90% công nhân may Việt Nam có thể mất việc vì tự động hóa

(Baonghean.vn) - Theo 1 báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc làm của gần 90% lao động Campuchia và Việt Nam trong ngành may mặc và da giày có thể bị ảnh hưởng bởi các dây chuyền tự động hoặc máy may rô bốt.

Công nhân tại một dây chuyền sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ảnh: AP.
Công nhân tại một dây chuyền sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ảnh: AP.

Tại các quốc gia ASEAN, 9 triệu người - trong đó phần lớn là phụ nữ trẻ đang phụ thuộc vào các công việc trong ngành dệt may, sản xuất giày dép. Đây là những lao động được ILO nhận định là dễ có nguy cơ mất công ăn việc làm bởi lượng lực lao động mới như máy móc tự động.

Máy may tự động khó có khả năng xuất hiện tại các nhà máy ở châu Á, nhưng lại được lắp đặt tại các thị trường đích như châu Âu hay Mỹ. Đó được coi là một mối đe dọa lớn mà ILO thúc giục các nước ASEAN lên kế hoạch đa dạng hóa, tránh vấp trở ngại trong quá trình phát triển.

Lao động trong ngành dệt may thường có mức thu nhập thấp, làm việc nặng nhọc, dễ có nguy cơ mắc các bệnh về phổi, tai nạn lao động hay cháy nổ. Nay lại thêm mối nguy bị thay thế bởi máy móc tự động nhanh, rẻ và dễ kiểm soát hơn.

Ông Jae-Hee Chang, đồng tác giả báo cáo của ILO cho biết các công ty đang quan tâm đến công nghệ tự động hóa vì cạnh tranh về chất lượng, giá cả cũng như giảm thiểu rủi ro. Ông cho rằng để tránh tình trạng thất nghiệp, các nhà máy may tại ASEAN nên thay đổi mô hình “định hướng xuất khẩu” hiện nay và trở thành nguồn cung cho tầng lớp trung lưu đang phát triển của ASEAN.

Adidas đã tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất giày bằng máy móc tự động tại một nhà máy ở Đức vào năm 2017. Nhà máy sẽ chỉ sử dụng 160 nhân công với 2 dây chuyền tự động sản xuất đế và thân giày. Đây là kế hoạch mà Adidas xem là thay đổi cuộc chơi.

Hiện tại, một chiếc giày Adidas mất tới 18 tháng từ lúc lên ý tưởng đến khi được bày bán. Tuy nhiên, hãng này hy vọng quá trình này sẽ rút ngắn chỉ còn 5 giờ và khách hàng có thể tự thiết kế sản phẩm cho riêng mình tại cửa hàng.

Trả lời cho câu hỏi về tình trạng thất nghiệp có thể xảy ra đối với công nhân giày dép tại châu Á, đại diện Adidas cho rằng số lượng sản phẩm của nhà máy sử dụng rô bốt chỉ ở mức khiếm tốn 500.000 đôi so với công suất sản xuất 301 triệu đôi giày của hãng mỗi năm trên toàn thế giới. Với kế hoạch sản xuất tăng thêm 30 triệu đôi giày mỗi năm, dường như sự tác động của các nhà máy tự động hóa đến nhu cầu sử dụng lao động của Adidas là chưa đáng kể.

Mặc dù tự động hóa trong ngành dệt may và da giày có thể chưa xảy ra ngay lập tức, tuy nhiên, liệu có cần một cách nhìn nhận mới cho sự thay đổi này? Việc giảm giờ làm việc trong tuần từ 40 xuống 32 giờ và thêm ngày nghỉ cuối tuần có thể là cách để phân chia công việc đồng đều hơn trong xã hội.

Dù tự động hóa được dự báo sẽ có tác động tiêu cực đối với nhu cầu lao động của ngành dệt may. Tuy nhiên, sự phổ biến của xu hướng này sẽ không thể đến ngay lập tức. Song phân tích, đánh giá, kế hoạch sớm sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng như chính phủ hỗ trợ người lao động ứng phó với những thay đổi trong tương lai.

Phan Hoàng Vũ

(Theo Guardian)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới