Đãi ngộ cao, lao động vẫn nghỉ

Nhiều doanh nghiệp tại TP HCM chia sẻ, dù xây dựng chế độ đãi ngộ thế nào đi nữa thì sau Tết, người lao động vẫn nghỉ việc, doanh nghiệp không thể chủ động được kế hoạch sản xuất.
Nỗi lo thiếu hụt lao động sau Tết luôn ám ảnh các doanh nghiệp. Ảnh: Lê Quân.
Nỗi lo thiếu hụt lao động sau Tết luôn ám ảnh các doanh nghiệp. Ảnh: Lê Quân.
 
Sau Tết Nguyên đán, con số thống kê lượng lao động nghỉ việc tại các doanh nghiệp luôn ở mức hàng chục nghìn người.
Số liệu từ Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP HCM cho thấy, số lao động nghỉ việc năm 2015 và 2016 không chênh lệch bao nhiêu, cùng xấp xỉ mức 20.000 người. Như vậy sau nhiều năm, việc thiếu hụt lao động sau Tết vẫn là bài toán khó đối với doanh nghiệp. Dù đã dự đoán trước và xây dựng chế độ tốt hơn rất nhiều nhưng việc ngăn chặn dòng lao động bỏ việc dường như không thể.
Chuẩn bị tiền để trả lương tăng ca
Năm nay, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết sau Tết Nguyên đán, riêng thành phố thiếu khoảng 19.000 lao động, đặc biệt hạng phổ thông. Còn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai thông báo, các doanh nghiệp tại tỉnh đang thiếu khoảng 31.000 lao động sau Tết.
Ông Trần Kim Quynh, Giám đốc Công ty may mặc Hưng Phú (Gò Vấp) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, việc đầu tiên khi bắt tay vào sản xuất sau Tết chính là tổ chức nguồn tiền để tăng ca, làm việc kịp tiến độ đơn hàng cho đối tác. Việc tiếp theo là phải càng nhanh càng tốt tìm kiếm lao động mới bù vào chỗ những công nhân đã nghỉ sau Tết cho đủ công suất chuyền. Công nhân ngành may lại phải mất vài tuần để đào tạo tay nghề. Chính vì vậy trong 2 tháng đầu năm, doanh thu của công ty chủ yếu bù đắp vào các chi phí tuyển dụng và đào tạo”.
Lương thưởng luôn là yếu tố đầu tiên để đánh giá tình trạng này. Nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ lệ tăng lương bình quân hiện nay của Việt Nam là tương đối cao, nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp và sự chênh lệch cũng tương đối lớn. Lý do cơ bản nhất chính là trình độ cũng như năng suất lao động tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực.
Theo các doanh nghiệp, thường sau các đợt nghỉ dài, người lao động phổ thông thường có tâm lý nghỉ việc để tìm cơ hội mới. Ảnh: Lê Quân.
Theo các doanh nghiệp, thường sau các đợt nghỉ dài, người lao động phổ thông thường có tâm lý nghỉ việc để tìm cơ hội mới. Ảnh: Lê Quân.
 
Ở Việt Nam, lương thưởng, đặc biệt là thưởng trong dịp Tết là một trong những chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp, nhằm giữ chân nhân viên.
Tuy nhiên, theo một tổ chức nghiên cứu về nguồn lao động và giới thiệu việc làm toàn cầu khảo sát mới đây, có đến 16,7% không được thưởng Tết. Mức thưởng dưới 1 tháng và 1-2 tháng chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt 35,6% và 31,5% trong số các lao động được khảo sát.
Khu vực ít biến động nhất chính là lao động tại lĩnh vực khai thác khoáng sản, xăng, dầu và khí đốt, vì họ nhận được mức thưởng cao nhất. 14% số lao động được khảo sát gần đây bởi Navigos Search cho biết, họ nhận được hơn 4 tháng lương thưởng. Trong khi đó, những ngành nghề có mức độ thâm dụng lao động cao như may mặc, gia công thủy hải sản, thực phẩm... thì mức lương thưởng được cho là không đủ để khích lệ.
Đãi ngộ tốt cũng khó giữ lao động
Tuy nhiên ông Quynh chia sẻ, nỗi sợ về thiếu hụt lao động sau Tết luôn ám ảnh các doanh nghiệp gia công. Do đó, trong nhiều năm qua, mức đãi ngộ đã tăng lên đáng kể.
"Dẫu vậy, sự cạnh tranh lao động có tay nghề trong ngành các ngành gia công, sản xuất là một lý do khiến cho việc ổn định nguồn lao động ngày một khó hơn. Trong khi đó, tâm lý người lao động luôn dao động, nên việc họ nghỉ nhiều khi không phụ thuộc vào vấn đề đãi ngộ. Nay họ nghe nơi này tốt, mai họ nghe nơi khác tốt, mình cũng không thế kiểm soát”.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Công ty dịch vụ số hóa tài liệu Digitexx cũng bày tỏ: “Với mục tiêu mở rộng chi nhánh trong năm tới nên nhu cầu gia tăng nhân sự trong công ty là rất lớn. Tuy nhiên việc tìm kiếm nguồn lao động chưa hoàn tất thì lại phải đối phó với việc lao động cũ nghỉ việc. Trước Tết, công ty đang hoạt động với khoảng 1.300 nhân sự, bước vào những ngày đầu năm mới số lượng lao động nghỉ việc chiếm khoảng 7%. Như vậy để ổn định công việc thì cũng phải mất thêm thời gian.”
Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, để đỡ mất thời gian và chi phí cho các hoạt động tuyển dụng sau Tết, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra mức đãi ngộ tương đối cao. Thậm chí hỗ trợ tối đa cho việc về quê ăn Tết, tuy nhiên khi đi làm cũng phải bắt đầu một chu kỳ tương tự năm trước.
Bà Thảo chia sẻ: “Xây dựng chế độ đãi ngộ tốt chỉ là một yếu tố nhỏ trong việc giữ chân người lao động. Chế độ tốt cũng phải tương xứng với năng suất lao động và doanh thu của doanh nghiệp. Phần lớn người lao động phổ thông sẽ nghĩ đến nhảy việc sau kỳ nghỉ, để tìm cơ hội khác. Đây là đối tượng lao động dễ bị chi phối nhất. Kỳ nghỉ dài ngày đã khiến họ bị tác động bởi nhiều người khác, với những lời giới thiệu chỗ làm khác. Thêm vào đó, họ luôn hy vọng sự thay đổi vào năm mới sẽ mang lại nhiều kết quả tốt hơn. Vì vậy doanh nghiệp không chủ động được tình trạng này, dù có nâng mức đãi ngộ như thế nào”.
Theo Zing.vn
TIN LIÊN QUAN

Tin mới