Italy kêu gọi thành lập 'quân đội châu Âu'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani nói rằng, nếu không có quân đội chung, các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ là “những con chim sẻ không có khả năng tự vệ trong thế giới đại bàng”.

659aca7685f5403f980ccbdd-6855.jpg
Binh lính Italy tham gia buổi lễ chính thức đánh dấu việc bắt đầu triển khai quân của NATO trên lãnh thổ Bulgaria tại căn cứ quân sự Novo Selo, Bulgaria hồi tháng 10/2022. Ảnh: AFP

Theo RT, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani mới đây đã kêu gọi các nhà lãnh đạo EU thành lập một quân đội chung của châu Âu. Ông Tajani lập luận rằng nếu không có quân đội chung, khối này không thể có một chính sách đối ngoại đáng tin cậy.

“Nếu chúng ta muốn trở thành người mang lại hòa bình trên thế giới, chúng ta cần một quân đội châu Âu”, ông Tajani nói với tờ La Stampa của Italy hôm 7/1.

Ông phát biểu: “Đây là điều kiện tiên quyết căn bản để có một chính sách đối ngoại của châu Âu hiệu quả”, đồng thời nói thêm rằng trong một thế giới của những “chủ thể đầy quyền lực” như Mỹ, Nga và Trung Quốc, các công dân châu Âu “chỉ có thể được bảo vệ bởi những gì hiện đã tồn tại, và nó được gọi là Liên minh Châu Âu”.

Khoảng 22 quốc gia EU hiện là thành viên của NATO, và hiệp ước do Mỹ dẫn đầu trên thực tế đã quy định chính sách an ninh trên lục địa này kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo EU đã đưa ra ý tưởng tập hợp quân đội của họ thành một lực lượng chung độc lập với sự kiểm soát của Mỹ trong những năm gần đây.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel là hai trong số những nhân vật ủng hộ mạnh mẽ nhất ý tưởng này. Ông Macron nổi tiếng với phát ngôn rằng NATO đã “chết não” vào năm 2019, đồng thời đã kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu theo đuổi chính sách “tự chủ chiến lược” khỏi Washington.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo vào năm 2021 rằng một động thái như vậy sẽ “làm suy yếu mối liên hệ giữa Bắc Mỹ và Châu Âu”. Khi cuộc thảo luận về một quân đội châu Âu độc lập lần đầu tiên xuất hiện 2 thập kỷ trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là William Cohen đã thẳng thừng hơn, gọi ý tưởng này là “mối đe dọa đến chính sự tồn tại của NATO”.

Theo RT, cuộc xung đột ở Ukraine rõ ràng đã cản trở cuộc thảo luận về quyền tự chủ của châu Âu. Kể từ đó, ông Macron đã thay đổi quan điểm của mình về NATO và hiện ủng hộ việc mở rộng liên minh do Mỹ đứng đầu. Người thay thế bà Merkel, ông Olaf Scholz, vẫn nói về sự cần thiết của “một Liên minh châu Âu có chủ quyền hơn”, nhưng giữ im lặng về ý tưởng xây dựng cái mà bà Merkel gọi là “một đội quân châu Âu đích thực, thực thụ”.

Trong khi đó, các thành viên Đông Âu của NATO lại tỏ ra là những bên ủng hộ nhiệt tình nhất việc Mỹ giám sát an ninh ở châu Âu. Sau khi Ba Lan nhận khoản vay 2 tỷ USD từ Washington để hiện đại hóa quân đội và chào đón lực lượng đồn trú thường trực đầu tiên của quân đội Mỹ đến căn cứ ở Poznan, Bộ trưởng Quốc phòng khi ấy là Mariusz Blaszczak cho biết vào tháng 11 rằng “bất kỳ sự cạnh tranh nào giữa NATO và EU về khía cạnh an ninh là một điều rất tồi tệ”, và rằng Vacsava đã chọn mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Mỹ thay vì “một quân đội châu Âu tưởng tượng nào đó”.

Rốt cuộc, EU đã thông qua việc xây dựng một chiến lược phòng thủ chung hồi năm ngoái, theo đó mở đường để thành lập lực lượng “triển khai nhanh” gồm 5.000 người – vẫn còn cách rất xa với cái gọi là một quân đội chung.

Tin mới