Bước chuyển mới ở khu vực HTX Nghệ An

(Baonghean) - Những năm qua, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có bước phát triển tích cực, cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều mô hình mới xuất hiện và hoạt động có hiệu quả. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) của Đảng; Luật HTX năm 2003 và Chỉ thị 20; khu vực kinh tế tập thể tỉnh nhà có nhiều chuyển biến tích cực.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 2.800 tổ hợp tác, gần 850 HTX, Liên hiệp HTX, 119 làng nghề và hàng trăm làng có nghề. Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác và các làng nghề đa dạng, có hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho khu vực kinh tế nông nghiệp - nông thôn và kinh tế hộ phát triển. Góp phần làm chuyển dịch đáng kể tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn ở các địa phương, rõ nhất là các HTX thuộc khu vực phi nông nghiệp, Quỹ tín dụng nhân dân. Kinh tế tập thể ngày càng có nhiều đóng góp vào kết cấu hạ tầng nông thôn (bê tông hóa kênh mương, thủy lợi, giao thông nội đồng, giao thông nông thôn…), áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật: giống, phân bón vào sản xuất thâm canh, hoạt động khuyến nông.

Khu vực kinh tế tập thể và làng nghề đã đóng góp đáng kể cho nguồn thu của tỉnh, bình quân mỗi năm từ 700- 900 tỷ đồng; 15- 20 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu, góp phần không nhỏ vào ổn định an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết thêm việc làm cho người lao động, bảo đảm quyền lợi cho các hộ gia đình - xã viên. Các HTX nông nghiệp vừa củng cố chất lượng hoạt động dịch vụ vừa mở rộng sản xuất, kinh doanh; Các HTX phi nông nghiệp chú trọng đầu tư, mở rộng quy mô, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với tình hình mới và xu thế hội nhập.

Xu hướng liên doanh, liên kết giữa các HTX với các tổ chức khác như: Làng nghề, doanh nghiệp, tiếp tục mở rộng và mang lại hiệu quả cao, điển hình như các HTX làng nghề với các Trung tâm dạy nghề trong công tác đào tạo  nghề tiểu thủ công nghiệp; trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm, trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… ngày càng xuất hiện nhiều mô hình HTX mới, đáp ứng nhu cầu thực tế của cuộc sống như: HTX chợ, HTX môi trường, HTX làng nghề, HTX trồng rừng…

Tiêu biểu như HTX Quyết Thành, với ngành chính chuyên sản xuất, kinh doanh bột đá siêu mịn, vật liệu xây dựng. Vừa qua, HTX đã mạnh dạn đầu tư dự án xây dựng khu đa năng siêu thị, khách sạn, nhà hàng tại phường Bến Thuỷ với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng, cuối năm 2011 đã đi vào hoạt động. Doanh thu hàng năm đạt khoảng 20 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng...    

Thêu cờ truyền thống tại HTX Thống Nhất (TP.Vinh).

Mặc dù trong điều kiện khó khăn, HTX may thêu Thống Nhất vẫn nỗ lực duy trì, ổn định nghề may thêu truyền thống. Tuy quy mô và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao nhưng hoạt động, chế độ, chính sách và các hoạt động xã hội đáp ứng tốt theo các quy định của Luật HTX năm 2003. Doanh thu hàng năm đạt  trên 600 triệu đồng. Năm 2010, HTX đã liên doanh với Công ty TNHH Cá Vàng, kết nạp xã viên mới, tăng vốn kinh doanh để xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ và đang triển khai xây dựng, với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng; Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Chủ nhiệm HTX Thống Nhất cho biết: Hiện HTX đang xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp tại số 4, đường Trần Phú – TP.Vinh. Dự kiến đến cuối năm 2013 hoàn thành, HTX sẽ mở rộng kinh doanh xe máy, làm ảnh, sửa chữa điện tử, may mặc...

Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phú Hậu (Diễn Tân, Diễn Châu), ông Lưu Văn Ngữ cho biết: Những năm qua HTX chuyên chỉ đạo bà con sản xuất lúa và làm các loại dịch vụ thuỷ lợi, điện năng, các loại vật tư phân bón, bảo vệ thực vật, bán thuốc bảo vệ thực vật cho bà con. Từ năm 2011, HTX mạnh dạn ký hợp đồng với Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam để sản xuất giống lúa thuần KN2. Vụ đầu tiên sản xuất 3 ha, thu hoạch được gần 16 tấn lúa giống, nhập cho công ty với giá 6.700 đồng/kg. Năm 2012, HTX tiếp tục ký hợp đồng với Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình sản xuất 17 ha lúa giống BC15, thu hoạch gần 130 tấn giống, nhập cho công ty với giá 6.400đ/kg lúa tươi, được giá, bà con rất phấn khởi. Năm 2013 này HTX tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa giống cung ứng cho các công ty, nhằm đem lại thu nhập cao hơn cho bà con xã viên.

Từ kết quả thực tiễn mà kinh tế tập thể trên địa bàn Nghệ An đạt được trong thời gian qua, có thể khẳng định kinh tế tập thể với nòng cốt là các HTX đã góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, làm cho sức sản xuất được giải phóng, các nguồn tiềm năng phục vụ sản xuất như vốn, đất đai, lao động, công nghệ… ngày càng được khai thác và sử dụng hợp lý; Là cầu nối cho sự phát triển, trao đổi hàng hóa giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy sự phân công lao động xã hội. Thực tế cho thấy, ở đâu kinh tế tập thể được quan tâm phát triển thì ở đó nông nghiệp - nông dân và nông thôn có sự đan xen gắn kết chặt chẽ; an ninh thôn xóm được đảm bảo, đời sống xã viên người lao động được nâng cao.

Trong sự phát triển chung, Liên minh HTX tỉnh đã phát huy được vai trò nòng cốt, quan trọng trong thúc đẩy kinh tế HTX phát triển. Liên minh HTX tỉnh đã có những cách làm năng động, sáng tạo, chủ động để hỗ trợ hiệu quả cho khu vực HTX phát triển; tham mưu với các cấp chính quyền để có những biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX. Đồng thời nghiên cứu, học tập kinh nghiệm thực tiễn để vận động thành lập và nhân rộng các mô hình HTX mới; bảo vệ quyền, lợi ích của các thành viên, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đáng khích lệ; hiện nay kinh tế hợp tác, HTX  tỉnh Nghệ An vẫn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó hạn chế cơ bản nhất là quy mô về vốn; về thiết bị, tư liệu sản xuất; việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; hoạt động dịch vụ ngày càng bị thu hẹp, các hộ xã viên chủ yếu tự đảm bảo hoặc thông qua cung ứng phục vụ của kinh tế tư nhân; mục tiêu mở rộng sản xuất kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề còn lúng túng do thiếu định hướng và điều kiện về vốn, đất đai, trình độ kỹ thuật …

Trong những năm tới, dự báo nền kinh tế còn tiếp tục khó khăn, các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX, các mô hình làng nghề phải tự nỗ lực vươn lên, có định hướng hoạt động đúng và phù hợp với thực tiễn nội tại của mình và yêu cầu mới về cạnh tranh, hội nhập hiện nay. Trước hết, các đơn vị kinh tế tự chủ trong các lĩnh vực này phải tự xác định vị trí năng lực của HTX, Làng nghề, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trong chuỗi các tổ chức kinh tế trên thương trường, để có giải pháp và phương án  sản xuất kinh doanh, dịch vụ thích hợp. HTX tuy không vì mục tiêu lợi nhuận như các doanh nghiệp, nhưng mọi hoạt động phải hướng tới lợi ích của xã viên thành viên. Muốn vậy cần huy động tối đa sự tham gia của xã viên, thành viên vào sự phát triển HTX, cần liên kết, hợp tác để tăng cường năng lực và đủ sức cạnh tranh hội nhập vốn đang quyết liệt và gay gắt.

Quỳnh Lan

Tin mới