Khai bút

(Baonghean) Ông nội tôi là người có vốn Nho học, rất coi trọng thuần phong mỹ tục và những giá trị truyền thống, nên cứ sang thời khắc năm mới, ông bảo chúng tôi “đầu Xuân khai bút”.

Hãy còn ngái ngủ và sẵn sự biếng nhác, tôi và thằng em trai lần lữa cũng không xong, đành viết vội vàng vài chữ rồi đi ngủ tiếp. Ông lắc đầu ngao ngán. Ông bảo, ngày xưa, khai bút là một lễ nghi thiêng liêng và trang trọng, dù gia cảnh giàu có hay nghèo hèn, người ta vẫn chuẩn bị chu đáo mực tàu, bút lông, giấy mới thơm phức, trong một không gian tĩnh lặng, với cái tâm hướng thiện trong sáng, để mong một năm mọi sự hanh thông. Thời khắc năm mới là phút gặp gỡ, giao cảm của vũ trụ và con người, giữa người sống và người đã khuất, giữa con cháu và tiên tổ nên khai bút không chỉ là “viết”, mà là kết tinh tất cả những nghĩ suy tốt đẹp nhất của mỗi người đối với cuộc sống. Ông khuyên chúng tôi không nhất thiết phải viết những điều quá to tát, xa vời, thiếu thực tế và đặc biệt không trung thực. Nét chữ nết người - soi vào chữ nghĩa để hoàn thiện nhân cách…

                                               Ảnh: Internet.

Theo thời gian, tôi đã tự ý thức cái việc khai bút đầu năm và yêu thích nó. Tôi háo hức chờ đến khoảnh khắc giao thừa, sau khi cả nhà thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, tôi về phòng lặng lẽ khai bút. Đó là lúc dâng trào cảm xúc thiêng liêng, tôi hứng khởi với những hoạch định cho cá nhân và gia đình. Tôi vẫn nhớ lời ông: Trước khi cầu mong điều gì cho bản thân, hãy biết cầu an cho dân tộc, đất nước. Chỉ như thế, khai bút mới là khai xuân.

Ngày mồng Một Tết Nhâm Thìn. Con gái 5 tuổi, còn học mẫu giáo, thấy mẹ khai bút đầu năm cũng đòi làm theo mẹ. Con quá non nớt để hiểu về ý nghĩa của khai bút chào Xuân. Tôi bảo con hãy viết một chữ nào đó cô đã dạy ở trường. Con tôi nắn nót, cây bút chì nghiêng nghiêng: "M…Ẹ…" rồi nhoẻn miệng cười.

Song Nguyên (TP. Vinh)

Tin mới