Học sinh vùng cao bỏ học: Bài 2 - Đi tìm nguyên nhân

(Baonghean) - Tình trạng học sinh bỏ học gia tăng ở các huyện miền núi đang là vấn đề nhức nhối của ngành Giáo dục. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

 

--> Xem Bài 1 - Thực trạng báo động

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Con Cuông, nguyên nhân dẫn đến học sinh bỏ học là vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên sau Tết Nguyên đán, nhiều em có sức khỏe đã bỏ học theo anh chị vào miền Nam làm ăn, hoặc đi Quỳ Hợp khai thác quặng.


Nhưng theo chúng tôi tìm hiểu tại một số địa phương, ngoài nguyên nhân chính trên còn có nhiều lý do khác nữa. Theo ông Lộc Phương - Bí thư Chi bộ bản Mọi xã Lục Dạ khẳng định, căn nguyên của học sinh bỏ học là do 2 vấn đề: Điều kiện khó khăn, cha mẹ thiếu quan tâm và lực học yếu, không tiếp thu được bài, dẫn đến các em chán nản.

Chúng tôi đã tìm đến nhà bà Lê Thị Thanh, dân tộc Đan Lai ở bản Mọi, là phụ huynh của học sinh Vi Văn Nọi - một trong những học sinh thuộc diện đang có nguy cơ bỏ học. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Thanh bộc bạch: "Nhà có 4 người con, nhưng 2 đứa đầu cũng bỏ học giữa chừng khi lên lớp 8 để đi làm thuê. Nọi là con thứ ba trong gia đình, vài năm trước nó chăm học lắm, nhưng thời gian gần đây do bạn bè lôi kéo, rủ rê đi chơi nên bỏ học suốt". Cạnh nhà bà Thanh là gia đình bà La Thị Hoa, mẹ của học sinh La Văn Hùng cũng là học sinh thuộc diện đang có nguy cơ bỏ học.

Tiếp chuyện, mẹ con bà Hoa nói: "Cháu nó học cũng hiểu bài, nhưng do đường xa, nhà trường lại không có nhà nội trú nên đi lại vất vả, do vậy những lúc trời mưa rét là cháu bỏ học". Ngay cả anh trai của Hùng là La Văn Tuấn cũng bỏ học khi lên lớp 6 để đi làm thuê. Trong bản Mọi có cháu Trần Thị Hà, đang học lớp 7, Hà cho biết, nhà trường không có nhà nội trú nên hàng ngày cháu phải đạp xe đến trường rồi lại về vất vả lắm.


Theo ghi nhận của chúng tôi, bản Mọi có tới 90% số hộ thuộc diện nghèo, do vậy không phải gia đình nào cũng sắm được cho con chiếc xe đạp để đi học. Đó là chưa nói đến tiền sửa chữa xe mỗi khi hư hỏng. Không những bản Mọi, mà hầu hết số bản xa trung tâm xã của vùng miền núi này đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chính vì thế, việc tạo chỗ ở cho học sinh nội trú là rất quan trọng.


Thầy giáo Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lục Dạ cho biết: "Hiện tại có 113/420 học sinh của trường là con em các bản xa trường có nhu cầu ở nội trú: bản Mọi, Yên Hòa, Lục Sơn... nhưng vì không có nhà nội trú nên các em phải đi, về trong ngày".


Còn tại Tương Dương, khi biết chúng tôi không phải thầy cô hay cán bộ phòng Giáo dục đến để "bắt" mình trở lại lớp, em Lo Văn Sao ở bản Văng Môn (Nga My) có phần cởi mở hơn. Sao nói: "Em cũng muốn đi học, nhưng vì nhà nghèo phải ở nhà giúp cha mẹ làm rẫy. Nếu có điều kiện đi học năm nay em cũng vào cấp 3 rồi."


Còn nguyên nhân bỏ học của học sinh Ngân Thị Mơ ở bản Xoóng Con xã Lưu Kiền (Tương Dương) đơn giản là do "học không vào nữa". Em không còn thấy hào hứng từ những giờ giảng bài, thế là bỏ học. Với Mơ, việc bỏ học không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống bản thân. Theo Mơ, con gái lớn rồi thì kiếm việc làm hoặc lấy chồng để ổn định cuộc sống. Suy nghĩ có vẻ già trước tuổi của Mơ cũng là quan niệm chung của nhiều người ở bản Xoóng Con. Trưởng bản Xoóng Con, ông La Văn Thi nói rằng: "Dân ở đây đi học với mong muốn sau này làm cán bộ. Nếu cảm thấy con em họ không làm được cán bộ thì cho thôi ngay."


Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính của việc trẻ em vùng cao cũng như các bậc phụ huynh ở đây không thiết tha với việc học vẫn là vấn đề kinh tế. Chính các bậc cha mẹ nhiều khi cũng phải vất vả kiếm cái ăn cho gia đình nên họ dễ dàng chặc lưỡi buông xuôi khi con cái thôi học, tìm đến các bãi vàng hay cả những miền đất xa xứ để kiếm tiền.


Ông Hồ Duy Thịnh - Phó phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, cho biết: "Những khoản hỗ trợ cho học sinh vùng cao theo Nghị định 112 của Chính phủ được chi trả theo từng học kỳ, trong khi học sinh lại cần đến những khoản tiền này cho những sinh hoạt hàng ngày.

Thêm nữa, những khoản chi này lại được giải ngân theo năm tài chính, không trùng với năm học của học sinh. Chính vì thế mới có hiện tượng học sinh cuối cấp khi đã chuyển cấp vẫn chưa nhận đươc trợ cấp. "Điều này gây hiểu lầm trong phụ huynh học sinh. Một số phụ huynh học sinh đã tìm đến cán bộ giáo dục huyện khiếu nại khi con em họ đã lên THPT nhưng vẫn chưa nhận đủ khoản trợ cấp".

Xuân Hoàng - Hữu Vi

Tin mới