sắt huyết mạch khu vực Thanh Hóa-Vinh. Sau khi tiếp nhận quân số TNXP chi viện cho ngành GTVT của Trung ương đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, những thanh niên ở độ tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống đến từ các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế... đã vào Hoàng Mai để làm nhiệm vụ. Đơn vị C271 được phân thành nhiều tổ đội, trong đó có Tổ 4 với 36 cán bộ, chiến sĩ (14 nam, 22 nữ) với nhiệm vụ khai thác đá để xây dựng đoạn đường sắt vào ga Hoàng Mai và khắc phục kịp thời các sự cố trên tuyến đường này khi bom Mỹ đánh phá.

Đơn vị C271 nói chung và Tổ 4 thanh niên xung phong nói riêng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên công trường với tinh thần “Đường chưa thông không tiếc máu xương”, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, tặng cờ thi đua trong toàn quân.
 
Khoảng 9h sáng ngày 28/4/1966, Tổ 4 thuộc đơn vị C271 đang vận chuyển những khối đất đá để hoàn thành đoạn đường ray còn lại thì bất ngờ bị máy bay Mỹ ném bom, bắn rốckét khiến 33 TNXP đang trú ẩn trong hang đã bị bom đánh sập cửa hang khiến toàn bộ hy sinh. Đến năm 2003, toàn bộ 33 TNXP hy sinh tại hang Hỏa Tiễn (còn gọi là hang Khỉ) đã được Nhà nước công nhận là Liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Và đến hôm nay, ngay chính mảnh đất một thời lửa đạn này, nơi 33 chiến sĩ TNXP đã ngã xuống đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, trở thành nơi lưu niệm truyền thống cho thế hệ mai sau.

 Thắp hương tưởng niệm 33 liệt sĩ TNXP tại hang Hỏa Tiễn.

Trước đó, ngày 27/04/2011 Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 1410/ QĐ - BVHTTDL công nhận hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sĩ đường Sắt (thuộc thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu) là di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Ngọc Thái

Tin mới