HTX và vai trò vệ tinh cho doanh nghiệp ở Nghệ An

(Baonghean) - Nhiều HTX ở Nghệ An hiện nay nhận thức được muốn hoạt động ổn định, hiệu quả, thì cần thiết phải trở thành "vệ tinh" cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp đồng hành với HTX 

Hiện nay, trên địa bàn một số huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu… nhiều HTX đã có sự phối hợp với công ty, doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho xã viên.

Tuy nhiên mới ở mức liên kết, phối hợp chứ chưa nhận làm “vệ tinh” cung cấp nguyên liệu đầu vào thành quy trình sản xuất khép kín một cách rõ nét. Đó chủ yếu là các HTX sản xuất nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa giống, mang lại lợi nhuận cao hơn so với sản xuất lúa thương phẩm. 

Vườn cam, bưởi 2 năm tuổi của HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5 (Nghĩa Đàn). Ảnh: Xuân Hoàng
Vườn cam, bưởi 2 năm tuổi của HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5 (Nghĩa Đàn). Ảnh: Xuân Hoàng

HTX Chăn nuôi VietGAP xã Diễn Trung là một trong những HTX ở huyện Diễn Châu làm “vệ tinh” cho doanh nghiệp từ nhiều năm nay nhưng chưa trọn vẹn. Bởi lẽ, theo ông Đậu Ngọc Hòa - Giám đốc HTX này cho biết: Mặc dù đã có sự liên kết với doanh nghiệp để cung ứng thức ăn, con giống… bao tiêu sản phẩm nhưng đến nay HTX mới có 62/142 hộ xã viên chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp, phần nhiều số thành viên đang chăn nuôi theo hướng tự do. 

Làm “vệ tinh” cho doanh nghiệp hiện nay rõ nét nhất có thể nói đến HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5 trên địa bàn xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn. Mặc dù chưa có thu nhập, nhưng bước đầu cho thấy đây là HTX hoạt động có sự đầu tư, trách nhiệm thực sự của mỗi thành viên.

Ông Trần Công Ninh - Giám đốc HTX cho biết: HTX thành lập năm 2016 với 28 thành viên làm nông nghiệp trong và ngoài xã. Các thành viên tự nguyện chung đất, tạo thành vùng sản xuất tập trung, ngoài ra còn góp vốn đầu tư toàn bộ quy trình sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP. Với 31,5 ha đất, HTX đang trồng các loại cây ăn quả: Cam Xã Đoài lòng vàng, bưởi Diễn, na Thái, bơ…

Toàn bộ diện tích cây ăn quả đều được đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt Israel, đầu tư chăm sóc đúng quy trình VietGAP. Sau khi HTX đi vào hoạt động, Công ty Sữa TH đã nhất trí HTX làm “vệ tinh” cho công ty. Theo đó, phía TH đã có hỗ trợ phân bón hữu cơ, kiến thức KHKT và tới đây sẽ hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho những vườn cây ăn quả của HTX chưa có hệ thống tưới nhỏ giọt. Do vậy, các thành viên của HTX yên tâm sản xuất, mạnh dạn đầu tư nhiều hơn nữa.

Hiện HTX đang ươm cây bơ giống, tới đây sẽ cung ứng cho các thành viên trong HTX và một số HTX trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn để phát triển diện tích bơ hàng hóa theo quy hoạch của UBND huyện. Đây cũng là đầu vào nguyên liệu của nhà máy chế biến hoa quả tươi của Công ty TH đang đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. 

Anh Trần Văn Tiến, thành viên HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5 cho hay: “Làm nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây ăn quả, vấn đề quan trọng nhất là khâu tiêu thụ, do vậy sau khi được Công ty Sữa TH nhận bao tiêu sản phẩm cho HTX, ngoài 1 ha trồng cam tập trung tại HTX, anh quyết định trồng thêm 1 ha bơ thay thế cây cao su để cung cấp nguyên liệu cho TH. Gia đình anh Tiến đã đăng ký với ban quản lý HTX 350 cây bơ giống, sẽ triển khai trồng vào đầu năm 2018”.  

Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt Israel tại HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5. Ảnh: Xuân Hoàng
Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt Israel tại HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo ông Trần Công Ninh - Giám đốc HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5, để HTX làm “vệ tinh” cho doanh nghiệp đòi hỏi phía HTX phải sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP trở lên. Do vậy, HTX phải có vốn đầu tư vào công nghệ sản xuất, đây là yếu tố khó khăn nhất bởi hầu hết các HTX hiện nay đều thiếu vốn.

Như HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5 mới thành lập 2 năm nhưng đã đầu tư tới 16 tỷ đồng để lắp đặt công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, làm nhà lưới ươm cây giống, hạ tầng cơ sở... cho hơn 13 ha của 10 thành viên sản xuất tập trung, còn hơn 18 ha cây ăn quả trồng ở 18 hộ thành viên HTX trong và ngoài xã chưa lắp đặt được hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa, do điều kiện kinh tế khó khăn.

Điều đó để nói rằng, ngoài sự đam mê làm nông nghiệp của các thành viên, phía doanh nghiệp và Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ vay vốn thì xã viên HTX mới có điều kiện đầu tư. 

Cần nhân rộng mô hình

Ông Lâm Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghĩa Đàn cho biết: Về lâu dài, các HTX cần làm “vệ tinh” cung cấp nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp để hai bên cùng phát triển. Việc tham gia “vệ tinh” cho doanh nghiệp sẽ giúp cho các HTX và xã viên có động lực đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị và liên kết trong các khâu làm tăng năng suất, sản lượng sản phẩm. Đồng thời các thành viên sẽ yên tâm về nguồn đầu ra cho sản phẩm và thu nhập ổn định.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, phần lớn các HTX của tỉnh năng lực hạn chế, số HTX hoạt động có hiệu quả mới đạt 53%, lợi ích mang lại cho các xã viên chưa nhiều. Trình độ năng lực chuyên môn của Ban quản lý còn hạn chế. Các HTX phần lớn thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về vốn nên chưa mở rộng được quy mô sản xuất, chưa áp dụng nhiều KHKT vào sản xuất, thu nhập của thành viên còn thấp...

Nhiều HTX mặc dù đã được chuyển đổi nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa có khả năng cạnh tranh của kinh tế hộ thành viên, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Và theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, tính đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có 618 HTX; trong đó, số HTX hoạt động có hiệu quả 327 HTX, chiếm 53%, còn lại là hoạt động trung bình và kém hiệu quả. 

Trong khi hầu hết các HTX chưa đủ năng lực đầu tư khép kín từ khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm cũng như lợi nhuận cho thành viên, thì nên đầu tư quy trình sản xuất để làm “vệ tinh” cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp. Đây chính là yếu tố để khẳng định sự năng động và năng lực của HTX hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Tin mới