Xây dựng bộ chỉ số và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam

Nhằm phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Đề án xây dựng bộ chỉ số và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam.

Đề án này được xây dựng nhằm tìm hiểu các định nghĩa khác nhau về năng lực cạnh tranh quốc gia và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia trên thế giới; Tìm hiểu các bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia trên thế giới; Xác định khái niệm năng lực cạnh tranh quốc gia phù hợp với Việt Nam và lựa chọn các tiếp cận đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia cho Việt Nam…

Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững, Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đã có nhiều đổi mới, từ một nền kinh tế khép kín đã trở thành một bộ phận năng động của nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, song nền kinh tế còn đang tồn tại những thách thức, năng lực cạnh tranh còn yếu trên nhiều mặt. Năng lực cạnh tranh Việt Nam được đánh giá và xếp hạng ở mức khiêm tốn, thường thấp hơn so với các nước trong khu vực. Do vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững là nội dung quan trọng đối với việc phát triển nền kinh tế Việt Nam .


Theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo Dự thảo Đề án này, việc xây dựng Báo cáo chuyên sâu về năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam có thể thực hiện theo hai phương án. Phương án 1, dựa trên khung đánh giá năng lực cạnh tranh theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới, tập trung phân tích sâu thực trạng các nhân tố thuộc nhóm các yếu tố nâng cao hiệu quả.

Phương án 2 cũng dựa trên khung đánh giá năng lực cạnh tranh theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới và bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh. Thông tin và dữ liệu về bộ chỉ số được thực hiện trên cơ sở điều tra, khảo sát ý kiến từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp và chuyên gia. Việc thực hiện khảo sát là để xác định 20 chỉ số quan trọng nhất cần được cải thiện. Từ đó, báo cáo năng lực cạnh tranh tập trung phân tích sâu nhóm 20 chỉ số này và kiến nghị chính sách nhằm cải thiện các chỉ số đó.


Tuy nhiên, ý kiến của một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, xây dựng bộ chỉ số và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam không phải là báo cáo xếp hạng mà giúp Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô, tập trung các vấn đề cần cải thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam./.

Theo ĐCSVN-LH

Tin mới