Phát triển cam thành cây chiến lược của tỉnh

(Baonghean.vn) - Sáng 6/11, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với các ngành, các huyện liên quan và Công ty NN Xuân Thành, Nông nghiệp 3/2 về giải pháp phát triển cây cam. Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp
Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp

Tai cuộc họp, Sở NN & PTNT báo cáo về chính sách hiện hành, những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho cây cam, giải pháp để cây cam phát triển.

Diện tích cam Nghệ An hiện có 3.425 ha, trong đó diện tích kinh doanh 1.867 ha. Cam được trồng ở Quỳ Hợp: 1.642 ha, Nghĩa Đàn 425 ha, Thanh Chương 303 ha, Yên Thành  228 ha, Con Cuông 137 ha, Nam Đàn 162 ha, Anh Sơn 105 ha và rải rác ở Hưng Nguyên, thị xã Thái Hoà, Tân Kỳ, Nghi Lộc.

Hiện nay, năng suất cam toàn tỉnh bình quân đạt 120 - 150 tạ/ha, sản lượng trên 3.000 tân/năm. Nghệ An đã xây dựng được thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý "CAM VINH",  thị trường tiêu thụ khá tốt. Cam có thể cho thu nhập cao từ 1.500 - 2.000 triệu đồng/ha/năm, là cây có thể làm giàu, đem lại thu nhập góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc Sở NN và PTNT báo cáo tình hình cây cam trên địa bàn

Đồng chí Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc Sở NN & PTNT: "Chính sách cho cây cam chưa đủ mạnh, chưa đủ nguồn lực để thực hiện và nên đầu tư hỗ trợ cho người dân".

Tại cuộc họp, các đại biểu nêu lên một khó khăn đối với cây cam: Mặc dù một số vùng có điều kiện mở rộng diện tích trồng cam, nhưng đời sống của người dân còn khó khăn nhất là đồng bào dân tộc ở một số xã vùng cao của huyện Con Cuông, Quỳ Hợp... người dân khó có điều kiện đầu tư trồng mới, chăm sóc thâm canh đảm bảo quy trình kỹ thuật.

Cây cam tuy đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng rất khắt khe về điều kiện đất đai, yêu cầu kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh greening gây nhiều thiệt hại, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất cam chưa được quan tâm đúng mức nhất là các công trình thuỷ lợi tưới tiêu, một số tuyến giao thông nội đồng vùng quy hoạch chưa tốt... Cuộc họp cũng thảo luận thêm chính sách cho cây cam.

Trồng cam ở Tân Hợp, Tân Kỳ. ảnh P.V
Trồng cam  ở Tân Hợp, Tân Kỳ. ảnh P.V
Kết luận cuộc họp, đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Cam là 1 trong 12 cây trồng chủ lực của tỉnh. Để cây cam phát triển cần hướng tới thị trường xuất  khẩu, cần có  chính sách mạnh hơn cho cam. Tỉnh sẽ rà soát qui hoạch hiện nay và mở rộng qui hoạch cam, bố trí nguồn lực cũng như các chính sách đảm bảo để phát triển cây cam.

Châu Lan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới