Hiệu ứng chung từ biến động tiền tệ

(Baonghean) - Ngày 25/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục hạ giá đồng nhân dân tệ (NDT) thêm 125 điểm cơ bản xuống còn 6,3987 NDT đổi 1 USD. Chủ động ứng phó với biến động của đồng NDT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ giao dịch từ +/-1% lên +/-3%. Việc điều chỉnh đã tạo ra vị thế cạnh tranh của Đồng Việt Nam, đáp ứng với những diễn biến của thị trường.

Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND biến động kể từ sau sự kiện Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng Nhân dân tệ, và Ngân hàng Nhà nước hai lần nới biên độ và điều chỉnh tỷ giá, giao dịch mua bán ngoại tệ tại Ngân hàng Vietcombank Vinh vẫn diễn ra bình thường. Tỷ giá giao dịch ổn định trong biên độ cho phép. Bà Lê Thị Huệ Anh, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank Vinh cho hay, Vietcombank Vinh tích cực chủ động tư vấn cho khách hàng chỉ tiến hành các giao dịch ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu chính đáng và thực sự cần thiết, không nên chạy theo tâm lý đám đông...
Trong khi việc tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% và tăng biên độ giao dịch đô la Mỹ lên +/-3% đang tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất trong nước, sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam sẽ có mức giảm từ 3-5% tại các thị trường xuất khẩu như Nhật, EU, Mỹ. Hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam rẻ hơn cũng có nghĩa là cơ hội tăng xuất khẩu cao lên. Đối với Công ty CP chế biến thực phẩm Nghệ An Nafoods - doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nước ép trái cây sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông và một số quốc gia châu Á khác, thì không phải giảm giá bán để cạnh tranh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Nafoods cho biết: Mặc dù biến động đồng Nhân dân tệ, tỷ giá đô la Mỹ được điều chỉnh, nhưng không ảnh hưởng đến doanh nghiệp bởi các sản phẩm gấc, chanh leo xuất sang Mỹ, châu Âu của doanh nghiệp không cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc, nên không phải giảm giá bán. Trong khi đó, về góc độ điều chỉnh tỷ giá USD lại có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện công ty đã ký kết các đơn hàng cả năm nay. Năm 2015, Nafoods đặt mục tiêu doanh thu 615 tỷ đồng, lợi nhuận 83,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,1 lần và 4,17 lần so với thực hiện năm 2014. Từ năm 2015, Nafoods sẽ xuất khẩu chanh leo tươi đông lạnh với giá trị gia tăng cao hơn cho các khách hàng lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu đã cơ bản được hỗ trợ từ việc điều chỉnh tỷ giá, thì nhập khẩu khó khăn hơn. Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá USD/VND thêm 1% và tiếp tục nới biên độ giao dịch từ +/-2% lên +/-3%, tỷ giá đã tăng lên mức kịch trần. Cùng với đó, một số dự báo tiền đồng có thể sẽ tiếp tục mất giá thêm trong năm 2016 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan lo lắng. Mặc dù trong thời điểm giá dầu giảm, nhưng tỷ giá USD tăng khiến giá đầu vào tăng, nhiều doanh nghiệp nhập nguyên liệu, máy móc thiết bị sẽ đứng trước những khó khăn. Chẳng hạn, Công ty CP bia Hà Nội - Nghệ An đang phải đội thêm chi phí do hàng tháng nhập một khối lượng không nhỏ nguyên liệu từ các nước châu Âu; hay tại Công ty CP Nhựa bao bì Vinh, trong 6 tháng, doanh nghiệp nhập khẩu với kim ngạch hơn 5,27 triệu USD, chiếm tỷ lệ 74% nhóm hàng nhập khẩu hạt nhựa của tỉnh. Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp nhập nguyên liệu khoảng 1 triệu USD của nhiều nước; vì thế, ảnh hưởng từ tỷ giá đô la Mỹ là không nhỏ. Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, giá dầu giảm, nên giá nhập khẩu nguyên liệu theo USD cũng giảm, cân bằng được với khoản chênh lệch 5% của tỷ giá. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới, giá dầu quay đầu tăng trở lại, tỷ giá tiếp tục tăng thì rõ ràng doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng.
Cũng ở lĩnh vực bao bì, bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Bao bì kinh doanh tổng hợp cho biết, khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá, tỷ giá điều chỉnh ảnh hưởng đến giá nguyên, vật liệu. Tỷ giá hiện đã kịch trần, nên dù giá dầu giảm, nhưng giá nguyên liệu không giảm, trong khi giá đầu ra khó khăn (hiện sản phẩm của doanh nghiệp xuất sang Lào và một phần sang thị trường châu Âu). Hiện nay doanh nghiệp đang sử dụng nguyên liệu chuẩn bị sẵn trong kho, chưa mua với giá mới nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Được biết, sau lần điều chỉnh này, NHNN Việt Nam sẽ không tiến hành điều chỉnh tỷ giá nữa và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016. Xung quanh vấn đề biến động giá đồng Nhân dân tệ, theo lãnh đạo NHNN chi nhánh Nghệ An, các doanh nghiệp cần chủ động các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá để tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ biến động tỷ giá. Nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ, thị trường tiền tệ Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng, đòi hỏi NHNN phải tiếp tục có những bước điều chỉnh linh hoạt. Do đó, thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN, các doanh nghiệp cần chủ động các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá, để tránh những biến động không lường trước của thị trường.
Thu Huyền

Tin mới