"Mũi nhọn" kinh tế rừng ở Qùy Châu

(Baonghean) - Với lợi thế diện tích lâm nghiệp lớn, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với trồng rừng nguyên liệu và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Nhờ đó, kinh tế rừng kết hợp phát triển chăn nuôi quy mô gia trại ở Quỳ châu đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo trên địa bàn. 

Trở lại Châu Bình, vùng đất trước đây bị cày xới bởi tệ nạn khai thác đá đỏ dẫn đến rừng bị tàn phá nặng nề, bây giờ màu xanh đã được bao phủ của rừng. Thăm trang trại của anh Nguyễn Văn Phúc, bản Bình 2, trên diện tích 5 ha thuộc vùng khe đồi Triệu, lứa keo thứ 3 anh trồng 3,5 ha giờ đã khép tán cao quá đầu người. Chủ trang trại Nguyễn Văn Phúc đưa ra phép tính: Cây keo lai đã thực sự trở thành cây giảm nghèo cho gia đình anh khi mới đây gia đình đã thu được hơn 200 triệu đồng sau 2 vụ thu hoạch. Để thử nghiệm một số loại cây trồng khác trên đất được giao quản lý, anh Phúc đầu tư trồng 1 ha chuối tiêu hồng kết hợp chăn nuôi trang trại lợn địa phương 35 con, tạo thành mô hình khép kín lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi, khẳng định hướng đi phù hợp cho hiệu quả khá cao.
Kiểm tra công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng tại xã Châu Thắng.
Kiểm tra công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng tại xã Châu Thắng.
Trang trại của anh Nguyễn Văn Phúc là một trong số khá nhiều trang trại kinh tế lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi cho hiệu quả ở xã Châu Bình. Là một xã có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp nên Châu Bình tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng. Phong trào trồng rừng nguyên liệu đã trở nên mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn dân, bình quân mỗi năm trồng được 600 ha vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội (NQ giao 200 ha). Hiện tại Châu Bình đã trồng được 3.500 ha rừng tập trung và thu nhập từ lâm nghiệp đã chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nông - lâm - thủy sản (chiếm 21%/ 44% cơ cấu). Để lâm nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của xã, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục định hướng ổn định diện tích rừng hiện có, tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng các loại giống mới và các giải pháp KHKT để nâng cao năng suất bình quân hiện tại từ 120 tấn-150 tấn/ha lên 150 tấn - 180 tấn/ha. Đồng chí Lê Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại theo phương thức nông - lâm - chăn nuôi kết hợp. Trên cơ sở những mô hình hiệu quả, Châu Bình sẽ nhân rộng để bà con trong xã học tập và làm theo.
Vượt dốc núi cao quanh co trong tiết nắng gắt, chúng tôi tiếp cận được khu rừng khoanh nuôi có tác động của gia đình anh Lương Văn Nam, bản Bẩn, xã Châu Thắng. Thật ấn tượng trên diện tích 4,7 ha vùng khe Xan mà gia đình anh nhận khoanh nuôi rừng đã khoác một màu xanh mướt, tràn sức sống. Những cây gỗ to cao vút, xen giữa là những bụi lùng thân cây thẳng tắp. Anh Nam cho biết: Thu nhập từ lùng mỗi ngày khoảng 400.000 đồng. Ngoài ra, tận dụng lợi thế diện tích đất rừng, anh Nam phát triển chăn nuôi kết hợp làm ruộng nước: làm 6 sào ruộng lúa, đào ao thả cá, nuôi 5 con trâu và thả đàn vịt bầu...
Thu nhập tổng hợp từ các nguồn đã cho gia đình anh ổn định cuộc sống, lại có điều kiện để tập trung khoanh nuôi bảo vệ rừng tốt hơn. Tại bản Bẩn có 15 hộ nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng như anh Nam đến nay kinh tế đều có thu nhập ổn định. Với lợi thế có vùng lùng nguyên liệu tập trung nên xã Châu Thắng không ngừng đẩy mạnh công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, giao đất giao rừng đến với các hộ dân. Các bản Xẹt, bản Bẩn có diện tích lùng nhiều, xã phối hợp với Công ty TNHH Đức Phong tập huấn cho bà con phương thức vừa khoanh nuôi, vừa khai thác gắn với bảo vệ phát triển diện tích lùng tự nhiên. Đồng chí Sầm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Đối với cây lùng, Châu Thắng có diện tích phân bố tập trung, nhất là loại cây chỉ thích hợp với khoanh nuôi bảo vệ nên xã chỉ đạo các hộ dân có rừng đồng loạt áp dụng theo phương thức này. Không chỉ kinh tế lâm nghiệp đối với cây lùng mà Châu Thắng có đến 3.000 ha rừng/ gần 4.000 ha đất tự nhiên, do vậy chủ trương của xã kinh tế rừng vẫn là mũi chủ đạo, trong đó ưu tiên số 1 vẫn là công tác khoanh nuôi bảo vệ.
Quỳ Châu hiện có gần 77.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 72% diện tích đất tự nhiên. Còn nhớ, đã có thời điểm, rừng Quỳ Châu bị tàn phá do nạn phá rừng làm nương rẫy và tệ khai thác khoáng sản tràn lan trước đó. Tuy nhiên, nhờ thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, nên trong những năm gần đây, rừng được tái sinh nhanh, độ che phủ tăng lên. Đặc biệt, thực hiện “Đề án nâng cao công tác quản lý rừng và phát triển rừng giai đoạn 2013 - 2015”, huyện Quỳ Châu đã rà soát chuyển đổi trên 5.000 ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất; đẩy nhanh tiến độ giao đất lâm nghiệp cho các hộ dân. Đối với công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, chỉ đạo các chủ rừng khoanh nuôi, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có; lồng ghép các chương trình, dự án như Dự án 147, Dự án OXFAM về khoanh nuôi bảo vệ lùng, nhân giống lùng bằng phương pháp tách gốc 15 ha tại xã Châu Hạnh và Châu Thắng; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp trồng rừng theo Chương trình 661, nhờ đó, diện tích rừng trồng hàng năm đều tăng, trung bình mỗi năm, huyện trồng mới được gần 1.000 ha rừng tập trung, 60.000 - 85.000 cây phân tán, khoanh nuôi bảo vệ 20.000 - 25.000ha rừng.
Có thể nói, đến nay trồng rừng nguyên liệu đã phát triển khắp nơi trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Năm 2010 diện tích trồng mới tập trung và trồng sau khai thác hơn 5.325ha, giai đoạn 2011-2015 đạt 6.725 ha, gồm các loại cây chủ lực như keo lai, tre, mét và các cây bản địa có giá trị kinh tế cao tập trung nhiều nhất ở các xã Châu Bình, Châu Hội, Châu Hạnh và Châu Bính. Bên cạnh trồng rừng thì việc khoanh nuôi bảo vệ được chú trọng đẩy mạnh, nhờ đó đã nâng độ che phủ rừng hiện nay đạt 78%, đạt mục tiêu Đại hội. Theo tính toán của các hộ trồng rừng, với giá bán nguyên liệu như hiện nay thì mỗi ha rừng trồng nguyên liệu đến kỳ thu hoạch trung bình khoảng 60 triệu đồng/ha. Trừ chi phí giống, phân bón, công lao động và lãi suất vay vốn ngân hàng khoảng 20 triệu đồng, còn lãi 40 triệu đồng. Chưa kể thu nhập từ các loại cây trồng xen khi rừng chưa khép tán như rễ hương, sắn, dứa... Như vậy, bình quân mỗi năm lãi hơn năm triệu đồng/ha mà chỉ mất công trồng và chăm sóc trong 3 năm đầu, những năm còn lại chỉ phải bảo vệ, có thể nói đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với các hộ có đất rừng và khẳng định hiệu quả từ việc trồng rừng. 
Để công tác trồng rừng, đặc biệt là rừng nguyên liệu đạt hiệu quả cao, Quỳ Châu chỉ đạo các đơn vị lâm nghiệp như Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu phối hợp với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, vận động nông dân trồng rừng, bảo vệ rừng; tuyên truyền định hướng cho nông dân, nhất là bà con các dân tộc tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh trồng rừng, chuyển từ trồng rừng đơn giản sang trồng rừng kinh tế... Đồng chí Lê Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Định hướng của huyện trong thời gian tới, bên cạnh ổn định diện tích rừng hiện có thì cần tập trung đầu tư các giải pháp kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, hiệu quả để từ đó tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến MDF. Ở những vùng đất thấp, độ dốc ít, thổ nhưỡng phù hợp đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cây rễ hương, cây dược liệu, cây ăn quả... Đồng thời, làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ và phòng chống cháy rừng, khôi phục và phát triển hơn 10.000ha rừng lùng, không chỉ nâng độ che phủ mà còn tiếp tục khẳng định kinh tế lâm nghiệp rất quan trọng đối với Quỳ Châu.
Bài, ảnh: Hồng Sơn

Tin mới