John Robert Lewis: Huyền thoại nhân quyền của nước Mỹ

(Baonghean.vn) - John Robert Lewis - con trai của một gia đình nông dân đã may mắn sống sót sau khi bị cảnh sát đánh đập tàn nhẫn trong cuộc tuần hành lịch sử ở Selma, Alabama năm 1965 nhằm phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ.

Từ những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, John Lewis đã ghi dấu vào lịch sử nước Mỹ như một biểu tượng của phong trào nhân quyền, cả cuộc đời hướng tới quyền bình đẳng và sự tôn trọng dành cho người da màu. Nước Mỹ những ngày qua đang hướng về nhân vật lịch sử này, khi ông vừa qua đời ở tuổi 80.

 “Lương tâm” của Quốc hội

“Đó là một nỗi buồn sâu sắc khi chúng tôi phải thông báo về sự ra đi của người cha, người anh John Robert Lewis. Ông được tôn vinh như một biểu tượng lịch sử của nước Mỹ. Ông là người kiên định trong cuộc đấu tranh đòi sự công bằng, bình đẳng và tôn trọng cho nhân phẩm của con người. Ông đã cống hiến cả cuộc đời đấu tranh không mệt mỏi để chống lại những hành động bạo lực bất bình đẳng ở nước Mỹ”. Đây là thông báo của gia đình John Lewis sau khi ông qua đời ở tuổi 80 do căn bệnh ung thư tụy hôm 17/7 vừa qua.

Sinh ngày 21/2/1940, John Robert Lewis là con của một gia đình tá điền, sinh sống và làm thuê ở một trang trại bông ở thành phố Troy, bang Alabama. Mới 25 tuổi, người thanh niên Lewis đã dẫn đầu hàng trăm người biểu tình đến cầu Edmund Pettus ở thành phố Selma, Alabama vào ngày được gọi là “Chủ nhật đẫm máu” - 7/3/1965. Cuộc tuần hành nhằm đòi quyền biểu quyết đã gây chấn động cả nước Mỹ, tác động mạnh đến Đạo luật Quyền bỏ phiếu năm 1965 được Tổng thống Lyndon B. Johnson ký thành luật sau đó.

 Chân dung huyền thoại nhân quyền John Robert Lewis của Mỹ. Ảnh: Getty
Chân dung huyền thoại nhân quyền John Robert Lewis của Mỹ. Ảnh: Getty

Mỗi khi kể lại thời khắc lịch sử, John Lewis tưởng rằng mình có thể đã chết, bởi máu đã đổ trên cây cầu Edmund Pettus. Thế nhưng, bất chấp những cuộc tấn công và đánh đập có nặng nề hơn, với Lewis, lý tưởng và tinh thần vì quyền bình đẳng của con người không bao giờ mất đi mà chỉ thêm mạnh mẽ. Ông Lewis chia sẻ, ngay từ khi còn là một thiếu niên, ông đã được truyền cảm hứng từ Martin Luther King qua các bài giảng trên đài phát thanh - một biểu tượng nổi tiếng vì đấu tranh bất bạo động không mệt mỏi cho quyền của người da màu.

Lý tưởng được chắp thêm đôi cánh khi năm 1981, ông được bầu vào Hội đồng thành phố Atlanta và sau đó 6 năm - vào năm 1987, ông chính thức được bầu vào Hạ viện Mỹ năm 1986 với tư cách thành viên đảng Dân chủ. Trong hơn 3 thập kỷ, ông là nghị sỹ đảng Dân chủ liên tiếp 17 nhiệm kỳ, đại diện khu vực bầu cử của cả người giàu và người nghèo của thành phố Atlanta, bang Georgia. Ông được đồng nghiệp cả 2 đảng kính trọng trong Quốc hội vì những đóng góp cho các phong trào đấu tranh về quyền của người da màu. Chưa hết, khi ở Washington, ông còn tập trung vào các chiến lược chống đói nghèo, hỗ trợ thế hệ trẻ thông qua cải cách giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Ông cũng đồng sáng tác một loạt tác phẩm tiểu thuyết về phong trào nhân quyền, đã giúp ông giành Giải thưởng Sách Quốc gia thời điểm đó.

Khoảnh khắc cuộc đời

Trong một lần chia sẻ với báo chí, John Robert Lewis kể rằng, trong rất nhiều năm, ông đã tâm nguyện sống và chờ đợi một khoảnh khắc được gặp một vị Tổng thống dân cử da màu gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ. Có những lúc, ông nghĩ rằng đó là một khoảnh khắc không tưởng, dù ông đã trải qua hàng thập kỷ đấu tranh vì sự bình đẳng của người da màu trên nước Mỹ. Chỉ đến thời khắc lễ nhậm chức năm 2009 của Tổng thống Barack Obama, khi là khách mời danh sự, John Lewis mới thực sự tin rằng, niềm hy vọng bấy lâu nay của ông đã trở thành sự thật.

Ông John Robert Lewis tại cuộc biểu tình năm 1965 trên cầu Edmund Pettus ở thành phố Selma, Alabama. Ảnh: News.com
Ông John Robert Lewis tại cuộc biểu tình năm 1965 trên cầu Edmund Pettus ở thành phố Selma, Alabama. Ảnh: News.com

Năm 2011, sau hơn 50 năm trên mặt trận phong trào dân quyền, John Lewis đã nhận được vinh dự đáng tự hào, đó là Huân chương Tự do do đích thân Tổng thống Barack Obama trao tặng. Đây là 1 trong 2 Huân chương cao quý nhất của nước Mỹ do Tổng thống trao tặng. Trong tuyên bố sau sự ra đi của nghị sỹ John Lewis, cựu Tổng thống Barack Obama kể lại, ông đã gặp John Lewis lần đầu tiên khi học trường luật. Ngay lúc đó, người sinh viên Obama đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ, coi Lewis là một trong những người hùng mà ông ngưỡng mộ. Và khi được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông Obama kể đã ôm lấy người hùng của mình ngay trên khán đài trước khi tuyên thệ nhậm chức. Và rằng, chính sự hy sinh của John Lewis đã giúp ông Obama có được vị trí và vinh dự này.

Bày tỏ niềm thương tiếc, ông Barack Obama khẳng định, sự ra đi của “người hùng” Lewis không có nghĩa là hành trình vì nhân quyền và dân quyền sẽ dừng lại. Ngược lại, theo cựu Tổng thống Mỹ, ông Lewis sẽ mãi là “ngọn hải đăng” trong hành trình tìm kiếm sự hài hòa và bình đẳng cho xã hội Mỹ. “Ông ấy yêu đất nước này đến mức có thể mạo hiểm cả máu và mạng sống của mình để thắp lên và duy trì lý tưởng của mình. Qua nhiều thập kỷ, ông ấy không chỉ cống hiến hết mình cho sự nghiệp tự do và công lý, mà còn truyền cảm hứng cho các thế hệ sau này”, cựu Tổng thống Obama đã không ngớt lời ngợi khen dành cho “người anh hùng nhân quyền” của nước Mỹ.

Lựa chọn yêu thương

Dù vậy có thể nói, sự đi của John Lewis là một tổn thất lớn của phong trào nhân quyền tại Mỹ, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với làn sóng chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của công dân da màu George Floyd và cuộc biểu tình “Black Lives Matter”. Trong một phản ứng từ chính quyền đương nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết một dòng tweet bày tỏ thương tiếc sự ra đi của biểu tượng tinh thần John Lewis; đồng thời hạ lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng và các tòa nhà liên bang để tôn vinh ông.

Cựu Tổng thống Barack Obama trao Huân chương Tự do cho ông John Lewis năm 2011. Ảnh: AFP-Getty
Cựu Tổng thống Barack Obama trao Huân chương Tự do cho ông John Lewis năm 2011. Ảnh: AFP -Getty

Với cá nhân ông Trump, rõ ràng đây là một động thái tích cực có thể lấy điểm từ các cử tri da màu, tạo lợi thế cho đường đua Tổng thống đang đến rất gần. Thế nhưng, tất nhiên cử tri Mỹ sẽ không vì một động thái mà quyết định ngay lá phiếu của mình. Những gì mà Tổng thống Trump thể hiện từ nay đến cuối năm để giải quyết vấn đề bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc theo tinh thần của John Lewis trong xã hội Mỹ như thế nào, mới có thể tác động đến thái độ của cử tri!

Trở lại với những câu chuyện của ông John Lewis, nhiều năm sau các vụ tấn công nhằm vào các phong trào đòi quyền bình đẳng, năm 2009, ông John Lewis kể đã gặp một người đàn ông 70 tuổi và con trai 40 tuổi ngay tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Người đàn ông 70 tuổi nói rằng: “Lewis, tôi là người đã đánh ông và bạn của ông trên 1 chiếc xe buýt, từ lâu lắm rồi. Ông có chấp nhận lời xin lỗi của tôi không?”. Sau khi chấp nhận lời xin lỗi, ông Lewis nhớ lại, cả 3 người đàn ông đã ôm chầm lấy nhau và khóc. Với John Lewis, “đó chính là sức mạnh của hòa bình và sự yêu thương”, và rằng, “ghét bỏ và thù hận chẳng bao giờ là tốt đẹp. Sự lựa chọn hãy luôn là tình thương và sự sẻ chia!”.

Tin mới