Cơ hội thúc đẩy phát triển thủy sản miền Trung

Tính đến nay, nuôi trồng thủy sản (NTTS) miền Trung đã đạt nhiều thành tựu, diện tích khoảng 35.106 ha, sản lượng nuôi ước 108.558 tấn… Tuy nhiên, vẫn chưa khai thác hết tiềm năng trong vùng.
Nhiều lợi thế
Theo Chi cục NTTS các tỉnh miền Trung, diện tích có khả năng NTTS của các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận khoảng 60.980 ha. Trong đó, khả năng nuôi mặn, lợ 28.892 ha và nuôi nước ngọt 32.088 ha. Ngoài ra, còn khoảng 76.660 ha có thể xây dựng thành khu bảo tồn để bảo vệ và phát triển giống thủy sản giá trị cao.
Các tỉnh miền Trung có những đặc thù và thế mạnh riêng để NTTS. Trong đó, tiềm năng phát triển nuôi thủy sản đầm phá lớn, khi có tới 12 đầm phá ven biển, với tổng diện tích mặt nước 42.935 ha. Đây là vùng tiềm năng nuôi tôm, cá theo phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến nhằm đảm bảo ổn định, bền vững, tạo sinh kế cho bộ phận dân nghèo ven biển;.
.
Thu hoạch tôm tại Hà Tĩnh.
Ngoài ra, với bờ biển dài, nguồn nước trong sạch và có một số vũng vịnh kín gió khả thể phát triển nuôi biển, đặc biệt nuôi tại các vùng biển hở. Đây là hướng đi lâu dài của ngành thủy sản nói chung và NTTS nói riêng. Chưa kể, phát triển nuôi tôm hùm với lợi thế có nguồn lợi giống tự nhiên. Mặt khác, nơi đây còn có tiềm năng phát triển nuôi nhuyễn thể với nhiều loài có giá trị kinh tế cao như bào ngư, ốc hương, hàu, vẹm… và phát triển trồng rong biển.
 Các tỉnh miền Trung còn có diện tích đất cát lớn với khoảng 84.000 ha, hoàn toàn có thể phát triển NTTS. Cùng đó, là khoảng 237 hồ chứa với tổng diện tích 58.000 ha, tiềm năng phát triển cho nuôi lồng bè, nuôi quảng canh cải tiến, đặc biệt, một số hồ chứa phù hợp nuôi cá nước lạnh. Ngoài ra, với nguồn nước sạch, độ mặn ổn định, khu vực miền Trung được xác định là trung tâm sản xuất giống sạch bệnh cung cấp cho các vùng nuôi trong cả nước.
Chưa nói đến, khu vực này có đa dạng sinh học cao với nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau như dải cát ven bờ, rừng ngập mặn, rạn san hô, có biển, rong biển, cửa sông, vùng triều, đầm phá, vũng vịnh; hệ sinh thái đầm phá phong phú về nguồn lợi thủy sản, trong đó, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có số lượng loài cá nhiều nhất (162 loài); đầm Thị Nại 116 loài. Cùng đó là rạn san hô với mật độ cao, với 81 loài tạo thành những đảo san hô là nơi cư trú của nhiều loài cá cảnh như: cá dìa, cá bàng, cá bưới, cá đuôi gai, cá mú… Điều kiện rất thuận lợi để hướng tới phát triển ngành công nghiệp cá cảnh.
Mục tiêu
Quy hoạch phát triển NTTS miền Trung trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả loại thế, tiềm năng, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành. Hình thành các vùng nuôi tập trung, thâm canh ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái gắn kết với khu công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Theo dự án quy hoạch, đến năm 2020, tổng diện tích NTTS toàn vùng đạt 38.380 ha; trong đó, diện tích NTTS nước mặn, lợ là 21.098 ha chiếm 57,1%, diện tích nuôi nước ngọt là 16.472 ha, chiếm 42,9%. Với tổng sản lượng đạt khoảng 167.420 tấn; trong đó, sản lượng NTTS mặn, lợ đạt 125.910 tấn chiếm khoảng 75,2%, sản lượng NTTS nước ngọt đạt 41.510 tấn, chiếm khoảng 24,8%.
Về sản xuất giống thủy sản, dự kiến cung cấp cho thị trường 100 tỷ giống hải sản các loại và 400 triệu giống thủy sản nước ngọt. Thu hút và giải quyết việc làm cho 80.000 lao động. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,2 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7%/năm (giai đoạn 2016 - 2020).
Đến năm 2030, tổng diện tích NTTS đạt 39.560 ha; trong đó: diện tích nuôi mặn, lợ là 22.068 ha chiếm 55,8%, diện tích nuôi nước ngọt là 17.492 ha chiếm 44%. Tổng sản lượng đạt khoảng 213.490 tấn, trong đó: sản lượng NTTS mặn, lợ đạt 162.100 tấn chiếm khoảng 75,9%, sản lượng nuôi nước ngọt đạt 51.390 tấn chiếm khoảng 24,1%.
Dự kiến cung cấp cho thị trường 120 tỷ giống hải sản các loại và 600 triệu giống thủy sản nước ngọt. Thu hút và giải quyết việc làm lao động cho khoảng 85.000 lao động. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt gần 1,5 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng bình quân 2,4%/năm (giai đoạn 2021 - 2030).
Theo Thủy sản Việt Nam

Tin mới