Doanh nghiệp tham gia phát triển xe buýt

(Baonghean) - Những năm qua, ngành Giao thông Vận tải đã kêu gọi, thu hút được 6 doanh nghiệp phát triển dịch vụ công cộng bằng xe buýt. Hình thức vận tải này thể hiện được nhiều ưu điểm như giá rẻ, tần suất hoạt động hàng ngày cao, làm giảm thiểu sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm áp lực vận tải hành khách... 
Phát triển từ năm 2009, từ chỗ chỉ có 1 đơn vị, 2 tuyến đường nhưng đến nay xe buýt cơ bản đã khép kín địa bàn tỉnh với các “thương hiệu” của các doanh nghiệp trong tỉnh như Chi nhánh Tổng Công ty TM&XD Đông Bắc tại Nghệ An, Công ty CP dịch vụ, thương mại và du lịch Ngọc Ánh, doanh nghiệp tư nhân vận tải - du lịch và thương mại Thạch Thành và Công ty TNHH dịch vụ và du lịch Tân Phương Thảo…
Loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt của các doanh nghiệp trên được các tầng lớp nhân dân đánh giá rất cao khi đáp ứng nhu cầu đi lại hàng ngày, đảm bảo an toàn giao thông, góp phần tạo nên diện mạo mới cho hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh.
Xe buýt dừng đón khách tại đường Lê Lợi, TP. Vinh.
Xe buýt dừng đón khách tại đường Lê Lợi, TP. Vinh.
Ông Nguyễn Thanh Phong, cán bộ hành chính, Công ty TM&XD Đông Bắc tại Nghệ An cho biết: Năm 2009, công ty chỉ mới có 20 chiếc xe, chạy thử nghiệm ở 2 tuyến, đến thời điểm này công ty đã có 100 xe, khai thác 6 tuyến, tần suất xuất bến từ 25 - 30 phút/chuyến. Không chỉ đảm bảo về tần suất hoạt động, công ty còn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở đội ngũ lái xe, phụ xe có thái độ phục vụ khách lịch sự, cởi mở, hướng dẫn rõ về lộ trình di chuyển của từng tuyến xe buýt để hành khách hiểu rõ. Nâng cao chất lượng xe, trong năm 2015, công ty đã đầu tư trên 60 xe mới, tập trung đại tu các xe xuống cấp.
Doanh nghiệp tư nhân vận tải - du lịch và thương mại Thạch Thành đầu tư 40 xe, khai thác 3 tuyến, bao gồm tuyến Nghĩa Sơn - Nghĩa Đàn, tuyến TP. Vinh –Tân Kỳ, tuyến thị xã Thái Hòa - Tân Kỳ. Ông Trần Ngọc Thạch - Giám đốc doanh nghiệp trên chia sẻ: “Mỗi tuyến đều đầu tư hàng chục tỷ đồng, hiện gặp một số khó khăn như, tuyến thị xã Thái Hòa đi thị trấn Lạt - Tân Kỳ, dân cư thưa thớt nên ít có khách  rất lãng phí, tốn nhiên liệu, tuy nhiên chúng tôi vẫn hy vọng qua thời gian phục vụ khách hàng sẽ biết đến hãng xe buýt này hơn và sẽ dần ổn định lượng khách”.
Hoạt động vận tải khách bằng xe buýt còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải khách, đa dạng hóa loại hình vận tải khách nội tỉnh, người dân có nhiều sự lựa chọn trong việc di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng.
Theo ông Hùng, để chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động xe buýt, đoàn Thanh tra Sở GTVT thường xuyên kiểm tra hoạt động vận tải khách bằng xe buýt. Tại thời điểm kiểm tra, tất cả các đơn vị đều được Sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải, 100% xe đã được gắn thiết bị giám sát hành trình và hầu hết các xe đều được Sở GTVT cấp phù hiệu.
 Hiện nay vẫn còn một số tuyến chưa có nhà đầu tư khai thác như TP. Vinh đi Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu… Do địa bàn xa, thưa thớt dân cư nên các doanh nghiệp ngại đầu tư. Vì vậy, tỉnh đang kêu gọi tiếp tục xã hội hóa đầu tư, mời các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải đầu tư khép kín các tuyến xe buýt trên địa bàn. Cùng với đó, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế, chính sách ưu đãi theo đặc thù của địa phương để hỗ trợ cho các nhà đầu tư khai thác vận tải hành khách bằng xe buýt có hiệu quả.
Ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Nghệ An cho biết thêm: Tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp tham gia vận tải bằng xe buýt, khai thác 16 tuyến đường, riêng trong năm 2015 mở thêm 3 tuyến nội tỉnh gồm, TP. Vinh - thị xã Thái Hòa, TP. Vinh - Truông Bồn, Tân Kỳ, TP. Vinh - QL 46, QL 7 - Anh Sơn. Từ khi các tuyến xe buýt hoạt động, khép kín, tình trạng quá tải trên xe khách mỗi dịp cuối tuần tại một số tuyến huyện đã giảm, đặc biệt là tránh tình trạng ùn tắc giao thông ở một số đoạn tuyến TP. Vinh… 

 Văn Trường

TIN LIÊN QUAN

Tin mới