Biện pháp mới trong phát triển đàn lợn theo hướng VietGAHP

(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh có ngành chăn nuôi khá phát triển so với các tỉnh trong cả nước, tính đến quỹ II/2016, toàn tỉnh có tổng đàn trâu ước đạt 296.600 con, đàn bò 423.750 con, đàn lợn 916.300 con, đàn gia cầm 18.020 nghìn con.

Đối với đàn lợn đực giống theo số liệu thống kê có 1.093 con, trong đó có khoảng 140 con thực hiện theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, còn lại là lợn đực giống nhảy trực tiếp. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là chất lượng đàn đực giống, đàn nái sinh sản và công tác quản lý dịch bệnh, môi trường. 

Mô hình lợn đực giống áp dụng thụ tinh nhân tạo ở xã Minh Thành (Yên Thành).
Mô hình lợn đực giống áp dụng thụ tinh nhân tạo ở xã Minh Thành (Yên Thành).

Để cải tạo nhanh chất lượng đàn lợn, phương pháp thụ tinh nhân tạo sau khi chọn các con đực giống tốt, không phải di chuyển lợn đực, không bị hạn chế về chênh lệch tầm vóc giữa lợn đực và cái, hạn chế lây bệnh qua đường sinh dục và một lần khai thác tinh dịch có thể dùng để phối cho nhiều lợn nái.

Năm 2016, thực hiện hợp đồng giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông Nghệ An về việc thực hiện dự án “Mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ”, thời gian triển khai từ tháng 3/2016 đến tháng 12/2016. Từ những nội dung yêu cầu, điều kiện của dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức triển khai, sau hơn 4 tháng thực hiện đã đạt được một số kết quả khả quan.

Về địa bàn triển khai, trung tâm đã khảo sát và chọn huyện Yên Thành với 2 xã: Minh Thành và Hậu Thành để thực hiện dự án, đây là các xã có quy mô đàn lợn lớn, số hộ nuôi lợn sinh sản nhiều, người chăn nuôi lợn sinh sản đều có nguyện vọng được áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bằng các giống lợn có năng suất cao và kết hợp với mạng lưới thú y cộng đồng (MLTYCĐ) nhằm hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ.

Trung tâm Khuyến nông phối hợp với UBND xã tổ chức họp những hộ có nhu cầu nuôi lợn đực giống thụ tinh nhân tạo theo yêu cầu của dự án, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Kết quả có 3 hộ được chọn nuôi lợn đực giống đủ điều kiện về thiết bị phục vụ cho chăn nuôi, khai thác tinh dịch và cam kết không phối giống trực tiếp.

Với tổng số 6 con lợn đực giống (4 con PiDu, 2 con Landrat) có nguồn gốc cung cấp từ Trung tâm nghiên cứu giống lợn Thụy Phương - Viện Chăn nuôi. Mỗi hộ được dự án hỗ trợ 2 con lợn đực giống đã được huấn luyện nhảy giá, ngoài ra còn hỗ trợ thức ăn, dụng cụ kiểm tra, đánh giá và bảo tồn tinh dịch: Hóa chất sát trùng; vắc-xin tiêm phòng (tụ dấu, thương hàn, dịch tả, suyễn, parvo, lepto, tai xanh, LMLM).

Về xây dựng MLTYCĐ: Mỗi xã thành lập 1 ban chỉ đạo triển khai thực hiện dự án khuyến nông cấp xã và 1 MLTYCĐ với 150 hộ chăn nuôi tại xã Hậu Thành (1.450 con lợn) và 100 hộ chăn nuôi tại xã Minh Thành (1.000 con lợn). Mỗi hộ trung bình nuôi từ 8 con lợn trở lên và có đủ điều kiện về cơ sở vật chất chuồng trại, có nguồn nhân lực, vốn đối ứng, làm tốt công tác vệ sinh thú y và phải áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAHP.

Quyền lợi các hộ tham gia MLTYCĐ được hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi lợn theo VietGAHP, hỗ trợ hóa chất sát trùng; vôi bột; thuốc kháng sinh tổng hợp và vắc-xin tiêm phòng. Ngoài ra, trong tổng số 250 hộ dân tham gia MLTYCĐ có 150 hộ nuôi lợn nái sinh sản sẽ được cấp tinh miễn phí 2 liều tinh/nái. Đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông ký hợp đồng với mỗi xã 1 cán bộ thú y để hỗ trợ kịp thời cho các hộ trong việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng, phát hiện dịch bệnh và điều trị bệnh sớm.

Sau hơn 4 tháng triển khai dự án “Mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ” tạo được sự đồng thuận cao của các hộ nuôi lợn đực giống và người chăn nuôi trong vùng. Đáng mừng là các hộ nuôi lợn đực giống đều cam kết tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc, khai thác và pha chế tinh dịch. Khi phối giống cho đàn lợn nái trong vùng đạt tỷ lệ thụ thai rất cao, giảm được tỷ lệ phối giống lại và phối giống trực tiếp. 

Đối với MLTYCĐ, đây là hình thức hoạt động mới nhằm gắn kết các hộ chăn nuôi trong xã, trong vùng để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cho nhau trong quản lý, nuôi dưỡng chăm sóc lợn. Qua đó, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát và tổ chức hội thảo, rút kinh nghiệm, đánh giá đúng hiệu quả của dự án mang lại. 

Cao Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới