Hệ thống cảng biển: Đầu tư thiếu đồng bộ

(Baonghean) - Phát triển ngành vận tải biển là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giảm tải cho đường bộ. Tuy nhiên, ở tỉnh ta chỉ có Cảng Cửa Lò là cảng biển thương mại đang khai thác có hiệu quả. Còn lại, phần lớn các dự án đầu tư xây dựng cảng biển đều trong quá trình xây dựng nhưng tiến độ rất chậm. Hạ tầng kỹ thuật cảng biển đầu tư chưa đồng bộ đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế trên địa bàn. 

Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cửa Lò.
Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cửa Lò.
Đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển là một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế biển ở tỉnh ta. Vì vậy, hiện nay, cùng với việc đầu tư nâng cấp Cảng Cửa Lò, thì Cảng nước sâu ở Nghi Thiết (Nghi Lộc) và Cảng Đông Hồi (Hoàng Mai) cũng đang triển khai. Ở tỉnh ta, Cảng Cửa Lò là một trong những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An. Để tạo được động lực phát triển cho tỉnh ta cũng như các vùng lân cận, Chính phủ đã quy hoạch nơi đây trở thành cảng đầu mối quốc gia loại 1. Để đáp ứng được yêu cầu đó, Cục Hàng hải và Công ty TNHH 1TV Cảng Nghệ Tĩnh đang tích cực thúc đẩy dự án mở rộng thêm bến tàu số 5, 6.
Dự kiến, mỗi cầu tàu có chiều dài là 200m, sâu – 7,5m đón tàu có trọng tải từ 10 – 15 nghìn tấn và sẽ đáp ứng kịp thời cho nhu cầu vận tải hàng hóa thông qua Cảng Cửa Lò. Tuy nhiên do nhiều yếu tố, nên Dự án Nâng cấp Cảng Cửa Lò triển khai rất chậm, để thúc đẩy tiến độ dự án này, tỉnh hiện đang vận động, mời doanh nghiệp Thành Lễ (Bình Dương) đầu tư Dự án Nâng cấp Cảng Cửa Lò. Theo đó, doanh nghiệp Thành Lễ sẽ đầu tư xây dựng từ bến tàu số 6 kéo dài ra phía biển. Vừa qua, doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát thực tế và chuẩn bị các thủ tục cần thiết để khởi động dự án.
 Để bảo đảm tính bền vững, an toàn cho tàu trọng tải lớn, Cảng Nghệ Tĩnh đang khởi động dự án nâng cấp luồng. Theo đó sẽ đầu tư để nối dài kè phía nam của cảng thêm 250m và tiến hành nạo vét luồng sâu - 7,5 đến - 8m… Hiện nay, tại Cảng Cửa Lò đã có thêm Công ty vận tải biển Đại Tây Dương đầu tư đưa 2 tàu vận tải biển vào hoạt động và Công ty vận tải biển Biển Đông đưa vào khai thác 1 tàu. Ông Bùi Kiều Hưng, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH 1TV Cảng Nghệ Tĩnh cho biết: “Trước đây, 1 tháng chỉ có 3 chuyến tàu biển khai thác tuyến nội địa là Cửa Lò – Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh. Nhưng hiện nay, bình quân gần 2 ngày có 1 chuyến tàu nội địa, rất thuận lợi cho các doanh nghiệp tại Nghệ An và các vùng lân cận khi có hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.
Thực hiện chủ trương phát triển vận tải biển nội địa, Cảng Nghệ Tĩnh đã xây dựng phương án hoạt động phù hợp, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thêm tàu vào khai thác tuyến mới là Cửa Lò - Hải Phòng”. Tại Cảng Cửa Lò, để đáp ứng nhu cầu vận tải, bốc xếp hàng hóa của khách hàng, cũng đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại như: cần cẩu chân đế; cẩu hạng nặng; xe nâng Container; máy xúc; máy ngoạm; tàu lai dắt; hệ thống kho kín… Hiện nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Cảng Cửa Lò có thể đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. 
Một dự án đầu tư cảng biển (cảng thương mại) ở tỉnh ta thu hút được sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như của người dân, đó là Cảng nước sâu (do Công ty vận tải biển Quốc tế ITID làm chủ đầu tư). Từ năm 2009, tỉnh đã giao Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam thuê tư vấn, nghiên cứu quy hoạch chi tiết và dự án đã khởi công từ cuối năm 2010. Vị trí xây dựng cảng là giữa mũi Rồng và mũi Gà thuộc xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) với các hạng mục chính: đê chắn sóng, bến cầu tàu, cầu dẫn, luồng tàu và hệ thống văn phòng làm việc, kho chứa hàng, các thiết bị… Dự án có tổng đầu tư hơn 490,7 triệu USD, được chia thành 3 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng trên diện tích 20 ha, 2 bến bảo đảm tàu 30 - 50 nghìn tấn cập cảng an toàn, năng lực bốc xếp 3,5 - 4 triệu tấn/năm. Cảng xây dựng xa bờ ở độ sâu - 10m, tách biệt với khu hậu phương cảng, liên kết giao thông giữa 2 khu vực là tuyến cầu dẫn và đường dẫn dài khoảng 3,5km.
Đây là công trình trọng điểm và hiện đại, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội không chỉ đối với tỉnh Nghệ An mà của nước bạn Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Nhưng đến nay, tiến độ vẫn rất chậm. Ông Phan Xuân Hóa – Phó trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam cho biết: “Để phục vụ cho dự án Cảng nước sâu, BQL KKT Đông Nam đã đầu tư thực hiện dự án làm đường giao thông D4 dài hơn 7 km với tổng vốn đầu tư 550 tỷ đồng nối từ Quốc lộ 1A - Nghi Thiết và đến khu vực cảng nước sâu. Các cấp, ngành ở tỉnh ta rất tích cực vào cuộc, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án cảng nước sâu đầu tư xây dựng. Nhưng chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tài chính vẫn chưa triển khai, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và phát triển kinh tế biển của tỉnh”.
Cũng nằm trong chiến lược phát triển hệ thống cảng biển ở Nghệ An, tại  TX.Hoàng Mai đang triển khai dự án Cảng biển Đông Hồi. Với mục đích đầu tư xây dựng cảng chuyên dùng, phục vụ việc vận chuyển hàng hóa cho các KCN tại TX.Hoàng Mai, Quỳnh Lưu và các nhà máy sản xuất có quy mô lớn ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… nên chủ đầu tư là Tổng Công ty CN Xi măng Việt Nam (Vicem) đang rất quyết tâm đầu tư dự án quan trọng này. Sau khi hoàn thành, Cảng Vicem Đông Hồi sẽ đón được tàu có trọng tải 50.000 tấn, có thể đạt 80.000 tấn ra vào và thời gian hoạt động là khoảng 300 ngày/năm. Ngoài việc phục vụ cho các đơn vị của Vicem, Cảng Đông Hồi còn bảo đảm hỗ trợ các đơn vị khác có nhu cầu vận chuyển hàng hóa thông qua cảng. Dự kiến, tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng và được chia thành 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1, đầu tư từ năm 2014 – 2015 với mức đầu tư 3.000 tỷ đồng. Hiện nay, Vicem đang đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn chỉnh báo cáo đầu tư xây dựng công trình. Cũng nhằm thúc đẩy việc phát triển hạ tầng tại khu vực Cảng Đông Hồi, hiện nay, Công ty Thanh Thành Đạt đang triển khai dự án làm đường giao thông nối từ đường Nghĩa Đàn - Đông Hồi với Cảng Đông Hồi. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng tham gia đầu tư xây dựng cảng biển tại Đông Hồi.
 Tỉnh ta có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành vận tải biển, tuy nhiên, hệ thống cảng biển chưa được đầu tư kịp thời và phần lớn các dự án thuộc lĩnh vực này đều chậm tiến độ. Bởi vậy, trong thời gian tới, các cấp, ngành liên quan cần quan tâm, đầu tư kịp thời để Nghệ An sớm khai thác, phát triển được lợi thế về kinh tế biển.
Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh

Tin mới