Nỗi lo tăng giá hàng tết

(Baonghean) - Tết Nguyên đán là thời điểm giá cả các mặt hàng tăng đột biến, nhất là thực phẩm và công nghệ phẩm. Bên cạnh đó là tình trạng buôn bán hàng hóa kém chất lượng, hàng giả khá phổ biến, bởi vậy công tác kiểm soát và quản lý giá cả hàng hóa cần được đẩy mạnh.

Hàng giả dễ trà trộn vào thị trường nông thôn dịp tết
Hàng giả dễ trà trộn vào thị trường nông thôn dịp tết

Hàng không niêm yết giá phổ biến

Chỉ còn chưa tới một tuần là đến tết Nguyên đán, bởi vậy không khí sắm tết đang nóng lên từng ngày, hàng hóa nhìn chung đều bán chạy hơn một tuần trước đó  từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, công nghệ phẩm, quần áo đến điện tử điện máy. Hầu như gia đình nào cũng phải sắm sanh cho cái tết đủ đầy, bù đắp cho một năm làm ăn vất vả. Các chợ, các siêu thị, cửa hàng quần áo, giày dép…ở thành phố Vinh, thị xã, thị tứ…  người mua chen nhau khá đông, trong đó mới chỉ có siêu thị, các cửa hàng thuốc tây niêm yết giá, ở các chợ giá cả hầu hết đều do người bán đưa ra, nhiều người nội trợ vì không có thời gian và ngại chen nên không có cơ hội khảo giá, nhiều người dễ mua phải giá đắt hơn ngày thường.

Bác Cao Thị Xuân phường Quang Trung cho hay: Là cán bộ hưu trí tôi phải đi chợ sớm sắm tết bởi giá cả sát tết năm nào cũng đắt, tiểu thương tăng giá từng ngày”.  Khảo quan hàng bánh kẹo là thấy giá chênh lệch khá lớn  giữa các chợ và siêu thị. Ví như cùng một hộp kẹo của Thái Lan ở chợ là giá 90 ngàn, nhưng ở siêu thị Intimex là 115 ngàn, ở môt quầy hàng dọc đường là 95.000 ngàn đồng. Bia Hà Nôi cũng thế, chênh nhau 10-15 ngàn đồng/ thùng là thường. Đối với thực phẩm, càng sát tết càng tăng giá, rau xanh cũng vậy. Ngày 23 tết, giá thịt bò, thịt lợn đã bắt đầu nhích lên do nhu cầu chế biến bò khô, bò ngâm mắm, bò kho…trước tết tăng cao. Một tiểu thương cho biết: “tết là dịp làm ăn nên hàng nào cũng tăng giá để kiếm thêm thu nhập, người cơ quan, đơn vị có tiền tết chúng tôi ở ngoài chợ cũng phải tăng giá thì gia đình mới có tết chứ”.

Tăng giá trong dịp tết chính vì vậy đã thành ám ảnh từ xưa đến nay khi cầu tiêu dùng lớn nhất trong mọi thời điểm. Do đó không ít gia đình tính mua tủ lạnh to để chất dự trữ thực phẩm đề phòng tăng giá. Hiện nay vận tải hành khách đã công khai đề nghị tăng giá vé trong dịp tết, dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh cũng tăng theo như: bảo vệ, trông coi, chăm sóc hàng hóa, rồi dịch vụ bao gói, vận chuyển cho khách hàng, tiền công trong dịp tết cũng tăng theo khiến hàng hóa tăng hơn ngày thường là điều dễ hiểu. Ví như một cành đào tết như năm ngoái vào ngày 20 âm lịch có khi giá chỉ 1 triệu đồng, song đến 27 tết trải qua bảy ngày trông giữ, bảo vệ, bán hàng…  cành đào đó cộng  thêm chi phí khác đã tăng thành 3-4 triệu đồng.

Do tăng giá nên người dân những năm gần đây đã đổ xô đi siêu thị. Nhưng ngay cả các siêu thị cũng có văn bản thông báo là những ngày sát tết giá cả “sẽ tùy thuộc vào nhà sản xuất”.

Nhiều giải pháp bình ổn giá

Thanh toán ở siêu thị Big C
Thanh toán ở siêu thị Big C

Chỉ số giá năm 2015 tăng tương đối thấp so với các năm trước đây (năm 2012 mức tăng là 8,64%; năm 2013 mức tăng là 12,27%; năm 2014 mức tăng là 3,24%). Nguyên nhân là do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm đã kìm hãm mức tăng của nhiều nhóm hàng, đặc biệt là nhóm giao thông giảm 12,7%. Bên cạnh đó giá các mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định, một số loại có xu hướng giảm mạnh như thép, chất đốt…Ngoài ra một yếu tố góp phần không nhỏ đó là do chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ đã phát huy hiệu quả như Bộ Tài chính triển khai thực hiện công tác bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương điều hành kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quản lý giá cước vận tải…

Trong năm 2015, các cấp các ngành đã tăng cường quản lý giá với hàng loạt văn bản như: Quyết định số 249/QĐ-UBND  ngày 20/01/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện đăng ký giá, kê khai giá, thông báo giá tại Sở Tài chính; Công văn số 684/STC về quản lý và hạ giá sữa cho trẻ em; Công văn số 802/STC-QLG&CS về kê khai giá các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công văn số 266/STC-QLG&CS ngày 03/2/2015 của Sở Tài chính về việc cung cấp bảng giá bán buôn tối đa, giá kê khai, giá bán lẻ khuyến nghị gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thông báo số 1141/TB-STC.QLG&CS ngày 25/5/2015 của Sở Tài chính về việc tiếp tục thực hiện bình ổn giá đối với sản phẩm sữa từ 01/6/2015 đến ngày 31/12/2016 và hướng dẫn đơn vị thực hiện giá tối đa, kê khai giá; Công văn số 2319 ngày 16/9/2015 của Sở Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã...

Bà Hoàng Thị Lê Dung, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh giám sát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định về quản lý giá và triển khai trên địa bàn, hướng dẫn, tiếp nhận, kiểm tra việc kê khai giá. Giá các mặt hàng thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước được Sở Tài chính thực hiện thông báo giá, trên cơ sở đó UBND các huyện, thành phố, thị xã áp dụng mức giá đó để thực hiện. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 389 đã triển khai nghiêm túc đồng bộ các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Trong năm 2015, tổng số vụ xử lý là 11.536 vụ, tổng giá trị thu phạt 271.391,640 triệu đồng. Bởi vậy nhìn chung giá cả các mặt hàng trong năm 2015 tương đối ổn định.Tết này dự báo giá cả vẫn  không tăng cao và hàng hóa nguồn cung dồi dào.

Mặc dù đã đạt được kết quả như trên, nhưng với địa bàn rộng lớn, lực lượng mỏng, có thể thấy công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn gặp nhiều cam go và chưa đạt yêu cầu nhất là thời điểm cận tết khi lực lượng thị trường đã nghỉ làm. Về công tác kê khai giá cũng chưa đồng đều và thực hiện tốt trên địa bàn nhất là đối với các chợ, các hộ kinh doanh. Công tác kiểm tra, phê bình, nhắc nhở, xử phạt trong vấn đề kiểm soát thị trường  vẫn còn hạn chế và chạy theo vụ việc.

Châu Lan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới