Thu giữ quỹ khai thác khoáng sản nếu DN không hoàn thổ

(Baonghean) -  Ông Trương Minh Hoàng - Thành viên của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trao đổi về quản lý Nhà nước đối với việc hoàn thổ, khôi phục lại hiện trạng khi khai thác tài nguyên khoáng sản. 

- Việc DN khai khoáng không thực hiện đúng cam kết trong việc hoàn thổ, trả lại hiện trạng phải chăng do chưa có chế tài hay biện pháp mạnh đối với họ?

Ông Trương Minh Hoàng: Tôi nghĩ, các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản hiện nay, khi tiến hành, đơn vị khai thác phải ký quỹ với Nhà nước. Quỹ đó phải tương xứng với phần chi phí bồi hoàn, khắc phục lại hiện trạng. Khi DN khai thác ký quỹ, Nhà nước giữ khoản tiền đó, sau khi khai thác xong DN bồi hoàn hiện trạng đúng như cam kết mới cho họ được rút khoản tiền đó ra.

Ông Trương Minh Hoàng - Thành viên của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Ông Trương Minh Hoàng - Thành viên của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Trường hợp DN không làm, Nhà nước dùng quỹ đó để thuê người làm. Còn nếu chỉ cam kết bằng những văn bản thông thường, rất khó yêu cầu DN thực hiện đúng cam kết sau khi họ khai thác xong.

Trường hợp phải đóng khoản tiền ký quỹ lớn gây khó khăn cho DN, cơ quan chức năng có thể tạo điều kiện cho họ bằng cách nắm bắt số tài khoản của DN, rồi thỏa thuận với nhau, nếu không thực hiện đúng cam kết sau khai khoáng sẽ nhờ cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản này.

Việc DN chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm hoàn thổ, khôi phục hiện trạng sau khai khoáng, chính quyền địa phương có trách nhiệm thế nào, thưa ông?

Ông Trương Minh Hoàng: Trước hết phải xem dự án đó thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào, có những dự án khai thác tài nguyên khoáng sản do cấp bộ quản lý, địa phương chỉ phối hợp. Theo tôi, một dự án khai thác khoáng sản không hoàn thổ hay khắc phục lại hiện trạng, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ dự án.

Còn việc điều hành, phối kết hợp thế nào để giám sát, kiểm soát thực hiện cho được, có thể kết hợp địa phương, phải bỏ ra một khoản chi phí để họ quản lý song hành, bởi không phải dự án khai thác nào cũng của địa phương. Ví dụ như những dự án khai thác lớn thuộc bộ, ngành quản lý, có những dự án khai thác ở cấp tỉnh, cấp huyện cấp phép, quản lý.

Một điểm mỏ ở Quỳ Hợp.
Một điểm mỏ ở Quỳ Hợp. Ảnh V.T

Để kiểm soát được vấn đề đó rất cần tính công khai, chẳng hạn khai thác trữ lượng bao nhiêu, diện tích khai thác bao nhiêu, vị trí chỗ nào, từ đâu đến đâu phải có sơ đồ, bản đồ treo công khai cho dân biết, chỉ có như vậy mới kiểm soát kịp thời được. Sau khi khai thác xong việc hoàn thổ, bù đắp lại thế nào cũng phải được công khai, nếu DN không thực hiện đúng cam kết, người dân địa phương có thể báo cơ quan chức năng không cho di chuyển máy móc, phương tiện đi nơi khác.

“Một dự án khai thác khoáng sản không hoàn thổ hay khắc phục lại hiện trạng, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ dự án. Còn việc điều hành, phối kết hợp thế nào để giám sát, kiểm soát thực hiện, có thể kết hợp địa phương, phải bỏ ra một khoản chi phí để họ quản lý song hành, bởi không phải dự án khai thác nào cũng của địa phương” - ông Trương Minh Hoàng - Thành viên của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

N.N

TIN LIÊN QUAN

Tin mới