Keo lai rớt giá, nhiều dịch vụ 'ăn theo' ế ẩm, dừng hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
(Baonghean.vn) - Giá mỗi tấn keo từ trên 1,4 triệu đồng trong năm 2022, nay rớt xuống chỉ còn chưa đầy 750 nghìn đồng nhưng cũng không có ai hỏi mua. Mọi dịch vụ “ăn theo” nghề keo như lao động chặt cây, bóc vỏ, bốc vác, vận tải... cũng phải dừng hoạt động.
Một số dây chuyền chế biến lâm sản ở huyện Quế Phong dừng hoạt động. Ảnh: Văn Trường

Một số dây chuyền chế biến lâm sản ở huyện Quế Phong dừng hoạt động. Ảnh: Văn Trường

Thời điểm này, lên địa bàn huyện Quế Phong, dọc các cung đường miền núi Quốc lộ 48, đường vào các xã Tiền Phong, Thông Thụ sẽ thấy hoạt động khai thác vận chuyển keo vắng vẻ. Xưởng chế biến lâm sản ở xã Mường Nọc, huyện Quế Phong bỏ hoang, hệ thống máy móc lâu ngày không hoạt động đã có dấu hiệu gỉ sét.

Chủ xưởng chế biến lâm sản này chia sẻ: Đã hơn 5 tháng nay cơ sở chế biến keo, lùng phải dừng hoạt động do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, kéo theo hàng chục lao động phải nghỉ việc.

Anh Vi Văn Tình ở xã Tiền Phong cho biết: Gia đình có 3 ha keo, từ Tết Nguyên đán đến nay giá keo liên tục giảm sâu, từ 1,4 triệu đồng/tấn, nay “rớt” xuống chỉ còn trên 750.000 đồng/tấn. Giá rẻ nhưng cũng không có ai thu mua nên chúng tôi phải dừng khai thác.

Những cánh rừng keo đến tuổi khai thác ở xã Tiền Phong, Quế Phong nhưng không có ai hỏi mua. Ảnh: Văn Trường

Những cánh rừng keo đến tuổi khai thác ở xã Tiền Phong, Quế Phong nhưng không có ai hỏi mua. Ảnh: Văn Trường

Việc dừng khai thác keo ở địa bàn huyện Quế Phong ảnh hưởng đến đời sống và tái đầu tư sản xuất đối với nhiều hộ dân, chưa kể các dịch vụ “ăn theo” nghề này hầu hết cũng phải dừng hoạt động.

Anh Vi Văn Kiên ở xã Tiền Phong cho biết: "Trước đây theo nghề chặt keo, bóc vỏ cũng kiếm được trên 300.000 đồng/ngày để trang trải cuộc sống, mấy tháng qua nghề keo dừng hoạt động khiến chúng tôi không có việc làm, cuộc sống thêm phần khốn khó".

Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong, hiện toàn huyện có trên 9.000 ha keo, tập trung ở các xã Mường Nọc, Tiền Phong, Thông Thụ, Quang Phong, trong đó có trên 3.000 ha keo đã đến tuổi khai thác nhưng chưa thể do giá quá rẻ, khó khăn đầu ra. Toàn huyện Quế Phong có trên 3.000 lao động “ăn theo” nghề keo đang chịu cảnh thất nghiệp.

Tại Quỳ Châu - địa phương có diện tích keo lai lớn nhất tỉnh, đến nay mọi hoạt động khai thác, vận chuyển keo đều “án binh bất động”. Chủ cơ sở thu mua keo tại xã Châu Bình, Quỳ Châu chia sẻ, trước đây, mỗi ngày họ thu mua từ 50-60 tấn keo cho bà con quanh vùng, nhưng 4-5 tháng qua, giá keo giảm sút, các nhà máy chế biến gỗ đều không mua nguyên liệu keo nên chúng tôi cũng không dám thu mua.

Điểm thu mua keo ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu dừng hoạt động từ nhiều tháng qua. Ảnh: Văn Trường

Điểm thu mua keo ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu dừng hoạt động từ nhiều tháng qua. Ảnh: Văn Trường

Anh Nguyễn Trà ở xã Châu Bình cho biết thêm: "Năm trước tôi vay tiền đầu tư 3-4 tỷ đồng mua 3 xe ô tô vận tải chở keo, 2 máy xúc chuyên làm đường vào khai thác keo. Hơn 5 tháng qua, dàn xe tải, máy xúc của gia đình tôi đang bỏ không, hàng tháng phải gánh theo nhiều chi phí khác để “cầm cự” chờ giá keo lên để tiếp tục hoạt động",

Tại xã Châu Hạnh, toàn xã có 3.800 ha keo, trong đó có trên 1.000 ha keo đủ tuổi khai thác. Vừa qua, giông lốc làm đổ gãy trên 247 ha keo nhưng đến nay bà con không thể bán được diện tích keo gãy.

Anh Hoàng Văn Đức ở bản Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh cho biết: "Gia đình có 4 ha keo, trong đó có 2 ha keo bị đổ gãy đang nằm ngổn ngang trong rừng, chúng tôi muốn xử lý bán diện tích keo gãy với giá rẻ nhưng hơn 2 tuần qua không bán được, có lẽ phải đưa về làm củi".

Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu: Huyện có trên 21.000 ha keo nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 5.000 ha. Do giá keo xuống thấp, tư thương không mua nên mọi hoạt động khai thác vận chuyển keo đang phải dừng, có khoảng trên 5.000 lao động theo nghề keo không có việc làm.

Các dịch vụ ăn theo như trạm cân, xe vận tải chở keo ở huyện Quỳ Châu nằm im lìm nhiều tháng qua. Ảnh: Văn Trường

Các dịch vụ ăn theo như trạm cân, xe vận tải chở keo ở huyện Quỳ Châu nằm im lìm nhiều tháng qua. Ảnh: Văn Trường

Đầu ra khó khăn, nhiều doanh nghiệp chế biến lâm sản đang phải hoạt động cầm cự. Trước đây, nhà máy sản xuất dăm gỗ ở huyện Quỳ Hợp sản xuất trên 10m3 gỗ ghép thanh/ngày, nhưng 5 tháng qua đơn vị này phải dừng sản xuất, bán tháo trên 200 m3 sản phẩm gỗ ghép thanh tồn kho, trên 40 lao động phải nghỉ việc.

Tại Công ty TNHH Lâm nông nghiệp Sông Hiếu hiện đang tồn kho trên 3.500 m3 các loại sản phẩm gỗ, trị giá tiền hàng trên 23 tỷ đồng; hàng tồn kho chủ yếu là các loại gỗ ghép thanh, phôi gỗ; xuất đi các nước châu Âu.

Một trong những cơ sở chế biến gỗ keo ở Nghĩa Đàn đang tồn kho nhiều sản phẩm. Ảnh: Văn Trường

Một trong những cơ sở chế biến gỗ keo ở Nghĩa Đàn đang tồn kho nhiều sản phẩm. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Khắc Hải - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết thêm: Nghệ An hiện có trên gần 170.000 ha rừng keo nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 55.000 ha.

Giá keo giảm sâu là do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc và một số nước Châu Âu thời gian qua ít mua sản phẩm chế biến từ keo. Người dân hiện nay không còn cách nào khác đành phải chờ giá tăng mới bán.

Tin mới