JICA và mong muốn phát triển nông nghiệp Nghệ An

(Baonghean.vn) - Từ đầu tháng 3/2016, đoàn chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các doanh nghiệp nổi tiếng của nước này đang tiến hành khảo sát để đầu tư các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp ở Nghệ An.

Vậy, vấn đề đặt ra là các cấp, ngành liên quan của tỉnh cũng như những chủ thể là nông dân cần làm gì để phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cao vị thế của nông nghiệp Nghệ An trong xu thế cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Mong muốn của nhà đầu tư

Khảo sát đầu tư ở Nghệ An, JICA đã đưa ra các chương trình, kế hoạch cũng như mong muốn của nhà đầu tư Nhật Bản đối với các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, mục tiêu của dự án là nâng cao tính minh bạch, an toàn trong các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch hoặc phân phối, kinh doanh và thành lập chuỗi thực phẩm hiệu quả theo nhu cầu thị trường.

Khi xây dựng chuỗi giá trị lương thực, việc hợp tác kinh doanh với các đơn vị cá nhân là điều không thể thiếu và quan trọng để đảm bảo tính ổn định và liên tục trong sản xuất cây trồng, vật nuôi theo quy luật cung - cầu. Vì vậy, JICA lựa chọn thực hiện dự án bằng mô hình “Sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng”, từng bước cải cách cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao giá trị nông sản, với mục tiêu tăng trưởng sản lượng ngành Nông nghiệp Nghệ An hàng năm là 4%.

Đoàn chuyên gia JICA khảo sát thị trường tiêu thụ nông sản tại chợ Vinh.
Đoàn chuyên gia JICA khảo sát thị trường tiêu thụ nông sản tại chợ Vinh. Ảnh: Cảnh Nam

Ngoài ra, JICA cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động sau thu hoạch, bao gồm chế biến và phân phối sản phẩm, tiến tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho Nghệ An, góp phần hình thành tập quán sản xuất nông nghiệp mới cho người nông dân.

Theo đó, JICA và các doanh nghiệp Nhật Bản khẳng định lựa chọn 3 hoạt động chính trong đầu tư phát triển nông nghiệp tại Nghệ An thực hiện từ tháng 3/2016 là: trồng cây lương thực, nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến nông sản; sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như bột trà xanh Matcha, rượu sake, rượu cam, muối các vị,… và nghiên cứu đưa các nông sản trở thành sản phẩm thương mại phục vụ ngành du lịch với phương châm: “Tận dụng tài nguyên con người, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa ở làng nông nghiệp tỉnh Nghệ An, thúc đẩy giao lưu thông qua hoạt động du lịch, hướng đến nâng cao nguồn thu nhập cho khu vực”.

Ảnh: Hồng Toại
Ảnh: Hồng Toại

JICA lên kế hoạch cuối tháng 4 - đầu tháng 5/2016 sẽ khảo sát việc trồng lúa và chất lượng gạo tại một số huyện; từ tháng 6 đến tháng 8/2016 sẽ tổ chức đoàn cấp cao khảo sát ở những địa phương có thế mạnh về các nông sản như chè, vừng, cam, bột sắn,...

Chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng

Qua khảo sát, các chuyên gia Nhật Bản cho biết, nhiều vùng miền của Nghệ An có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp sản xuất các loại nông sản, có tiềm năng cho sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nhất là cây chè. Các chuyên gia JICA nhận định cây chè ở tỉnh ta có tiềm năng lớn trong cung cấp nguyên liệu cho việc sản xuất bột trà xanh cao cấp Matcha ở Nghệ An.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, người dân vẫn chưa có tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại. Bởi vậy, dù Nghệ An đã thực hiện nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng giữa các cơ sở sản xuất và chế biến đối với các loại cây công nghiệp như mía, trà, cà phê, cao su, sắn... nhưng ngoại trừ cây công nghiệp thì có rất ít mô hình sản xuất theo hợp đồng đối với các loại nông sản khác.

Bên cạnh đó, các chuyên gia JICA cũng nhận thấy vẫn còn có những thách thức, hạn chế trong thực hiện hợp đồng sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An như: cả bên bán và mua đều không tuân thủ hợp đồng, nhà sản xuất bán sản phẩm nông nghiệp cho người khác trong trường hợp giá thị trường cao hơn giá ký giao dịch trong hợp đồng; không có bồi thường từ bên mua trong trường hợp thu hoạch kém; không có biện pháp phòng ngừa rủi ro đối với các nông sản có biến động giá lớn.

Đoàn chuyên gia JICA khảo sát các công trình thủy lợi tại xã Hòa Sơn, Đô Lương.
Đoàn chuyên gia JICA khảo sát các công trình thủy lợi tại xã Hòa Sơn, Đô Lương. Ảnh: Cảnh Nam

Còn trong sản xuất nông sản phục vụ du lịch, tuy Nghệ An có nhiều sản phẩm có thể kết hợp tốt nhưng hầu như chưa thực hiện được. Hơn 3 triệu lượt khách du lịch đến Nghệ An mỗi năm chỉ mới dừng lại ở việc tham quan các vườn cây, trang trại chứ chưa được tiếp cận, chứng kiến quá trình sản xuất, ăn thử để mua các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.

Có thể thấy, các chuyên gia JICA khi đã có thiện chí hợp tác, đã bắt tay vào làm việc thực sự với mong muốn phát triển, cải cách nền sản xuất nông nghiệp Nghệ An theo hướng tích cực, bắt kịp xu thế phát triển của thị  trường. Vì vậy, ngoài những nỗ lực cố gắng của lãnh đạo tỉnh, các cấp ngành liên quan thì còn cần đến vai trò, sự đóng góp hợp tác tích cực của người nông dân.

Đối với các mục tiêu, dự án mà JICA đã và đang xúc tiến tại Nghệ An, tinh thần hợp tác của người nông dân là tối quan trọng, quyết định phần lớn thành công, hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản. Người nông dân sẽ là một mắt xích quan trọng trong các mô hình dự án mà JICA đầu tư đều áp dụng là “Sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng”.

ok2.jpg

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN

Tin mới