Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Chiều 22/6, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu.

Trước khi bước vào buổi làm việc với UBND huyện Quỳnh Lưu, đoàn đã kiểm tra việc thi công xây dựng đập Khe Lại trên địa bàn xã Tân Thắng; kiểm tra một số mỏ khoáng sản của Công ty cổ phần Trường Thịnh; Công ty Cổ phần Xây dựng Văn Sơn, tại các xã Quỳnh Văn, Ngọc Sơn.

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳnh Lưu, tại địa phương hiện có 8 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, bao gồm 5 mỏ đá xây dựng và 3 mỏ đất san lấp. Từ năm 2022, chính quyền địa phương đã thành lập các đoàn chủ động kiểm tra và chủ động phối hợp với các đoàn kiểm tra của tỉnh, tiến hành kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ, ban hành quyết định xử phạt và trình UBND tỉnh xử lý vi phạm với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 xử phạt hơn 2,4 tỷ đồng; năm 2023 tính đến nay đã xử phạt vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản gần 1 tỷ đồng.

BNA_QL.JPG
Đoàn kiểm tra thực tế tại một mỏ đá trên địa bàn xã Quỳnh Văn. Ảnh: Tiến Đông

Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản, chủ yếu là đất san lấp, vẫn thường xảy ra ở một số xã trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu như: Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Châu... Một số doanh nghiệp chưa thuê hết phần diện tích đã được cấp phép khai thác mỏ, khai thác vượt ra ngoài phạm vi thuê đất...

Qua thực tế kiểm tra, đoàn công tác cũng đã nghe ý kiến của các doanh nghiệp về những bất cập trong khai thác khoáng sản. Trong đó, bất cập nhất là việc một số mỏ được cấp phép khai thác đá xây dựng nhưng lại có rất nhiều đất; một số mỏ được cấp phép khai thác đất đắp lại chứa rất nhiều đá. Chính vì thế để khai thác được, doanh nghiệp bắt buộc phải bóc tách các lớp đất, đá và tận thu các loại khoáng sản nằm ngoài giấy phép này.

BNA_Một mỏ đất trên địa bàn Quỳnh Lưu có nguy cơ phải đóng cửa mỏ sớm.JPG
Thiết bị khai thác tập kết tại một điểm mỏ. Ảnh: Tiến Đông

Ông Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Thực tế, trên địa bàn Quỳnh Lưu, số doanh nghiệp hoạt động khai thác không nhiều, một số mỏ đá xây dựng đã được cấp phép và đi vào khai thác nhưng chất lượng không cao, nên hạn chế trong việc cạnh tranh, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh 2 nhóm loại hình cho các mỏ trên địa bàn, đó là mỏ đất nhưng lại nhiều đá và mỏ đá nhưng lại có nhiều đất. Một số mỏ đã đầy đủ thủ tục nhưng việc đánh giá tài sản trên đất, thanh lý cây cối trên đất gặp nhiều khó khăn.

Đại diện các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho phép tận thu các loại khoáng sản nằm ngoài giấy phép nhưng lại nằm trong phạm vi cấp mỏ. Thậm chí đại diện Công ty cổ phần Xây lắp Giang Sơn, có mỏ đất san lấp tại xã Ngọc Sơn còn kiến nghị xin được đóng cửa 1 phần diện tích mỏ...

BNA_Họp.JPG
Đoàn kiểm tra làm việc với UBND huyện Quỳnh Lưu và đại diện các doanh nghiệp. Ảnh: Tiến Đông

Sau khi lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của chính quyền địa phương và doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành cần tăng cường phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu trong việc giám sát khai thác khoáng sản. Việc khai thác khoáng sản phải đảm bảo tuân thủ theo phương án đã được phê duyệt. Tuyệt đối không được để vi phạm trong việc khai thác quá cốt cho phép, tạo ra những hố sâu, gây nguy hiểm cho người dân.

Trước những đề xuất của doanh nghiệp trong việc tận thu các sản phẩm phụ trên mỏ đã được cấp, đồng chí Nguyễn Văn Đệ cũng đề nghị các doanh nghiệp có tờ trình bằng văn bản, trên cơ sở đó, các sở, ngành liên quan sẽ nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu các quy định của pháp luật, trình UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp...

Tin mới