Không để học sinh thiếu sách

(Baonghean) - Trước tình trạng nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở tại các huyện miền núi thiếu sách giáo khoa, vừa qua, Sở GD&ĐT đã ra công văn số 1643/SGDĐT-GDTH “yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện giao các trường kiểm tra, rà soát và bổ sung sách giáo khoa cho học sinh tiểu học”. 

Mặc dù năm học mới đã bắt đầu được hơn nửa tháng nhưng đến nay nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở tại huyện miền núi Tương Dương vẫn đang thiếu sách giáo khoa trầm trọng. Điển hình như Trường Tiểu học xã Tam Hợp, có 235 em nhưng nay số lượng sách giáo khoa chỉ đủ cho khoảng 50 học sinh; Trường Tiểu học xã Mai Sơn có 268 học sinh, qua khảo sát ban đầu hiện còn thiếu 180 bộ sách giáo khoa, chủ yếu cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 4. 
Học sinh  Trường THCS DTNT Kỳ Sơn  đọc sách  giờ ra chơi.  Ảnh: Lê Thị Thanh Hương  (Trường THCS DTNT huyện Kỳ Sơn)
Học sinh Trường THCS DTNT Kỳ Sơn đọc sách giờ ra chơi.   Ảnh: Lê Thị Thanh Hương (Trường THCS DTNT huyện Kỳ Sơn)
Không chỉ riêng bậc tiểu học mà hiện nay nhiều trường bậc trung học cơ sở cũng rơi vào tình cảnh thiếu sách giáo khoa cho học sinh. Theo thầy Võ Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS xã Tam Hợp thì trong năm học 2015 - 2016 trường có 154 học sinh nhưng đến nay số lượng sách giáo khoa chỉ đủ phục vụ cho hơn 10% học sinh. Còn gần 90% số học sinh còn lại vẫn chưa có sách giáo khoa. Còn theo số liệu khảo sát của Trường THCS Yên Thắng hiện còn 209 học sinh của trường chưa có sách giáo khoa. Tỷ lệ học sinh chưa có sách giáo khoa cũng lên đến gần 90%. 
Không chỉ huyện Tương Dương, hiện các huyện miền núi khác như: Quế Phong, Kỳ Sơn... cũng đang xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa cho học sinh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở. Các huyện miền núi khác như Con Cuông, Quỳ Châu... mặc dù số lượng sách giáo khoa vẫn còn đủ đáp ứng cho học sinh nhưng do đã sử dụng quá lâu nên vẫn phải sử dụng số lượng sách bị rách nát nhiều.  
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo lãnh đạo nhiều trường học là do các bậc phụ huynh chưa chú tâm đến việc mua sách giáo khoa cho con em mình. Bên cạnh đó, chương trình sách giáo khoa thường xuyên thay đổi nên sách giáo khoa cũ để lại không còn hợp lý. Trong khi đó do kinh phí hỗ trợ mua bổ sung sách giáo khoa hàng năm cho các trường quá ít so với thực tế nên không bù đắp được số lượng sách thiếu và đã hư hỏng. 
Để khắc phục tình trạng thiếu sách giáo khoa, các trường tiểu học, trung học cơ sở tại các huyện miền núi đã lập các thư viện cho học sinh mượn sách học. Cùng với đó, giáo viên tại các trường cũng tìm cách kêu gọi các nguồn hỗ trợ, giúp đỡ quyên góp sách để bổ sung lượng sách đang thiếu tại trường mình.
Ngày 15/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã ban hành Công văn số 1643/SGDĐT-GDTH “yêu cầu kiểm tra, rà soát và bổ sung sách giáo khoa cho học sinh tiểu học”. Theo đó, Sở yêu cầu các Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tiểu học rà soát thực trạng sử dụng sách giáo khoa đầu năm học theo “Danh mục đầu sách giáo khoa tối thiểu đối với mỗi học sinh” (lớp 1, lớp 2, lớp 3, mỗi lớp có 6 đầu sách; lớp 4, lớp 5, mỗi lớp có 9 đầu sách) và động viên cha mẹ học sinh mua đủ sách giáo khoa tối thiểu cho học sinh ngay từ đầu năm học. 
Đối với học sinh thuộc hộ nghèo, diện chính sách đặc biệt khó khăn, các Phòng GD&ĐT báo cáo, tham mưu với UBND huyện, thành phố, thị xã sử dụng nguồn kinh phí dự phòng mua, cấp bổ sung sách giáo khoa cho thư viện nhà trường để các em được mượn sử dụng.
Đối với vùng thuận lợi, các trường tiểu học động viên học sinh quyên góp sách, vở ủng hộ các bạn vùng đặc biệt khó khăn với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Sở cũng yêu cầu các trường tiểu học quan tâm xây dựng thư viện, xây dựng tủ sách dùng chung bằng các nguồn thu từ vận động xã hội hóa, nguồn kinh phí hợp pháp để học sinh thuộc hộ nghèo, diện chính sách có sách giáo khoa học ngay từ đầu năm học. Tuyệt đối không được để các đối tượng học sinh nói trên thiếu sách giáo khoa.  
Thọ Sơn

Tin mới