Khôi phục cây cam hàng hóa

(Baonghean) - Những năm 60 của thế kỷ trước, huyện Tân Kỳ có Nông trường Sông Con và Nông trường An Ngãi chuyên trồng cam với diện tích khoảng 400 ha. Và một giai đoạn diện tích cam trên địa bàn huyện gần như bị xóa sổ, nhường chỗ cho cây cao su. Sau hàng chục năm “vắng bóng”, gần đây, một số hộ dân ở các xã Tân An, Tân Phú, Tân Long, Đồng Văn… mạnh dạn đầu tư trồng cam, quýt cho thu nhập cao. Hiệu quả từ cây trồng có múi trở thành tiền đề để UBND huyện xây dựng đề án khôi phục và phát triển cây cam thương phẩm.
Một trong những người đầu tiên quay trở lại trồng cây có múi trên đất Tân Kỳ là anh Đậu Tiến Sỹ ở xóm Quỳnh Lưu, xã Tân An. Vào năm 2006 anh Sỹ cất công tìm đến Trung tâm cây giống Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn) mua 50 cây quýt giống VQ về trồng thử trong vườn nhà. Bước đầu thử nghiệm cây quýt anh Sỹ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước nên mọi việc thuận lợi dần. Từ khi làm quen với cây trồng mới anh Sỹ và các thành viên trong gia đình cũng đã biết bón phân hợp lý, chăm sóc cây đúng kỹ thuật, nên cây quýt cho quả to, chất lượng tốt. Liên tục những năm qua vào vụ thu hoạch khách hàng tìm đến thu hái tận vườn đưa về xuôi tiêu thụ. Vụ vừa rồi, anh gia đình anh Sỹ thu được trên 150 triệu đồng từ vườn quýt.
Vườn quýt của anh Đậu Tiến Sỹ ở xã Tân An (Tân Kỳ) cho thu nhập cao.
Vườn quýt của anh Đậu Tiến Sỹ ở xã Tân An (Tân Kỳ) cho thu nhập cao.
Anh Đậu Tiến Sỹ chia sẻ kinh nghiệm rằng: Cây quýt không “khó tính”, nhưng phải biết cách chăm bón thì quả mới sai. Trước khi trồng, cần đào hố, trộn lẫn phân chuồng và phân lân lót đáy hố. Khi cây bén rễ và phát triển, mỗi năm bón 2 lần phân chuồng, phân lân và ka ly, nhưng khi quýt ra quả, mỗi năm phải bón 4 lần phân và phải biết cách bón thì cây mới hấp thụ được nguồn dinh dưỡng. Cây quýt rất cần nước, vào mùa khô phải tưới hàng ngày. Anh Sỹ còn “bật mí”: cây quýt khi đã ra quả, tán lá ra đến đâu bón phân đến đó, nhưng không được cuốc sâu, vì tránh tổn thương đến bộ rễ. Trong quá trình quýt phát triển cần theo dõi các loại sâu bệnh phổ biến như: nhện đỏ, sâu xanh ăn lá, sâu vẽ bùa… để phòng trừ kịp thời.
Đến nay, các hộ dân ở Tân Kỳ đã trồng khoảng hơn 10 ha cam, quýt, tập trung các xã: Tân Long, Tân An, Tân Phú và Đồng Văn. Qua khảo sát,  trên địa bàn huyện có khoảng 1.000 ha đất bãi, đất đồi ven lèn đá để phát triển loài cây có múi, trong đó có cây cam hàng hóa. Dựa trên những điều kiện thuận lợi về đất đai và thành quả của cây cam, quýt đã mang lại cho người dân trong những năm qua, UBND huyện đã có chủ trương xây dựng đề án phát triển vùng cam hàng hóa, khôi phục “thương hiệu” cam Tân Kỳ. Định hướng của huyện là trong 5 năm tới sẽ mở rộng diện tích cam, quýt lên 200 ha. Ông Nguyễn Bá Thức – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Việc người dân chủ động cải tạo vườn tạp, đầu tư các giống cam Vân Du, quýt VQ nhằm từng bước chuyển đổi cây trồng, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích là điều hết sức đáng mừng. 
Để khuyến khích nhân rộng diện tích cam, mới đây, UBND huyện Tân Kỳ tổ chức cho nhiều chủ trang trại, hộ dân tham quan học hỏi kinh nghiệm tại một số huyện có diện tích trồng cam lớn, năng suất cao, đặc biệt là đến học tập các mô hình trồng cam thương phẩm tại khu vực Phủ Quỳ. Trên cơ sở những kinh nghiệm, bài học quý rút ra từ thực tiễn, UBND huyện sẽ có chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp đối với các hộ dân trồng cam, từng bước hình thành vùng sản xuất cam theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.  
Nguyễn Hoàng

Tin mới