Hướng đi bền vững cho lao động nông thôn

(Baonghean) - Trong nhiệm kỳ qua tỉnh ta có 35.660 lao động được giải quyết việc làm. Qua đó đã góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo hằng năm 3,7%/năm mục tiêu giảm 2%/năm. Đây cũng là con số phản ánh sự nỗ lực của cấp ủy địa phương, các cấp, các ngành, và từ chính các lao động trong việc tìm hướng đi xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững.
Xã Nam Thành là địa phương có nhiều trang trại và các dịch vụ tổng hợp vào bậc nhất huyện Yên Thành. Theo ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã thì Nam Thành có 48 cơ sở vật liệu xây dựng, 16 tổ mộc, nề, 13 trang trại VAC, 24 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 3 công ty TNHH, 108 của hàng dịch vụ nhỏ lẻ, 18 cơ sở dịch vụ sản xuất nông sản... Những mô hình kinh tế này đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. 
Trang trại của anh Nguyễn Hữu Kiên, xóm Long Thành, xã Nam Thành (Yên Thành) cho thu nhập 4,5 tỷ đồng mỗi năm.
Trang trại của anh Nguyễn Hữu Kiên, xóm Long Thành, xã Nam Thành (Yên Thành) cho thu nhập 4,5 tỷ đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Hữu Kiên, xóm Long Thành - Nam Thành là chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có tiếng trong vùng cho biết: Hiện trang trại của anh có tới 5.000 con vịt siêu trứng và 135 con lợn siêu nạc. Mỗi ngày trang trại của anh xuất 3.200 quả trứng, hàng tạ thịt lợn hơi và hàng trăm con vịt, cung cấp cho các nhà hàng, cơ sở chế biến từ Hà Tĩnh đến Thành phố Vinh và một số xã lân cận. Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm này giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Tại cơ sở dịch vụ nông sản của anh Nguyễn Đăng Thắng ở xóm Vĩnh Thành, chuyên thu mua lúa của các hộ trong vùng và xuất đi các tỉnh phía Bắc với năng suất 200 tấn/ngày, giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên và khoảng 30 lao động thời vụ với mức thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở này không những tạo việc làm cho con em mà còn giúp nông dân trong vùng bao tiêu sản phẩm lúa gạo, nâng thương hiệu gạo hàng hóa Yên Thành. 
Xã Nam Thành được biết đến là địa phương có nhiều nỗ lực trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Sau khi có chủ trương của cấp trên về giải quyết việc làm cho lao động địa phương, Đảng bộ xã đã có nghị quyết chuyên đề giao UBND xã xây dựng đề án, kế hoạch phù hợp, sát thực với điều kiện của địa phương. Từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2015, xã Nam Thành đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 345 lao động với các nghề chủ yếu như hàn, gò mộc, sửa chữa xe máy, kỹ thuật làm giống lúa, chăm bón phòng trừ sâu bệnh hại lúa, chăn nuôi thú y, mây tre đan xuất khẩu. Ngoài ra xã còn có 400 - 500 lao động được đào tạo nghề may công nghiệp. Xã đã tích cực phối hợp với Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT về trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân, trồng cây ớt cay xuất khẩu, nấm rơm, mộc nhĩ, nấm sò cho gần 200 lao động. Xã đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách trên 10 tỷ đồng, NHNN huyện trên 7 tỷ đồng. 
Ở Yên Thành, cùng với việc tạo điều kiện cho lao động địa phương được chuyển giao KHKT, vay vốn SXKD, tạo điều kiện về quỹ đất để thành lập các trang trại, gia trại, huyện còn triển khai thành công đề án hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn. Sau 4 năm triển khai đề án, toàn huyện đã tổ chức được 258 lớp đào tạo nghề cho 7.674 lao động, có tới 80% lao động có việc làm sau đào tạo, với các nghề chính như: may công nghiệp, chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi lợn, trồng nấm, thú y, mây tre đan, nuôi ong lấy mật, sửa chữa máy nông nghiệp… Một số xã có tỷ lệ lao động có việc làm cao nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của địa phương như Nam Thành, Lăng Thành, Tây Thành, Vĩnh Thành… 
Với huyện Diễn Châu, ngay từ đầu nhiệm kỳ huyện đã xây dựng Đề án đào tạo nghề và giải quyết việc làm và tổ chức thực hiện công tác tư vấn miễn phí cho nông dân về dạy nghề, việc làm. Huyện chủ động xây dựng các mô hình kinh doanh giỏi, điển hình là mô hình dạy nghề may công nghiệp liên kết với Công ty Namsung Vina (Hàn Quốc) tại xã Diễn Hồng, Công ty Vinh Quang ở xã Diễn Ngọc, doanh nghiệp Dương Long ở xã Diễn Hoàng..., giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Hay như xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại như nuôi cá nước ngọt tại xã Diễn Phúc, chăn nuôi lợn ở xóm 3 xã Diễn Thái và một số hộ ở xã Diễn Hoàng, Diễn Phú, chăn nuôi gà tại xã Diễn Phúc, Diễn Trung, Diễn Thịnh... Ông Phạm Xuân Sánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chúng tôi đã tạo điều kiện cho lao động nông thôn tiếp cận, lựa chọn ngành nghề và tham gia học nghề. Đến hết năm nay chúng tôi sẽ phấn đấu đào tạo nghề cho 7.550 lao động, và sẽ tạo điều kiện hỗ trợ về vốn và các điều kiện khác để trên 80% trong số lao động được học nghề đó sẽ có việc làm”.
Vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được huyện Quỳnh Lưu đặc biệt quan tâm. Cùng với các chương trình, dự án phát triển kinh tế, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động địa phương được lồng ghép hiệu quả, huyện còn đầu tư phát triển các ngành, nghề truyền thống, xây dựng các cụm công nghiệp nhỏ nhằm tạo “đầu ra” cho công tác đào tạo nghề. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã giải quyết việc làm cho hơn 2.410 lao động.
Ông Hoàng Sỹ Tuyến, Phòng Đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Qua 4 năm thực hiện đề án đào tạo nghề, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều mô hình, cách thức tổ chức nhằm trang bị nghề cho lao động địa phương đến nay chúng ta đã đào tạo được 333.385 người có tay nghề phù hợp với nhu cầu của lao động. Số lao động nông thôn sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn là 30.029 người, đạt tỷ lệ 74,1%”. Cũng theo ông Tuyến, nhiều địa phương đã triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề lao động nông thôn có hiệu quả như: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Con Cuông... Các mô hình dạy nghề tại các trường nghề ở các huyện này phần lớn đã đáp ứng được nhu cầu của địa phương. Theo ông Trần Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công - nông nghiệp Yên Thành thì đa số những học sinh tốt nghiệp đều được nhận vào những đơn vị, doanh nghiệp có mức thu nhập khá. Một số khác tự phát huy tay nghề bằng cách huy động vốn xây dựng những mô hình trang trại hoặc các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm để tự tạo việc làm cho mình và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, bằng các giải pháp và cơ chế, chính sách đầu tư phát triển của Trung ương và của tỉnh; công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Giai đoạn từ 2011 - 2014, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 141.800 người lao động, bình quân  35.500 người/năm. Theo ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Ngoài các chương trình đào tạo nghề được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả, cùng với những chính sách, cơ chế đi kèm thì việc thu hút được một số chương trình, dự án trọng điểm đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: Công ty TNHH PREX Vinh (Đô Lương); Công ty TNHH Haivina Kim Liên (Nam Đàn); Công ty TNHH May MLG Tenegry Nhật Bản (Yên Thành); Công ty TNHH điện tử BSE (Khu công nghiệp Nam Cấm);... đã giải quyết việc làm bình quân trên 14.000 lao động/năm. Mỗi năm cả tỉnh bình quân có trên 12.000 người đi xuất khẩu lao động.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo của các cơ sở đào tạo nghề cùng với những chính sách, cơ chế đồng bộ trong việc giải quyết việc làm, nhiệm kỳ qua công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã đạt được những kết quả có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.
Bài, ảnh: Thanh Nga

Tin mới