Hơn 51% sinh viên tại 3 đại học được khảo sát từng bị quấy rối tình dục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
51,8% sinh viên tại 3 trường được khảo sát cho biết từ đầu năm học 2021-2022 đến nay đã từng trải nghiệm ít nhất một trong những biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục.

Số liệu được chia sẻ từ khảo sát về tình hình an toàn của sinh viên trong nhà trường trong khuôn khổ dự án “Khuôn viên trường đại học an toàn” được thực hiện tại 3 trường Đại học ở miền Bắc. Chương trình do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhằm xóa bỏ bạo lực giới bao gồm quấy rối tình dục tại các trường đại học.

Cụ thể, với sinh viên, có 944 sinh viên (chiếm 51,8%) được khảo sát ở cả 3 trường đại học đã từng trải nghiệm ít nhất một trong những biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục.

Trong đó, số sinh viên nữ bị quấy rối tình dục chiếm tỷ lệ cao hơn sinh viên nam ở tất cả các biểu hiện và hình thức quấy rối tình dục khác nhau.

Cụ thể, với các biểu hiện khác nhau của các hình thức quấy rối tình dục được khảo sát (gồm bằng lời nói, bằng hình ảnh, bằng hành vi động chạm trực tiếp, phô dâm,...) số lượng sinh viên nữ báo cáo đã từng bị quấy rối cao hơn hẳn so với sinh viên nam, với tổng số 812/944 sinh viên (chiếm tỉ lệ 86%).

Người có hành vi quấy rối tình dục bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)

Người có hành vi quấy rối tình dục bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)

Ở dạng quấy rối tình dục bằng lời nói (như: có những lời tán tỉnh, làm quen, những cử chỉ, nhận xét hoặc trò đùa khêu gợi tình dục khiến bạn cảm thấy khó chịu) có tới 315 sinh viên nữ báo cáo, trong khi số sinh viên nam trải nghiệm dạng bạo lực này chỉ có 23 em.

Với trải nghiệm hành vi phô dâm và quấy rối tình dục bằng hình ảnh (như cho xem hoặc gửi cho những hình ảnh, video tình dục mà bạn không muốn xem hoặc không muốn nhận), số lượng sinh viên nữ cũng bị quấy rối cao hơn với 140 em, trong khi sinh viên nam chỉ là 15 em.

Với cán bộ, giảng viên, có 30,2% (105/350 cán bộ, giảng viên) ở cả 3 trường đã từng trải nghiệm ít nhất một trong các hành vi quấy rối tình dục.

Ngoài ra, cả sinh viên và cán bộ, giảng viên đều đã từng bị các hình thức bạo lực khác nhau như: bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục; trong đó bạo lực tinh thần là nhiều nhất.

Theo đánh giá chung của cả sinh viên và giảng viên, các hình thức bạo lực và quấy rối tình dục không phổ biến và không phải là vấn đề đáng lo ngại ở cả 3 trường đại học được khảo sát.

Tuy nhiên, cả sinh viên và giảng viên đều lo ngại về sự không an toàn với một số địa điểm trong trường đại học như: đường về ký túc xá, cổng trường và sân vận động. Trong khi đó giảng đường, thư viện và ký túc xá là những địa điểm có sự an toàn rất lớn với sinh viên và cán bộ, giảng viên cả trong và ngoài giờ hành chính.

Địa điểm mà sinh viên ở cả 3 trường có sự đánh giá không an toàn nhất cả trong (32.9%) và ngoài giờ hành chính (52.6%) là đường về kí túc xá; tiếp theo đó là cổng trường khi được đánh giá trong giờ hành chính (26.6%) và ngoài giờ hành chính (39.6%).

Đáng chú ý, có tới 51% sinh viên được khảo sát không biết có phòng tham vấn tại nhà trường.

Theo đó, nhóm khảo sát cũng đề xuất Bộ Giáo dục – Đào tạo cần ban hành quy tắc ứng xử chung nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khuôn viên trường đại học và thống nhất triển khai trong cả nước.

Cùng đó, tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan để tham vấn, biên soạn và ban hành quy chế xử phạt những hành vi bạo lực, quấy rối tình dục trong môi trường đại học.

Với các trường đại học, nên có kế hoạch và tăng cường tổ chức các khóa tập huấn, talkshow cho sinh viên để nâng cao hiểu biết của các em về bạo lực tình dục và cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực. Cần xây dựng phòng tham vấn tâm lí ở tất cả các trường nhằm hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho sinh viên và giảng viên.

Cùng đó, nên ban hành các quy tắc ứng xử và cả qui trình tiếp nhận, xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi bạo lực, nhất là bạo lực tình dục trong sinh viên và giảng viên để sinh viên chủ động, tự tin khi báo cáo các ca bạo lực tình dục khi là người chứng kiến hoặc bị bạo lực. Ngoài ra, cần lắp camera ở khu vực không an toàn để có thể phát hiện, bảo vệ thường xuyên.

Tin mới