Hàng ngoại: Nhập nhằng 'vàng với thau'

(Baonghean) - Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố Vinh xuất hiện nhiều cửa hàng được gắn nhãn mác chuyên kinh doanh các mặt hàng nước ngoài. Thị trường được mở rộng, hàng hóa đa dạng, mở ra ngày càng nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của hàng nước ngoài cũng làm tăng tính cạnh tranh đối với hàng Việt trên thị trường bán lẻ. 
Có cầu ắt có cung 
Xu hướng chuộng hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài như Thái, Nhật, Hàn Quốc… ngày càng mạnh. Biết đến hàng Thái trong một lần được bạn bè tặng, gần hai năm nay, chị Nguyễn Kim Ngân (phường Hà Huy Tập, TP.Vinh) chuyển sang dùng nhiều mặt hàng xuất xứ từ nước này. Chị Ngân cho biết: “Hiện nay, nhiều đồ dùng trong nhà tôi như: Các loại mỹ phẩm, rửa bát, bột giặt, dép, bát, chén… đều có xuất xứ Thái Lan. Tôi thấy hàng Thái mẫu mã đa dạng, bền, đẹp mà giá cả chỉ nhỉnh hơn hàng Việt một ít. Hiện nay tìm địa chỉ mua sắm hàng Thái cũng rất thuận tiện”.  
hàng nhập ngoại
Hàng nhập ngoại canh tranh gay gắt với hàng nội. Ảnh minh hoạ.
Thực tế, “sính” hàng ngoại là tâm lý thường thấy của một bộ phận người tiêu dùng. Chị Phan Thị Thanh (phường Quán Bàu) - một “tín đồ” của hàng Nhật, cho biết: “Mình thường mua các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm dưỡng da, đắp mặt của Nhật vì nghe bạn bè “mách nước” các sản phẩm làm đẹp này dùng thích. Theo mình nghĩ, hàng ngoại chất lượng tốt hơn hàng nội nên mình còn mua sữa Meiji của Nhật cho bé (một tuổi) dùng đã gần một năm nay. Giá các mặt hàng này cao hơn hàng nội từ vài chục đến vài trăm nghìn nhưng mình khá yên tâm vì mua hàng từ người quen”. 
Với lợi thế mẫu mã đa dạng, giá cả chỉ cao hơn các sản phẩm Việt cùng loại từ 10 - 20%, các mặt hàng ngoại đang ngày càng “được lòng” người tiêu dùng thành phố. Các mặt hàng xuất xứ từ các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… có mặt trên thị trường ngày càng nhiều. Từ các siêu thị, đến các chợ, cửa hàng; thậm chí xuất hiện ngày càng nhiều những cửa hàng được gắn mác hàng ngoại.
Chưa có số liệu thống kê, tuy nhiên, chỉ riêng trên một số tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng bán hàng ngoại như: Hồng Bàng, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ… đã có đến hàng chục cửa hàng có biển hiệu giới thiệu bán hàng Thái, Nhật, Hàn Quốc. Tại đây, người tiêu dùng dễ dàng mua các mặt hàng từ thực phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng với đủ chủng loại, mẫu mã đa dạng, phong phú. Chủ một cửa hàng kinh doanh hàng Hàn Quốc (đường Nguyễn Văn Cừ) cho biết: Cửa hàng chúng tôi bán khá chạy, từ rong biển, nước uống, mì tôm, mỹ phẩm… Chúng tôi còn phân phối hàng cho nhiều cửa hàng ở các huyện Quỳnh Lưu, TX. Cửa Lò…
Vàng thau lẫn lộn
Sự xuất hiện của các mặt hàng xuất xứ nước ngoài đang làm phong phú thêm thị trường bán lẻ, tăng cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đáng lo ngại là việc kiểm soát các mặt hàng ngoại này vẫn còn những hạn chế nên người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi. Ghi nhận tại một số cửa hàng bán hàng xuất xứ nước ngoài trên địa bàn thành phố, hầu hết các mặt hàng lẫn lộn, xuất xứ không rõ ràng.
Tại một cửa hàng chuyên bán hàng Thái trên đường Hồng Bàng, có rất nhiều mặt hàng được bày bán từ thực phẩm, tới mỹ phẩm, hàng tiêu dùng. Ngoài những hàng hóa có xuất xứ Thái Lan, cửa hàng này còn bày bán các loại hàng hóa xuất xứ Malaysia, Hàn Quốc. Trong đó, một số mặt hàng không có nhãn phụ. Khi chúng tôi thắc mắc, chủ cửa hàng tên Hằng thừa nhận: Có người nhà ở Thái nên tôi lấy được với số lượng nhiều. Một số mặt hàng vì là hàng nhập lậu nên không có hóa đơn.  
Còn tại Siêu thị chuyên kinh doanh hàng Nhật Bản (đường Lê Hồng Phong) nơi có rất nhiều mặt hàng được giới thiệu là xuất xứ từ xứ Mặt trời mọc. Chủ cửa hàng cho biết: Hàng của chúng tôi bán rất chạy, đặc biệt là hàng cho trẻ em. Các mặt hàng của cửa hàng hầu hết là hàng “xách tay” nên không có nhãn phụ, khách hàng muốn biết thông tin sản phẩm thì mình lên mạng tìm hiểu để tư vấn. Mỗi tháng chúng tôi nhập khoảng 20 chuyến hàng, với số lượng đến cả tạ. Là hàng “xách tay” nên giá cao hơn các nơi khác nhưng chất lượng thì yên tâm”. 
Sữa bột nhãn mác nước ngoài là một trong những mặt hàng được bày bán nhiều tại các cửa hàng
Sữa bột nhãn mác nước ngoài là một trong những mặt hàng được bày bán nhiều tại các cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng nước ngoài tại TP.Vinh
Tại các cửa hàng chúng tôi tìm hiểu, có thể thấy phần lớn được gắn mác là hàng Thái, Nhật… xuất xứ nước ngoài nhưng lại chủ yếu là hàng “xách tay”, là những mặt hàng từ nước ngoài nhập về Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Vì vậy, số lượng thường hạn chế. Nhưng, nghịch lý là tại các cửa hàng này, hàng hóa lại bày bán với số lượng rất lớn. Đáng lo ngại là rất nhiều các mặt hàng “xách tay” đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, do đó, khách hàng đều sử dụng và bảo quản theo hướng dẫn của người bán. Trong khi, ngay chính những người bán hàng cũng rất mù mờ thông tin về sản phẩm. 
Trong khi, thực tế, vấn đề quản lý, kiểm soát các loại hàng hóa “xách tay” đang bài toán khó đối với các lực lượng chức năng. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thủy - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ xử lý – Chi Cục Quản lý thị trường cho biết: “Rất khó để chứng minh được có phải hàng “xách tay” hay không. Hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ thì đều bị coi như là hàng nhập lậu. Nhưng hiện nay hóa đơn trôi nổi nhiều, nhiều chủ cửa hàng tìm cách để đối phó với lực lượng chức năng; gây khó khăn rất lớn trong việc kiểm soát nguồn gốc của các mặt hàng nhập khẩu”. 
Rõ ràng, sự xuất hiện và gia tăng các loại hàng hóa Thái, Nhật, Hàn trên thị trường Nghệ An mang lại lợi ích cho người tiêu dùng khi có nhiều cơ hội lựa chọn và sử dụng các mặt hàng chất lượng. Tuy nhiên, thực tế, có nhiều loại hàng hóa bị pha trộn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây nhầm lẫn, thiệt thòi cho khách hàng. Bởi, với các hàng hóa “xách tay” rất khó có thể kiểm soát được chất lượng, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm... nguy cơ hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái rất cao. 
Thói quen mua sắm của người tiêu dùng hiện đại luôn ưu tiên cả mẫu mã và chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay, lựa chọn hàng ngoại, người tiêu dùng mới chỉ được thỏa mãn về tiêu chí mẫu mã đa dạng phong phú, còn chất lượng sản phẩm rất khó kiểm soát. Bởi vậy, khi mua hàng, người tiêu dùng cần lưu ý lựa chọn địa chỉ uy tín và chỉ nên chọn hàng đã được xác nhận chính hãng, có tem phụ bằng tiếng Việt, có thông tin chi tiết về các thành phần và hướng dẫn, hạn sử dụng… Đừng vì trào lưu mà coi nhẹ lợi ích, an toàn sức khỏe chính mình bởi chất lượng sản phẩm không nằm ở “mác” hàng ngoại. 
Thống kê của Chi Cục Quản lý thị trường, chỉ tính riêng trong năm 2015, đã tiến hành kiểm tra và xử lý 7.662 vụ vi phạm, trong đó trọng điểm vẫn là các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với 522 vụ. Cụ thể đã tịch thu và tiêu hủy trên 13,5 nghìn chai, lọ  mỹ phẩm các loại, 880 hộp thuốc tân dược và 888 hộp sữa nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, VS ATTP. Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã tiến hành xử lý 3.433 vụ vi phạm buôn lậu, hàng cấm; hàng giả; gian lận thương mại…
Nguyệt Minh 

Tin mới