"Đảm bảo nguồn điện trong mùa hè!"

(Baonghean) - Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Giám đốc Công ty Điện lực trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.
P.V: Theo dự báo năm nay thời tiết sẽ nắng nóng kéo dài, hạn hán, liệu ngành Điện có đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sinh hoạt và sản xuất của người dân hay không? Có xảy ra hay không tình trạng cắt điện luân phiên hoặc đột ngột do sự cố tăng giảm áp như các năm trước? 
Ông Nguyễn Thượng Hiền: Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng thủy văn và Trung tâm Điều độ điện quốc gia thì năm nay chúng ta đủ điện để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tích cực ủng hộ chương trình tiết kiệm điện trong toàn dân, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi địa phương, cần phải nêu cao ý thức trong việc tiết kiệm điện để mang đến lợi ích cho gia đình và quốc gia. 
Kiểm tra trạm biến áp tại Trạm điện Trung Đô - Thành phố Vinh. Ảnh: Đức Chuyên
Kiểm tra trạm biến áp tại Trạm điện Trung Đô - Thành phố Vinh. Ảnh: Đức Chuyên
Người sử dụng cũng có thể bị cắt điện vì một số sự cố, nhưng đó là những sự cố không mong muốn của ngành Điện, ví dụ như do thiên tai, sét đánh, mưa gió, bão lụt… Chúng tôi đang cố gắng hạn chế tối đa những sự cố không mong muốn đó bằng cách tích cực kiểm tra, phát quang hành lang an toàn lưới điện và thay đổi một số phương thức vận hành phù hợp để đảm bảo cấp điện cho người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất.
P.V: Vậy, ông có thể cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, những vùng nào người dân vẫn chưa được sử dụng lưới điện quốc gia, đâu là nguyên nhân?
Ông Nguyễn Thượng Hiền: Hiện nay trên địa bàn Nghệ An còn có 233 thôn, bản chưa có lưới điện quốc gia, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và một phần của huyện Thanh Chương. Đây là những điểm vùng sâu, vùng xa nên vấn đề kéo điện lưới quốc gia đang gặp nhiều khó khăn.
P.V: Ngành Điện đang dồn lực để triển khai các dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia. Vậy tiến độ dự án này đến nay như thế nào và ngành Điện hiện đang gặp những khó khăn gì? 
Ông Nguyễn Thượng Hiền: Dự án cấp điện cho 16 xã chưa có điện lưới là dự án được chuyển từ Sở Công Thương sang cho ngành Điện quản lý. Tổng số vốn của dự án là 750 tỷ đồng và đến nay đã được cấp 50 tỷ đồng. Giai đoạn 1 chúng tôi sẽ triển khai khoảng 250 tỷ đồng, sau đó triển khai tiếp 500 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ triển khai vào đầu tháng 6 tới và đến 2/9 sẽ đóng điện đến trung tâm các xã, sau đó đến tháng 10 sẽ đóng điện hết dự án. Vì dự án thuộc các địa điểm vùng sâu, vùng xa, đường đi lại hết sức khó khăn cho nên biện pháp thi công hết sức phức tạp, nếu thời tiết thuận lợi thì sẽ đẩy nhanh tiến độ đóng điện để đưa điện lưới quốc gia đến các khu vực trên nhanh hơn.
P.V: Trong quá trình thực hiện việc bán điện tại gia có nảy sinh một số vấn đề, trong đó việc hoàn trả tiền cho người dân khi ngành Điện sử dụng lại lưới điện nông thôn. Việc hoàn trả lưới điện hạ áp hiện đã thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thượng Hiền: Việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của tỉnh trong năm 2013 - 2014. Đặc biệt là trong năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề này và giao nhiệm vụ cho UBND các huyện. Và xem đó là một tiêu chí để xét danh hiệu thi đua của các đơn vị trong năm. Cho nên những tháng cuối năm 2014, tất cả các huyện đều nỗ lực cao độ để ngành Điện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn thuận lợi. Đầu năm 2014, chúng ta có 108 xã chưa bàn giao cho ngành Điện thì đến nay toàn tỉnh chỉ còn 6 xã chưa bàn giao lưới điện đó là TP. Vinh 1 xã, Diễn Châu 4 xã và Quỳnh Lưu 1 xã.
Tuy nhiên, trên thực tế sau khi tiếp nhận, ngành Điện gặp nhiều khó khăn do lưới điện cũ nát chưa được thay thế nên tổn hao về điện năng cao. Người dân khi sử dụng hạ tầng điện ở các HTX dịch vụ điện năng thì thường không có thắc mắc, nhưng từ khi giao cho ngành Điện quản lý thì thường xuyên có đơn khiếu nại về vấn đề yêu cầu phải di chuyển cột điện ra khỏi đất của các hộ, hay di chuyển địa điểm đặt công tơ… Ngoài ra còn có một số đường dây kéo ra phục vụ cho đồng lúa, đồng màu, người dân yêu cầu ngành Điện cũng phải tiếp nhận, mà trong tiêu chí là chỉ bán điện cho hộ dân nông thôn chứ không phải bán điện cho sản xuất ở đồng lúa, đồng màu.
Mặt khác, sau khi tiếp nhận, ngành Điện còn thiếu vốn để đầu tư, cho nên hiện nay Điện lực Nghệ An mới thay được các công tơ, hòm công tơ để đảm bảo giảm tổn thất điện năng, còn vấn đề đầu tư cải tạo lưới điện chưa được nhiều, chính vì thế cho nên một số khu vực điện áp chưa được tốt. Cái được của người dân khi sử dụng lưới điện quốc gia là giá tiền điện đúng theo quy định của Chính phủ, còn cái chưa được là chưa đầu tư kịp thời hạ tầng lưới điện, vì đầu tư là phải có dự án, mà còn nếu đầu tư theo dạng tối thiểu là ở trong phạm vi cho phép của Công ty Điện lực Nghệ An thì chưa cải thiện được hạ tầng nhiều. Sắp tới chúng tôi sẽ quyết liệt trong vấn đề này bằng những nguồn vốn khác nhau như vốn vay của ngân hàng thương mại, ngân hàng quốc tế… để đảm bảo cấp điện cho bà con an toàn hơn, chất lượng tốt hơn, giá tiền điện năng phải trả đúng với lượng điện năng đã tiêu thụ, theo giá điện của Chính phủ quy định. 
P.V: Hiện nay, ngành Điện đã triển khai thu tiền điện trực tuyến. Việc này được Điện lực Nghệ An triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Thượng Hiền: Hiện nay ngành Điện thu tiền điện bằng nhiều phương thức như qua ngân hàng, một số dịch vụ thu hộ, tự thu và đang triển khai mạnh phương thức thu hộ qua hệ thống ngân hàng. Khách hàng chỉ cần đến ngân hàng khai báo vào tờ khai do ngân hàng cung cấp, đồng ý để cho ngân hàng chuyển tiền tự động, thì đến tháng của kỳ công tơ, khi Điện lực gửi tin nhắn về điện thoại của cá nhân, ngân hàng sẽ tự động trích số tiền trong tài khoản của cá nhân để thanh toán cho Điện lực. Phương thức này đã triển khai ở Thành phố Vinh và một số vùng phụ cận và đã được người dân đồng tình, ủng hộ cao vì tiết kiệm được thời gian, công sức.
Vấn đề nữa là ngành Điện đã tiến hành sử dụng hóa đơn điện tử giao dịch. Các cơ quan, doanh nghiệp có thể tự in hóa đơn, theo dõi hóa đơn trên mạng có tính pháp lý như hóa đơn giấy. 
P.V: Để đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng điện của nhân dân, ngành Điện phối hợp với các địa phương như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ?
Ông Nguyễn Thượng Hiền: Ngành Điện hoạt động theo ngành dọc từ tập đoàn, xuống tổng công ty, xuống đến các công ty điện lực nhưng ngành Điện phục vụ trên địa bàn do địa phương quản lý cho nên có mối gắn kết lớn với địa phương. Tất cả các hoạt động của ngành Điện sẽ đạt hiệu quả cao nếu được các địa phương ủng hộ. Thông qua cuộc trao đổi này, chúng tôi mong muốn các địa phương ủng hộ ngành Điện và đó cũng chính là ủng hộ cho chính mình, bởi chúng ta sẽ giảm được rất nhiều vấn đề tiêu cực như ăn cắp điện, an toàn hành lang lưới điện và nhiều vấn đề khác. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn các địa phương tích cực ủng hộ, giúp đỡ ngành Điện hoàn thành tốt nhiệm vụ.
P.V: Xin cảm ơn ông!
P.V
(Thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới