Hàng ngoại và băn khoăn của người tiêu dùng

(Baonghean) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Sau khi gia nhập WTO và các hiệp định song phương, đa phương, thị trường Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đã, đang xuất hiện nhiều sản phẩm hàng hóa có xuất xứ từ nhiều nước trên thế giới mà phổ biến là hàng Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Doanh nghiệp sản xuất trong nước ngày càng phải cạnh tranh khốc liệt với các  doanh nghiệp nước ngoài, hàng sản xuất trong nước phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu trên sân nhà.
Ở Nghệ An, cụ thể là ở TP Vinh có rất nhiều cửa hàng bán hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc người tiêu dùng cần biết sử dụng sản phẩm “nhập khẩu” đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
`Không khó để tìm các cửa hàng tạp hóa, hàng thực phẩm, đồ gia dụng hay mỹ phẩm, rượu  “ngoại” trên các tuyến đường của TP Vinh hiện nay. Chỉ riêng dọc tuyến đường Hồng Bàng đã có mấy cửa hàng đồ gia dụng mang nhãn mác hàng Thái Lan. Nắm bắt tâm lý tiêu dùng của người Nghệ An chúng ta vẫn chuộng hàng Thái, từ gạo Thái, xà phòng Thái, bánh kẹo, nước giải khát Thái Lan... Trong vai người mua hàng chúng tôi đến các cửa hàng bán sản phẩm Thái Lan trên đường Hồng Bàng, Hải Thượng Lãn Ông, đường Kim Đồng,... cầm trên tay các sản phẩm bánh kẹo Thái, điều mà chúng tôi  băn khoăn là các thông tin in trên bao bì sản phẩm đều được viết bằng chữ Thái Lan không có nhãn mác phụ đề tiếng Việt. 
Không riêng sản phẩm bánh kẹo mà các sản phẩm nước giải khát, xà phòng, dầu ăn chỉ “độc” tiếng Thái Lan. Điều này đồng nghĩa khi mua các sản phẩm nước ngoài không có nhãn mác phụ đề tiếng Việt với những người không biết tiếng của nước đó như chúng tôi thì không thể biết  được thông tin quan trọng của sản phẩm phục vụ cho mục đích của người tiêu dùng. Hầu hết khách mua hàng đều do nhân viên bán hàng giới thiệu hoặc dựa vào kinh nghiệm. Câu trả lời chung chúng tôi nhận được là cửa hàng đảm bảo chất lượng, không có hàng tồn kho, quá hạn sử dụng. Nhưng thật khó để mà kiểm chứng được câu trả lời của nhân viên bán hàng.
Cùng với các mặt hàng gia dụng, mỹ phẩm là hàng hóa thu hút được sự quan tâm của chị em. Nắm bắt được xu thế này, các cửa hàng mỹ phẩm mọc lên ngày càng nhiều với lời mời chào như mỹ phẩm chính hãng Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Canada, Pháp... Có mặt tại cửa hàng mỹ phẩm trên đường Phong Định Cảng với tên cửa hiệu: Đại lý mỹ phẩm chính hãng của Tenamyd, Channel, Dior... Nhãn mác của các mặt hàng này rất đa dạng, phong phú, đầy đủ các chủng loại mang thương hiệu nổi tiếng nhưng khi xem bao bì phần lớn đều ghi tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt và giá cả rẻ hơn so với cửa hàng “chính hãng” khác trên đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thái Học, Kim Đồng. Tại sao lại có sự chênh lệch về giá lớn như vậy? câu trả lời  được cửa hàng đưa ra là hàng “xách tay” về sẽ có giá rẻ hơn, tuy nhiên chất lượng thì chỉ có người sảm xuất mới biết rõ. 
Những vấn đề nêu trên là băn khoăn của nhiều người tiêu dùng. Lĩnh vực này, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra hàng nhập lậu, hàng trốn thuế, hàng không rõ nguồn gốc để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.
Lê Thanh