Hồi sinh nghề biển Quỳnh Long

(Baonghean) - Ngư dân Quỳnh Long từ khi sinh ra đã biết dựa vào biển để mưu sinh. Vậy mà, có những thời điểm ngư dân phá sản, không sống được bằng nghề truyền thống. Sau nhiều trăn trở, cuối cùng Đảng ủy, chính quyền địa phương đã quyết tâm “mở lối”, chung tay với ngư dân làm hồi sinh nghiệp “tầm ngư”.

Ý Đảng “khơi nguồn” hồi sinh

Về huyện biển Quỳnh Lưu, cứ hỏi xã Quỳnh Long là ai cũng xuýt xoa về thành tích làm kinh tế biển của địa phương này. 23 tổ nghề cá (5-7 tàu mỗi tổ) đánh bắt cá xa bờ  đều đặn vươn khơi mang về những khoang tàu ăm ắp cá đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn địa phương. Sự thay đổi này xuất phát từ chủ trương của Đảng ủy xã cách đó hơn 5 năm, đó là vận động, sát cánh cùng ngư dân đóng tàu lớn vươn ra vùng khơi, từ bỏ vùng lộng truyền thống. Quay trở về thời điểm trước năm 2007, Quỳnh Long có hơn 300 phương tiện đánh bắt hải sản nhưng “bói” cho ra tàu đánh bắt xa bờ như “mò kim đáy bể”. “Thời điểm đó, ngư dân chỉ đánh bắt ở gần bờ (vùng lộng) nên hiệu quả kinh tế không cao, đói nghèo là điều tất yếu. Nhiều ngư dân phải bỏ cả nghề vào Nam ra Bắc làm công nhân kiếm kế sinh nhai”, ông Trần Quang Vệ - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long nhớ lại.

Thấy cái cảnh ngư dân dẫu dày dặn kinh nghiệm cũng phải bỏ nghề đi tha phương cầu thực, Đảng ủy, chính quyền xã bàn bạc, trăn trở tìm kế vực dậy nghề truyền thống của địa phương. Nhiều đoàn do xã tổ chức đã vận động được những ngư dân còn say với nghề lặn lội ra Thanh Hóa, vào các tỉnh miền Nam tìm hiểu học hỏi mô hình của ngư dân tỉnh bạn. Cuối cùng, phương án được lựa chọn là phải đóng tàu to, máy lớn vươn khơi xa, đánh bắt dài ngày mới mong hồi sinh nghề được. Nhiều đêm, cán bộ xã về từng xóm họp và vận động bà con chung sức đóng tàu bám biển. Mạnh dạn đầu tư, những con tàu công suất lớn của ngư dân Quỳnh Long dần xuất hiện trên cảng cá lạch Quèn. Mỗi chuyến ra khơi thắng lợi  trở về của những ngư dân quả cảm đi trước là động lực cho những ai còn lưỡng lự. Lão ngư Nguyễn Văn Tăng ở xóm Phú Liên, chia sẻ: “Dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình ra khơi, bám biển nhưng nhìn chung từ khi chuyển đổi tàu lớn, chúng tôi làm ăn khấm khá hơn trước, thu nhập mỗi chuyến biển ổn định và đều đặn hơn trước rất nhiều”.

Không khí mua bán rộn ràng trên cảng lạch Quèn

Chỉ sau 4 năm, cơ cấu tàu thuyền của Quỳnh Long thay đổi hẳn. Năm 2011, số lượng tàu giảm xuống còn 164 phương tiện nhưng công suất lên đến 18.887 CV, trong đó có 77 phương tiện có công suất 90 CV trở lên, chủ yếu là tàu từ 200 -750 CV. Sản lượng đánh bắt của mỗi phương tiện giờ đạt trung bình 40 - 45 tấn mỗi tháng đã giúp ngư dân Quỳnh Long ăn nên làm ra. Điều này cũng đã chứng minh cho bước đi đúng đắn của Đảng ủy, chính quyền và ngư dân xã. Cả Quỳnh Long bây giờ có 1.500 lao động làm nghề liên quan đến khai thác chế biển hải sản, trong đó khoảng 1000 lao động trực tiếp bám biển. “Dân xã tôi giờ không đi Nam, đi Bắc làm ăn nữa mà quay về làm nghề ở địa phương. Đó là chưa kể ngư dân các địa phương khác cũng đến đây làm công. Thu nhập bình quân của mỗi lao động 5-7 triệu đồng/tháng. Nghề cá chiếm gần 60% cơ cấu kinh tế của xã”, ông Vệ phấn khởi cho biết.

Và còn đó trăn trở

Vai trò của đảng ủy, của từng đảng viên trong việc góp phần làm hồi sinh nghề đi biển ở địa phương đã thấy rõ. Nhưng với những đảng viên, những người làm công tác đảng ở địa phương thực tế còn đặt ra nhiều trăn trở. Đó là thực trạng tỷ lệ đảng viên trên tổng dân số còn quá ít, trong khi độ tuổi trung bình của đảng viên trong đảng bộ xã càng ngày càng cao. Theo thống kê, đảng bộ xã chỉ có 212 đảng viên, sinh hoạt trong 11 chi bộ (8 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ trường học, trạm y tế), 12 đảng viên trực tiếp đi biển, 42 là độ tuổi trung bình của đảng viên. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn quần chúng ưu tú, đặc biệt trong giới ngư dân rất hạn chế.

Chi bộ Phú Liên có 19 đảng viên, có 3 đảng viên đi biển. Đây là một trong những chi bộ có tỷ lệ đảng viên đi biển tương đối khá so với các chi bộ còn lại. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 1 đảng viên là thường xuyên ra khơi bám biển, 2 đảng viên còn lại cũng chỉ thi thoảng bám biển. Đảng viên 43 năm tuổi đảng - Trần Trọng Thâm, thuộc Chi bộ Phú Liên, cho biết: “Mấy năm trước tôi còn đi biển thường xuyên nhưng thời gian gần đây hầu như không đi nên có điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng nhiều hơn. Trước đây, nhiều khi tàu không vào bờ được nên cũng có đôi lần không thể tham gia sinh hoạt chi bộ”.

Mặc dù số đảng viên bám biển rất ít nhưng Chi bộ Phú Liên vẫn thường xuyên tổ chức sinh hoạt vào khoảng thời gian từ 10 -15 âm lịch hàng tháng. Do thời gian này trăng lên nên tàu cá nằm bờ nhiều, ngư dân là đảng viên có điều kiện để tham gia sinh hoạt cùng chi bộ. Đây cũng là cách làm chung của các chi bộ nông thôn ở Quỳnh Long. Nữ Bí thư Chi bộ Phú Liên - Trần Thị Đào chia sẻ: “Về thời gian sinh hoạt chi bộ vẫn có thể thu xếp để các đảng viên đi biển tham gia được. Nhưng vấn đề khó khăn nhất là tìm lực lượng kế cận để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Năm 2011, chi bộ đặt mục tiêu kết nạp 2 đảng viên mới nhưng không kết nạp được ai. Năm 2012 cũng đặt chỉ tiêu tương tự và mới chỉ kết nạp được 1 đảng viên, đang bồi dưỡng 3 đối tượng khác, tất cả đều là thanh niên làm việc trên bờ chứ không tham gia đi biển”.

Khó khăn về nguồn đảng viên ở Chi bộ Phú Liên cũng là khó khăn chung của các chi bộ nông thôn khác ở xã Quỳnh Long. Nguyên nhân được chỉ ra, đó là do rất ít ngư dân đạt tiêu chí vào Đảng, cụ thể là tiêu chí về trình độ văn hóa, phần khác do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn chưa cao. “Ở bộ phận ngư dân dù nhiều người làm ăn giỏi, điển hình phát triển kinh tế nhưng do không đạt tiêu chí về trình độ văn hóa nên không thể bồi dưỡng, kết nạp Đảng”, ông Vũ Ngọc Lương – Bí thư Đảng ủy xã cho biết. Cũng chính khó khăn về nguồn nên chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới của đảng ủy xã không đạt. Năm 2011, chỉ tiêu là kết nạp 10 đảng viên mới nhưng chỉ kết nạp được 6; năm 2012 chỉ tiêu vẫn như cũ nhưng đến thời điểm hiện tại cũng chỉ mới kết nạp được 5 đảng viên mới.

Có thể khẳng định vai trò của đảng ủy và từng đảng viên trong công cuộc phát triển kinh tế, chỉ đạo đường lối cho các tổ chức đoàn thể xã hội thực hiện nhiều phong trào tương trợ nhau lúc ngư dân gặp hoạn nạn… ở Quỳnh Long. Nhưng trong công tác xây dựng, phát triển các tổ chức cơ sở đảng thì vẫn còn nhiều việc phải làm để thực hiện thành công mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra: “Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt”.

Thành Duy

Tin mới