Thanh toán điện tử song phương: Người sử dụng dịch vụ được gì?

(Baonghean) - Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Nguyễn Đại Chí về phương thức thanh toán mới này.

P.V: Thưa đồng chí, trong những năm qua, công tác thanh toán giữa KBNN và các đối tác đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì, và tại sao KBNN quyết tâm đẩy mạnh thanh toán điện tử song phương?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đại Chí: Trong thời gian qua, công tác thanh toán trong nội bộ hệ thống KBNN tuy đã được điện tử hóa, song công tác thanh toán của KBNN với các NHTM cơ bản vẫn được thực hiện thủ công, đặc biệt là tại các đơn vị KBNN quận, huyện. Vì vậy, nhiệm vụ tập trung các khoản thu NSNN, đáp ứng các nhu cầu thanh toán cho các đơn vị sử dụng NSNN chưa đáp ứng được yêu cầu; việc theo dõi thu, chi và tồn quỹ ngân sách các cấp chưa kịp thời; mất nhiều thời gian công sức trong việc xử lý các lệnh thanh toán. Đồng thời, người giao dịch cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, mất rất nhiều công sức cho hoạt động thanh toán.
Bên cạnh đó, việc thanh toán qua tài khoản tiền gửi cũng làm phân tán ngân quỹ, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của hệ thống KBNN nói chung và khả năng đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán chi trả của NSNN nói riêng. 
Nhằm giải quyết thực trạng nêu trên, KBNN xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải triển khai rà soát các điều kiện cần thiết, phân tích, đánh giá toàn diện các nhân tố tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống và báo cáo đề xuất chủ trương triển khai thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu với các NHTM. Mục tiêu là nhằm cải cách công tác kế toán, thanh toán, bảo đảm thanh toán nhanh, an toàn, chính xác các khoản chi NSNN và tập trung kịp thời, đầy đủ các khoản thu NSNN; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ NSNN và tăng cường công tác cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thu nộp NSNN; hình thành tài khoản thanh toán tập trung qua việc từng bước tập trung ngân quỹ nhà nước về Trung ương, hỗ trợ cho việc cải cách quản lý ngân quỹ Nhà nước theo hướng hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.
Trên cơ sở mục tiêu đặt ra nêu trên, hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu NSNN được nghiên cứu, xây dựng và triển khai. Theo đó, KBNN điện tử hóa các giao dịch thu, chi NSNN và thanh toán của KBNN qua NHTM trên cơ sở áp dụng giao dịch điện tử và chữ ký số, thay thế hoàn toàn phương thức thủ công giao nhận và xử lý thu, chi, thanh toán bằng chứng từ giấy trước đây giữa KBNN và NHTM; thực hiện tập trung ngân quỹ Nhà nước trên cơ sở hình thành hệ thống tài khoản tập trung tại Trung ương theo thông lệ quốc tế, bảo đảm định hướng cải cách quản lý ngân quỹ Nhà nước an toàn, hiệu quả. Trên cơ sở tập trung ngân quỹ, KBNN Trung ương có thể theo dõi được trực tuyến số thu, chi và chênh lệch thu, chi tại từng đơn vị KBNN quận, huyện cũng như trong toàn hệ thống. Qua đó, tạo thuận lợi cho việc dự báo thu, chi ngân quỹ Nhà nước trong ngắn hạn và hỗ trợ công tác cải cách quản lý ngân quỹ Nhà nước sau này.
P.V: Cho tới hiện nay, công tác này đã được triển khai với các ngân hàng thương mại nào, và kết quả đã đạt được như thế nào, thưa đồng chí?
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đại Chí: Sau khi ngành Tài chính và hệ thống KBNN triển khai thành công hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) thì việc áp dụng phương thức thanh toán này đã được triển khai trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại; theo hướng tự động hóa, tăng tốc độ xử lý giao dịch, bảo đảm an toàn, bảo mật, dễ dàng kết nối, mở rộng giao diện với các hệ thống ứng dụng khác trong và ngoài hệ thống. Cho tới nay, KBNN đã hợp tác triển khai với 4 hệ thống NHTM: Vietinbank, BIDV, Agribank, Vietcombank.   
Qua hệ thống này, trung bình 1 ngày có khoảng 25 nghìn lệnh thanh toán chi trả với doanh số khoảng 2.500 tỷ đồng (chủ yếu là chi NSNN) và khoảng 36 nghìn lệnh thanh toán thu, gồm cả thu NSNN và thu khác với doanh số khoảng 2.700 tỷ đồng (chủ yếu là thu NSNN). Từ đó, đánh giá kết quả triển khai cho thấy, chỉ trong cải cách quy trình và thủ tục hành chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thì đây là một thay đổi cơ bản về kỹ thuật và nghiệp vụ, ứng dụng giữa KBNN và 4 hệ thống NHTM; cải thiện đáng kể chất lượng công tác kế toán, thanh toán của KBNN; góp phần đẩy nhanh quá trình điện tử hóa công tác giao dịch giữa KBNN và NHTM nói chung và của KBNN nói riêng trong quá trình thanh toán, chi trả của NSNN và tập trung các khoản thu NSNN, thay thế hoàn toàn phương thức thủ công giao nhận, xử lý và thanh toán bằng chứng từ giấy tại đơn vị KBNN cấp huyện với NHTM được duy trì từ trước đến nay. Từ đó tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ. Các giao dịch được đẩy nhanh hơn, chính xác hơn và đơn giản, thuận tiện hơn, dù khách hàng mở tài khoản tại các hệ thống NHTM khác 4 hệ thống nêu trên. 
P.V: Đồng chí có thể nói rõ hơn về hiệu quả của việc đưa phương thức này vào thực tế? 
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đại Chí: Trong công tác quản lý quỹ ngân sách Nhà nước, phương thức này góp phần điện tử hóa giao dịch và mở rộng khả năng kết nối với các hệ thống khác, từ đó đẩy nhanh quá trình tập trung các khoản thu vào NSNN. Khác với việc xử lý, giao nhận và thanh toán bằng chứng từ giấy trước đây, các khoản thu nộp NSNN có thể đến KBNN qua nhiều kênh thanh toán đa dạng, dưới hình thức chứng từ điện tử, tự động và an toàn, kịp thời. Bên cạnh đó, với việc thực hiện giao dịch điện tử có sử dụng chữ ký số thì các thông tin thu NSNN từ các NHTM được bảo đảm toàn vẹn dữ liệu, bảo mật và tự động hóa trong các quy trình xử lý từ NHTM đến KBNN và các cơ quan quản lý thu NSNN, góp phần thuận lợi cho công tác tập trung, hạch toán kế toán các khoản thu NSNN được kịp thời, chính xác; bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế, giảm thời gian nộp thuế và góp phần chống thất thu NSNN. 
Đối với các khoản chi NSNN từ KBNN qua các NHTM, thay vì phụ thuộc vào phiên thanh toán và giao nhận, thanh toán bằng chứng từ giấy như trước đây, các khoản chi NSNN sau khi được kiểm soát sẽ thực hiện ngay lập tức theo từng giao dịch thanh toán online, do vậy bảo đảm cho việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các khoản chi của NSNN trong công tác quản lý quỹ NSNN, bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi của đối tượng thụ hưởng NSNN, các doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ cho đơn vị công. Hệ thống này cũng đã tạo điều kiện cho KBNN trong việc hạch toán kế toán, thanh toán kịp thời các khoản chi NSNN vào mọi thời điểm khác nhau trong ngày, không bị phụ thuộc vào giờ hành chính của các phiên thanh toán. Việc này đặc biệt có ý nghĩa khi các giao dịch chi NSNN được thực hiện cho các nhu cầu cấp thiết của Nhà nước hoặc những dịp nhu cầu chi tiêu của NSNN tăng cao như cuối tháng, cuối năm.
 Ngoài ra, việc triển khai hệ thống và xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung tạo điều kiện giúp Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước dự báo được nhanh chóng các luồng tiền vào ra của khu vực công để xác định các phương án điều hành chủ động, linh hoạt và có hiệu quả; đồng thời, tăng cường khả năng kiểm soát, dự báo luồng tiền vào ra. Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước chỉ cần theo dõi sự biến động trên các tài khoản chính của KBNN tại Trung ương là kiểm soát được toàn bộ sự biến động về thu, chi của khu vực công, làm cơ sở để điều chỉnh lượng cung cầu tiền trên thị trường phù hợp, bảo đảm sự phối kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hiện nay cũng như lâu dài. Đồng thời, đã làm giảm đáng kể chi phí lao động của ít nhất 2 bước nhập liệu của kế toán và kiểm soát của kế toán trưởng hàng ngày, giảm chi phí hành chính trong việc đi lại giao nhận và đối chiếu chứng từ, tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ, thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, hiệu quả gián tiếp của dự án đem lại là không nhỏ trong việc giảm các chi phí xã hội trong các khâu khác nhau của quy trình thanh toán giữa KBNN, các NHTM và các đối tượng liên quan.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Tổng giám đốc!
Sông Hồng
(Thực hiện)

Tin mới