Niềm vui từ "tàu 67"

(Baonghean) - Một ngày cuối tháng 8 chúng tôi về xã Nghi Quang (Nghi Lộc) nơi có con tàu vỏ gỗ 405 CV của ông Nguyễn Xuân Tri được đưa vào sử dụng trong tháng 6/2015 từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67. Sau hơn 2 tháng hạ thủy hoạt động đánh bắt hải sản, con tàu này đã đem lại hiệu quả khả quan...

Mấy hôm nay tàu cá của ông Nguyễn Xuân Tri đang nghỉ để vá lưới và tiếp thêm lương thực thực phẩm, đá lạnh sẵn sàng cho chuyến ra khơi mới. Ông Tri mời chúng tôi lên tàu và hồ hởi giới thiệu từng thiết bị hiện đại trên con tàu công suất lớn, máy móc tiên tiến của Nhật Bản. Ông Tri kể, hơn 30 năm gắn bó với biển cả, đã từng kinh qua nhiều nghề như nghề dạ, nghề vây rút chì, nghề vó.. nhưng đến nghề rê bay này, ông Tri hoàn toàn tin tưởng với tính hiệu quả kinh tế và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bởi đặc thù của nghề này chuyên khai thác cá thu có giá trị kinh tế cao hơn các loài cá khác nên ngay cả khi khai thác được sản lượng ít thì vẫn đảm bảo mức lãi cho mỗi chuyến ra khơi. Hiện đang là mùa "giáp hạt" cá thu nên sản lượng khai thác chưa nhiều, từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau là chính vụ cá thu, chắc chắn sẽ khai thác được nhiều hơn. Riêng đầu tư ngư lưới cụ cho nghề này đã hết 3,6 tỷ đồng, với vàng lưới có chiều dài 14 km, chiều đứng 50m, mỗi lần thả lưới trên biển hết 2 tiếng đồng hồ mới xong...
Tàu cá của ông Nguyễn Xuân Tri ở Nghi Quang (Nghi Lộc).
Tàu cá của ông Nguyễn Xuân Tri ở Nghi Quang (Nghi Lộc).
Thủy chung với biển cả, trăn trở với nhiều nghề, từ thuyền 33 CV đi nghề vó ánh sáng lên tàu 155 CV nghề vây rút chì, rồi đến tàu 800  CV nghề dạ, ông Tri vẫn chưa bằng lòng với năng lực chinh phục biển cả của các nghề này. Nghị định 67 của Chính phủ ra đời đã chắp cánh cho hoài bão chinh phục đại dương trong ông và ông nhanh chóng tìm hiểu chủ trương, tiếp cận một số ngân hàng để vay vốn nhưng đều bị từ chối cho đến khi ông tìm đến Chi nhánh Vietcombank Vinh và được ngân hàng này chấp thuận cho vay 5,5 tỷ đồng theo đúng chủ trương ưu đãi của Nghị định 67. Cùng với đặt đóng tàu, ông nhanh chóng đưa anh em ra tận Nam Định để học nghề rê bay, trực tiếp theo tàu cá của họ đi đánh cá trên biển hàng tháng trời cho đến khi thành thạo nghề. 
Con tàu vỏ gỗ dài 22m, rộng 5,84m, cao 3,1m được ông Tri đặt đóng tại Công ty đóng tàu thuyền Hải Châu, với tổng kinh phí vỏ và trang bị máy móc, ngư lưới cụ hết 7,9 tỷ đồng. Sau hơn 6 tháng thi công, con tàu đã được hoàn thành và hạ thủy vào ngày 19/5/2015, đến ngày 13/6 tàu cá NA 91459 chính thức vươn khơi đánh cá chuyến đầu tiên trên vùng biển Vịnh Bắc bộ trong niềm vui sướng xen lẫn hồi hộp lo âu của 8 anh em đi trên tàu mới, nghề mới. Chuyến biển đầu tiên của nghề rê bay, các anh em vừa học vừa làm đánh được 161 kg cá thu bán vừa đủ hòa vốn. Mỗi chuyến đi biển từ 3 - 10 ngày, thông thường thả lưới từ 5 giờ chiều sau 2 tiếng đồng hồ mới thả xong lưới chờ đến 12 giờ đêm bắt đầu kéo cá. Cứ như vậy, tùy vào những chuyến trúng được luồng cá nhiều thì về sớm. Mỗi lần cập bến trên tàu có bao nhiêu cá thu cũng được thương lái săn đón mua hết, với giá cá loại 1 (từ 4 kg/con trở lên) giá bán 150.000 đồng/kg; cá loại 2 nhỏ hơn bán 110.000 đồng/kg. Tính đến nay, tàu NA 91459 TS của ông Tri đã có 6 chuyến đi biển, tổng thu hoạch gần 3 tấn cá thu, tổng giá trị hơn 307 triệu đồng, trừ các loại chi phí sản xuất còn lãi ròng 73 triệu đồng.
Các thành viên trên tàu vá lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Các thành viên trên tàu vá lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tri phấn khởi chia sẻ: “Nhờ có chính sách ưu đãi của Nhà nước quan tâm đến ngư dân, tạo điều kiện cho nhiều ngư dân có cơ hội được đóng tàu to, máy lớn đảm bảo an toàn vươn khơi xa khai thác hải sản đối với ngư dân bám biển chẳng có niềm vui nào hơn thế. Gia đình tôi may mắn là 1 trong 3 hộ đầu tiên của tỉnh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 67 cho ngư dân trả nợ trong 10 năm, giúp chúng tôi có thời gian tích lũy để hoàn trả vốn cho ngân hàng. Song với tín hiệu khả quan của nghề rê bay tôi tin mình đã đầu tư đúng, trúng và trong khoảng 5 năm tôi sẽ cố gắng trả hết nợ vay. Điều ưu việt hơn nữa của chính sách này là trong thời gian 1 năm đầu ngư dân không phải trả gốc và lãi vay nên đã giảm được áp lực trả nợ trong năm đầu tiên, điều này đã giúp người vay yên tâm sản xuất, đồng thời có kế hoạch chủ động tích lũy nguồn vốn để trả nợ ngân hàng cho những năm tiếp theo”.
Với chính sách ưu đãi của Nhà nước, tuy thời gian đầu đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, song với sự quan tâm vào cuộc tháo gỡ vướng mắc của các ngành, các cấp liên quan và chính quyền địa phương sở tại, Nghị định 67 đang dần đem đến niềm vui cho ngư dân với nhiều cơ hội được sở hữu những con tàu công suất lớn, chất lượng tốt đảm bảo an toàn hơn cho ngư dân vươn khơi khai thác được nhiều hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 
Quỳnh Lan
TIN LIÊN QUAN

Tin mới