Tăng cường quản lý khai thác cát, sỏi

(Baonghean) - Với tổng chiều dài hơn 1.000 km của đường thủy nội địa và có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản, nên nghề khai thác cát, sỏi trên sông ở địa bàn tỉnh ta phát triển rất nhanh. Thế nhưng, do thiếu quy hoạch, đầu tư chưa đồng bộ trong kinh doanh cát, sỏi đã gây nên tình hình phức tạp về an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Xóm 9, xã Hưng Lam (Hưng Nguyên) có 25 hộ dân sống bằng nghề sông nước và do nguồn lợi từ nghề đánh bắt cá trên sông Lam ngày càng cạn kiệt, nên 18 hộ dân đã chuyển sang nghề khai thác cát trên sông Lam. Bởi sự phát triển đa dạng của nghề sông nước, nên đã gây ra tình hình phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Hào – Chủ tịch UBND xã Hưng Lam cho hay: “Mặc dù sông Lam chảy qua địa bàn xã chỉ hơn 2 km, nhưng có vị trí, vai trò quan trọng đến đời sống của người dân. Để bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến đường thủy và nhất là trong vấn đề quản lý khai thác nguồn tài nguyên từ sông Lam, thời gian qua, xã chủ động phối hợp với các cấp, ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động và ký cam kết người dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về an toàn giao thông đường thủy, khai thác cát trên sông Lam. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và xử phạt kịp thời các trường hợp vi phạm, nên đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về an ninh trật tự, cũng như vấn đề  khai thác cát trên sông”.

Dòng sông Lam chảy qua địa bàn 10/23 xã của huyện Hưng Nguyên, nên từ bao đời nay cuộc sống của nhiều hộ dân dọc bên bờ sông này phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá và khai thác cát, sỏi. Do nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng tăng cao, nhiều hộ dân từ nghề đánh bắt thủy sản đầu tư vốn mua tàu, thuyền lớn và các thiết bị máy móc chuyển sang khai thác cát, sỏi. Hiện nay, trên địa bàn huyện có đến 105 phương tiện khai thác tập trung chủ yếu ở các xã Hưng Lam, Hưng Lợi, Hưng Phú, Hưng Lĩnh, Hưng Châu… và có 20 hộ kinh doanh  tại 19 bến, bãi tập kết cát, sỏi. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 55 phương tiện thủy nội địa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành chính và 2 bến được cấp phép theo quy định. Sự phát triển ồ ạt đó không những làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, đê điều, mà còn gây nên tình trạng phức tạp về trật tự trị an, an toàn giao thông đường thủy. Nghiêm trọng nhất là tại khu vực sông Lam gần cầu Yên Xuân (Hưng Xuân), do thay đổi dòng chảy và tình trạng khai thác cát, sỏi bừa bãi rồi một số hộ đầu tư xây dựng bến bãi kinh doanh loại vật liệu xây dựng đã gây nên tình trạng sạt lở đất bờ sông Lam, ảnh hưởng đến an toàn của tuyến đường sắt Bắc – Nam. 
Công an Hưng Nguyên  thu giữ các đầu hút, máy nổ hút cát của các thuyền khai thác trái phép.
Công an Hưng Nguyên thu giữ các đầu hút, máy nổ hút cát của các thuyền khai thác trái phép.
Trung úy Trần Quốc Hoàn – Đội phó CSGT Công an Hưng Nguyên cho biết: “Trước tình hình phức tạp về an toàn giao thông đường thủy và lĩnh vực khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn, huyện Hưng Nguyên đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và kiên  quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm 2014 đến nay, huyện Hưng Nguyên đã ban hành các chỉ thị, công văn, kế hoạch về  công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy và thành lập 2 đoàn kiểm tra đấu tranh phòng chống các hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép, qua đó đã xử lý 7 vụ vi phạm, thu giữ 9 đầu hút, máy nổ và đã xử phạt 3 vụ 30 triệu đồng, 4 vụ vi phạm khác đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để xử lý. Cùng với đó, tại vị trí bãi tập kết cát, sỏi cầu Yên Xuân, đã tiến hành lập biên bản xử lý chủ hộ kinh doanh Trần Văn Hợi về việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và chuyển UBND huyện xử lý theo thẩm quyền”. 
Hưng Nguyên là một trong những địa bàn thường xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh cát, sỏi trái phép và để đấu tranh, phòng chống có hiệu quả lĩnh vực này, thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý về giao thông đường thủy, tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Được biết, do mức độ nghiêm trọng của tình trạng sạt lở đất gần khu vực cầu Yên Xuân ảnh hưởng đến tuyến đường sắt, vừa qua Bộ Giao thông – Vận tải đã có dự án xây dựng kè chống sạt lở đất với số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh ta có 13 con sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài hơn 1.000 km (trong đó sông do Trung ương ủy thác quản lý là 120,2 km, sông do tỉnh quản lý gần 130 km và do cấp huyện quản lý là 751 km). Do đặc thù của tuyến đường thủy nội địa ở tỉnh ta rất đa dạng, việc quản lý của các cấp, ngành chức năng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi diễn biến phức tạp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 343 phương tiện chuyên khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên sông, có 83 bến, bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi và vấn đề nóng trong lĩnh vực này là rất nhiều phương tiện, bến bãi chưa đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, gây nên tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy, làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân…
Trước thực tế đó, Sở Giao thông – Vận tải đã có Quyết định số 322  ngày 3/7/2013 về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về vận tải hành khách trên tuyến thủy nội địa và việc khai thác khoáng sản trên sông. Với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành liên quan, Đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại 20 đơn vị trên địa bàn tỉnh, qua đó lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 39 trường hợp với số tiền 58,9 triệu đồng. Thượng tá Phan Đức Châu – Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Công an Nghệ An cho biết: “Thời gian qua, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phối hợp rất tích cực với các cấp, ngành liên quan trong việc đấu tranh với các vi phạm pháp luật về đường thủy nội địa và khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi trái phép trên sông. Trong 7 tháng đầu năm 2014, đơn vị đã tiến hành phát 8.200 tờ rơi có nội dung tuyên truyền pháp luật về đường thủy nội địa và khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi, trái phép trên sông, xây dựng 2 mô hình về “Bến đò kiểu mẫu” và “Làng chài bình yên”, qua đó nhân rộng mô hình tại các địa bàn trong tỉnh. Song song với công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt pháp luật về đường thủy nội địa, Phòng Cảnh sát đường thủy còn tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát địa bàn và từ đầu năm 2014 đến nay, đã tổ chức 156 ca tuần tra, kiểm soát, qua đó phát hiện 205 trường hợp vi phạm pháp luật về đường thủy nội địa  và xử phạt 527 triệu đồng”.
Với sự tích cực vào cuộc của các cấp, ngành chức năng góp phần chấn chỉnh tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi, trái phép trên sông. Tuy nhiên, để lĩnh vực này hoạt động thuận lợi, đúng quy định pháp luật, thời gian tới các phương tiện vận tải thủy cần tiến hành đăng kiểm an toàn kỹ thuật, đồng thời ban hành quy trình cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương…
Hoàng Vĩnh

Tin mới