Hàng tồn nhiều, rớt giá mạnh

(Baonghean) - Dịp Tết Qúy Tỵ tiết trời nắng ấm nên thị trường nhiều loại hàng hóa phục vụ Tết sức mua giảm. Nhiều mặt hàng trước Tết được tiểu thương hét giá cao nhằm “chém khách”, nhưng sau Tết đã rớt giá mạnh. Nhìn chung, cơ hội kinh doanh đã không đến đối với nhiều doanh nghiệp và dân doanh...

Một cái Tết “ế ẩm toàn diện” đối với các hộ dân doanh đã qua đi, nhưng hi vọng ra Tết dù không “chạy” hàng nhưng vớt vát được về giá cả cũng vụt tắt. Chủ tiệm quần áo thời trang Sunny trên đường Nguyễn Văn Cừ - TP Vinh, cho biết: “Hai năm nay kinh doanh lỗ nặng. Trước Tết tôi gom tiền mấy chục triệu đầu tư áo ấm, váy thời trang giờ đây tồn cả loạt, phải bán hạ giá 60% để cứu vốn. Hầu hết cửa hàng bán quần áo hai năm nay đều thua lỗ”. Chủ cửa hiệu quần áo D&T trên đường Lê Hồng Phong chỉ vào lượng áo quần ấm đang đầy ắp cho hay: “Chưa năm nào hàng ế ẩm như năm nay, quần áo nhập về hàng trăm triệu đồng, trước Tết không bán được, ra mồng 2 Tết tôi đã mở cửa hàng nhưng chỉ bán lác đác được vài cái cho sinh viên về quê ăn Tết. Những năm trước ra Tết, hàng bán rất chạy do người dân có tiền nhưng bận rộn trong Tết không có thời gian để mua. Năm nay thì có lẽ mở cửa hàng lấy ngày cho vui thôi!”. Chủ cửa hàng này còn cho biết thêm: “Giờ bọn tôi phải bán giảm giá mạnh, bởi hàng thời trang chỉ theo mùa”. Ở các chợ như chợ Ga, chợ Vinh, chợ Đại học, do trời nắng, hầu hết các quầy quần áo Tết vắng hoe.

Tìm hiểu mặt hàng sứ ở siêu thị Hương Giang.

Thị trường trái cây như cam, xoài ra Tết vẫn bế đầu ra. Dọc đường Lê nin, đường Quang Trung, từng đống cam, xoài bày bán bên vệ đường dù ra Tết đã 10 ngày, điều không thấy trong những năm trước. Các nhà vườn một năm chăm bẵm hàng để bán Tết giờ bán không được đành bán đổ, bán tháo, song người dân không mặn mà mua hàng bởi không có nhu cầu. Trong Tết giá trái cây tăng cao do tiểu thương “chặt chém”: chuối thờ 150.000 – 250.000 đồng/nải, bưởi da xanh: 75.000 đồng/kg, quýt đường 50.000 đồng/kg... Nhiều người dân đã phát hiện ra những loại xoài mới mua mấy ngày đã thối từng mảng do tẩm thuốc, quất không bao giờ hỏng, nho cũng của Trung Quốc... nên họ ngại mua trái cây dùng ngày Tết, càng khiến cho trái cây phục vụ Tết tồn đọng lượng lớn ra ngoài Tết.

Thị trường bia rượu là mặt hàng giá tăng cao trong Tết do trời nắng ấm, nhưng cũng là sự tăng “cảm tính” của tiểu thương, của các khâu trung gian. Giá bia rượu thời điểm Tết Qúy Tỵ tăng nhẹ từng ngày, cụ thể: bia Heniken 24 lon/két: 400.000 đồng/két,; bia Tiger: 280.000 đồng/hộp; bia 333:200.000 đồng/két; Bia chai Sài Gòn xanh: 190.000 đồng/két, bia Hà Nội tết (loại có trúng thưởng) 24 lon/két mức 240.000 đồng/két. Rượu vang trắng Đà Lạt 65.000 đồng/chai (750ml), rượu Whisky 750 ml Scotland 751.500 đồng/chai... Ra Tết, đã mồng 10 âm lịch, các quầy hàng này vẫn bày ngồn ngộn từng chồng két bia Hà Nội, Sài Gòn... do nhập quá nhiều về bán không chạy. Các cửa hàng này mở cửa sớm hi vọng ra Giêng phục vụ nhu cầu đi thăm nhau, đi chơi Tết nhưng theo họ thì sức mua năm nay rất yếu.

Ổn định và không biến đổi giá từ Tết cho đến ra Tết có lẽ là hàng lương thực, vật liệu xây dựng, xăng dầu, gas. Một số mặt hàng gia dụng như điện tử, điện lạnh, sứ, chén bát cũng tiêu thụ không mạnh. Chị Nguyễn Thanh Loan- Quản lý Siêu thị Hương Giang, cho hay: Sát Tết, Công ty CP DVTM Hương Giang đã chuẩn bị hàng gia dụng đầy đủ các loại được nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản gồm: bếp từ, bếp gas, lò vi sóng, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, gốm sứ cao cấp nhưng tiêu thụ rất chậm. Ra Tết lại thấy có khách đến mua hàng điện tử, điện lạnh, chén bát... do họ tích lũy được tiền.

Những năm trước, ra tết thị trường thực phẩm tăng giá cao, nhưng năm nay, thịt các loại và rau củ quả giảm mạnh, trở về giá thời điểm tháng 1/2013. Thịt bò 220.000 đồng/kg, rau cải 2.000 đồng/bó. Các siêu thị và các chợ ế nặng nề các mặt hàng giò, măng khô, miến, mộc nhĩ...

Quầy hàng thực phẩm ở siêu thị sau Tết.

Dễ dàng nhận thấy ở Thành phố Vinh cửa hàng, cửa hiệu mọc lên san sát, sầm uất trong những năm qua. Hàng hóa chỉ có thể bán chạy khi sản xuất kinh doanh phát triển, nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế, kinh doanh dịch vụ trở thành yếu thế bởi đây là mắt xích “ăn theo”. Nhà hàng, quán ăn, các cơ sở giải trí, các cửa hàng dịch vụ khác... đều vắng khách, chủ yếu do tiền mặt trong người dân khan hiếm. Thế nhưng cũng dễ nhận ra là nhiều người đã không “thức thời”, vẫn nhập hàng về nhiều, không lường trước được nhu cầu thị trường, dẫn đến ế ẩm. Hoặc họ vẫn chuyên một mặt hàng cao cấp, chọn lọc trong khi “túi tiền” của người dân không cho phép. Không ít tiểu thương dịp sát tết hét giá quá cao (bia, rượu, trái cây, thực phẩm...) nên không bán hết hàng, để phải đổ bỏ hoặc bán tháo. Hàng nhập về nhiều không bán được tất sẽ đọng vốn, nợ nần càng khó khăn trong năm nay. Kinh doanh đối với nhiều người vẫn nặng về may rủi, lẽ ra họ cần nhiều thông tin hơn. Bên cạnh đó, giá thuê cửa hàng, cửa hiệu, giá thuê đất quá cao, dẫn đến giá hàng hóa cao cũng là một nguyên nhân hàng hóa ở TP. Vinh giá kém cạnh tranh so với các tỉnh, thành khác.

Bài, ảnh: Châu Lan

Tin mới